Thứ Hai, 11/01/2021 11:17

Hãng bay Indonesia kinh doanh ra sao trước khi máy bay 737 rơi?

Những nỗ lực tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2019 của Sriwijaya Air nhiều khả năng sẽ bị xóa sạch sau vụ chiếc 737 đã 29 năm tuổi của hãng gặp nạn trên biển Java.

Vụ việc máy bay chở khách Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air mất tích ngoài khơi Jakarta hôm 9/1 là đòn giáng mạnh vào đà phục hồi của hãng sau khi tình hình kinh doanh vừa khởi sắc không lâu.

Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, nỗ lực tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2019 của hãng đã bị xóa sạch vì vụ việc xảy ra với chiếc 737 và vì ảnh hưởng của đại dịch trong năm 2020.

Liên tục khó khăn trước năm 2018

Sriwijaya Air được thành lập năm 2003 và trung thành với dòng máy bay thân hẹp 737 của Boeing ngay từ những năm đầu vận hành. Những năm đầu cất cánh, Sriwijaya Air ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và tới tháng 7/2009, hãng đã có trong tay đội bay 23 chiếc máy bay thân hẹp, khai thác 33 đường bay nội địa và 2 đường bay quốc tế.

rơi máy bay indonesia ảnh 1
Chiếc Boeing 737-500 số đăng ký PK-CLC vẫn được Sriwijaya Air khai thác dù đã 29,1 năm tuổi. Ảnh: Fikri Izzudin Noor.

Vào năm 2011, để thay thế đội bay có phần già cỗi, Sriwijaya Air đã có hợp đồng thuê 12 chiếc Boeing 737-500 đã qua sử dụng với tổng giá trị 84 triệu USD. Đây chính là mẫu máy bay đã thực hiện chuyến bay SJ182 gặp nạn hôm 9/1.

Nhằm tiếp tục trẻ hóa đội bay, tại triển lãm hàng không Paris 2015, hãng bay đã ký mua 2 chiếc 737-900ER từ Boeing cùng quyền mua thêm 20 chiếc 737 MAX. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử vận hành Sriwijaya Air mua máy bay mới và hãng nhận bàn giao hai chiếc này vào tháng 8/2015.

Tuy có nhiều nỗ lực cải thiện đội bay, Sriwijaya Air vẫn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh khi chọn phân khúc giá vé trung bình, phục vụ suất ăn nhẹ trên chuyến bay. Giai đoạn 2011-2018, hãng chịu cạnh tranh gay gắt từ các hãng hàng không giá rẻ mới nổi của Indonesia, có thể kể đến những cái tên như Lion Air, Indonesia AirAsia hay Citilink, hãng bay giá rẻ của hãng hàng không quốc gia Indonesia - Garuda Airlines.

Kế hoạch cải thiện dịch vụ để trở thành hãng bay truyền thống (full-service) của Sriwijaya Air cũng không thành hiện thực khi yêu cầu đội bay tối thiểu 31 chiếc và có hạng thương gia cùng suất ăn nóng cho hành khách là thách thức với hãng bay vốn đang khó khăn về tài chính.

Sau nhiều năm lỗ lũy kế đậm vì cạnh tranh với hàng không giá rẻ, tới tháng 11/2018, Sriwijaya Air đã buộc phải ký thỏa thuận giao quyền điều hành và quản lý tài chính cho đối thủ Citilink. Tại thời điểm ký thỏa thuận, Sriwijaya Air nợ các đối tác 175 triệu USD.

Liên doanh Citilink và Sriwijaya Air trở thành thế lực hàng không lớn thứ 2 tại Indonesia với 45% thị phần vào năm 2018, xếp sau gã khổng lồ hàng không giá rẻ Lion Air nắm phần lớn miếng bánh còn lại.

Liên doanh này cũng đã cải thiện hiệu quả kinh doanh của Sriwijaya Air khi hãng ghi nhận tăng trưởng lượng khách 12,9% trong 9 tháng đầu 2019 so với cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên với nhiều bất đồng trong bộ máy điều hành và về các chi phí bảo dưỡng, dịch vụ sân bay, liên doanh này tan vỡ vào tháng 11/2019. Khi cắt đứt quan hệ với Citilink và Garuda Airlines, Sriwijaya Air bị nhà chức trách hàng không Indonesia đặt dấu hỏi về việc duy trì các tiêu chuẩn an toàn bay.

