TP HCM thu ngân sách vượt dự kiến
Năm 2021, Trung ương, HĐND TP HCM giao tổng thu ngân sách nhà nước cho TP là 364.893 tỉ đồng, chiếm 24,79% tổng dự toán thu cả nước
Tối 31-12, lãnh đạo UBND TP HCM làm việc với ngành tài chính TP về kết thúc năm ngân sách và công bố số liệu thu chi ngân sách TP năm 2020.
Sức mạnh nội tại ngày càng tăng
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho hay số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 31-12 là gần 371.385 tỉ đồng, đạt 91,51% dự toán và giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 84.290 tỉ đồng, đạt 82,6% dự toán.
Như vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP không hoàn thành dự toán ban đầu nhưng kết quả thu ngân sách thực tế vẫn cao hơn con số ước tính trước đó báo cáo Quốc hội. TP vẫn duy trì tỉ trọng 25,5% tổng thu ngân sách cả nước như các năm trước. "Tăng trưởng kinh tế thấp cùng với việc triển khai các chính sách giảm, giãn thuế, phí đã làm số thu cân đối ngân sách địa phương giảm so với dự toán. Trong khi đó, có nhiều khoản chi phát sinh ngoài dự toán như chi cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất" - bà Hà lý giải.
Xuất khẩu đạt hơn 44 tỷ USD là điểm sáng của kinh tế TP HCM trong năm 2020. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2020, TP đã quán triệt chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính về quản lý chi ngân sách nhà nước, điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán đã phân bổ, thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Khi xuất hiện dịch bệnh, TP hạn chế bổ sung các khoản chi phí phát sinh ngoài dự toán; triển khai các biện pháp giảm chi hội họp, tổ chức đoàn công tác. Qua đó, TP tiết kiệm chi 2.958 tỉ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận TP triển khai nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Đây cũng là năm khó khăn nhất khi lần đầu tiên TP chỉ đạt tăng trưởng 1,39% và có trên 32.000 DN giải thể, ngưng hoạt động. Tuy vậy, TP vẫn có một số điểm sáng về mặt kinh tế như: xuất khẩu đạt hơn 44 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 4 tỷ USD, có 40.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1 triệu tỉ đồng... Những kết quả này tác động tích cực đến thu ngân sách TP.
"Tính chung giai đoạn 2016-2020, tỉ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ mức 62,1% lên 71%, cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế vẫn tiếp tục có hiệu quả, sức mạnh nội tại của kinh tế TP ngày càng tăng" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận xét và cho biết năm 2021, Trung ương, HĐND TP giao tổng thu ngân sách nhà nước cho TP là 364.893 tỉ đồng, chiếm 24,79% tổng dự toán thu cả nước.
"Với tinh thần trách nhiệm cũng như quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra, tôi yêu cầu ngành tài chính, UBND các quận - huyện cùng cộng đồng DN, doanh nhân tiếp tục phát huy truyền thống năng động vốn có, cùng nhau nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; góp phần cùng cả nước nói chung và TP nói riêng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội" - Chủ tịch UBND TP yêu cầu.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Trước đó, ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, nhận định điểm nổi bật trong kết quả điều hành kinh tế - xã hội năm 2020 của TP là môi trường đầu tư - kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Nhiều chính sách, giải pháp được triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội tạo động lực cho TP phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Nêu thực tế chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP trong năm qua giảm 4% so với cùng kỳ 2019, trong đó ngành công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 4,6%, sản xuất và phân phối điện giảm 1,1%, ông Huỳnh Văn Hùng cho rằng DN rất cần các biện pháp hỗ trợ cụ thể, nhanh chóng, mang tính đột phá và dài hạn.
Cụ thể, hỗ trợ tiếp thị, thông tin về thị trường nhập khẩu nguyên - nhiên - vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; tìm kiếm thị trường đối tác xuất khẩu mới; thực hiện nhanh việc xem xét giãn nợ, khoanh nợ và giảm thuế...
Năm 2021, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng bộ TP đề ra, ông Huỳnh Văn Hùng cho rằng cần sớm triển khai 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm phát triển TP. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công; cần xem đây là nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, từ đó thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị điều hành...
TP HCM cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của đô thị thông minh, đề án giáo dục thông minh, đề án y tế thông minh và chương trình chuyển đổi số.
Tốc độ giải ngân vốn công nhanh
Cục trưởng Cục Thống kê Huỳnh Văn Hùng đánh giá một trong những điểm nổi bật của TP HCM trong năm qua là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất trong các năm gần đây với 90% (năm 2018 chỉ đạt 76,8%).
Ngoài ra, số DN đăng ký thành lập mới tuy giảm 6,3% về số lượng nhưng vốn đăng ký tăng tới 64%.
Một điểm mới đáng ghi nhận là trong giai đoạn dịch Covid-19, các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến được nhiều người dùng và DN áp dụng. Từ đó đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thiết yếu của thị trường trong lĩnh vực bán lẻ hàng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ internet, viễn thông...
|
Phương Nhung - Thái Phương
Người lao động
|