Đội bay già cỗi

Chiếc Boeing 737-500 gặp nạn trên biển Java hôm 9/1 là chiếc hiếm hoi thuộc mẫu máy bay này còn chở khách tại khu vực Đông Nam Á. Trong khi các hãng bay đã chuyển sang các dòng máy bay thân hẹp mới của Airbus thuộc dòng A320, việc trung thành với máy bay Boeing đã khiến tham vọng làm mới đội bay của Sriwijaya Air gặp khó.

Hãng từng mong muốn biên chế dòng máy bay 737 MAX của Boeing, đối trọng của dòng A320 từ Airbus, tuy nhiên hai tai nạn liên tiếp của dòng máy bay này, đặc biệt là tai nạn của hãng bay đối thủ Lion Air đã khiến Sriwijaya Air chùn tay.

rơi máy bay indonesia ảnh 2
Đội bay của Sriwijaya Air có tuổi trung bình lên tới 17,4 năm tuổi, cao bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: THT.

Tháng 3/2019, Sriwijaya Air đã hủy hợp đồng mua 2 chiếc 737 MAX từ Boeing với lý do sau hai vụ tai nạn liên tiếp, hãng bắt buộc phải hủy kế hoạch mua mẫu máy bay này.

Không mua được 737 MAX, không thể chuyển sang khai thác A320 vì vấn đề chi phí, đội bay của Sriwijaya Air rơi vào cảnh già cỗi bậc nhất ngành hàng không khu vực.

Theo Planespotters, đội bay của Sriwijaya Air hiện có 18 máy bay với tuổi trung bình lên tới 17,4 năm tuổi. Để so sánh, tuổi trung bình máy bay của Vietnam Airlines hiện là 6,1 năm, Vietjet Air là 4,5 năm và Bamboo Airways hiện là 7,4 năm.

Trong 18 chiếc máy bay của Sriwijaya Air, tất cả đều máy bay thân hẹp thuộc dòng 737. Số này gồm 5 chiếc 737-500, 11 chiếc 737-800 và 2 chiếc 737-900, đã buộc phải nằm sân 10 chiếc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tính tới thời điểm lao xuống biển Java, chiếc 737-500 thực hiện chuyến bay SJ182 đã 29,1 năm tuổi và là chiếc máy bay cũ nhất của Sriwijaya Air. Ngoài chiếc này, Sriwijaya Air còn biên chế hàng loạt máy bay từ 18,7 đến 27 năm tuổi.

Hai chiếc máy bay duy nhất dưới 10 năm tuổi trong đội bay của hãng là 2 chiếc 737-900, một chiếc 5,8 năm tuổi và 1 chiếc 6,1 năm tuổi.

Chiếc máy bay cũ nhất trong đội bay của Sriwijawa Air đã mất tích ngoài khơi Jakarta hôm 9/1. Phi cơ chở 62 người này được cho là đã rơi từ độ cao 3.000 m không lâu sau khi cất cánh. Các nhân chứng của vụ máy bay chở 62 người mất tích ở Indonesia cho biết họ đã chứng kiến một vụ nổ khi phi cơ rơi xuống biển.

Ngô Minh

ZING

Các tin tức khác

>   Kinh tế thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? (10/01/2021)

>   Tín dụng tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh nhất trong 5 tháng (10/01/2021)

>   IMF: Trung Quốc cần gấp rút kiểm soát rủi ro tài chính (09/01/2021)

>   Joe Biden yêu cầu thêm gói cứu trợ hàng ngàn tỷ USD, xem xét phát tiền 2,000 USD (09/01/2021)

>   Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản cá nhân của Tổng thống Trump (09/01/2021)

>   Thái Lan chống chọi 'sóng thần' Covid-19 (09/01/2021)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 2021 (09/01/2021)

>   Kinh tế Mỹ được dự báo hồi phục nhanh hơn (08/01/2021)

>   Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy giảm trong quý 1 năm 2021 (08/01/2021)

>   Mối đe dọa mới với ngành công nghệ Trung Quốc, nhìn từ Jack Ma (08/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật