Thứ Tư, 30/12/2020 21:00

Ứng dụng gọi xe ghi dấu một năm phá vỡ các giới hạn

Như nhiều lĩnh vực khác, Covid-19 là một cú sốc lớn đối với các ứng dụng gọi xe trong năm 2020. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi xe đều tìm được cơ hội từ khủng hoảng. Thậm chí, một số đơn vị còn phá vỡ các giới hạn kinh tế thông thường để thúc đẩy thị trường này tiến đến một hình thái kinh doanh hoàn toàn mới.

Các ứng dụng gọi xe đã có những chiến lược để phá vỡ các giới hạn kinh doanh của mình trong năm 2020. Ảnh minh họa: Quang Định

Năm 2020 có thể được nhận định là khoảng thời gian biến động mạnh nhất đối với các ứng dụng gọi xe. Các thay đổi về chính sách đã tác động mạnh nhất tới loại hình kinh doanh mà từ khi ra mắt ở Việt Nam luôn hoạt động dưới những câu hỏi về sự công bằng. Ngoài việc chịu tác động của chính sách địa phương thì các đơn vị này cũng bắt đầu tự mình chuyển động để phá vỡ giới hạn của một ứng dụng gọi xe thông thường. Khi thay đổi, sẽ đem đến những xung đột lợi ích trong quá trình vận hành và cuộc chiến nội tại của thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Những chính sách làm rõ hình thái kinh doanh

Bước vào năm 2020, Nghị định 10 về vận tải, điều kiện kinh doanh vận tải được thông qua và có hiệu lực từ 1-4. Đây là chính sách giúp thị trường định vị rõ hơn về mô hình kinh doanh gọi xe trước đây vốn hoạt động âm thầm và chưa rõ về hình hài.

Cụ thể, sau 1-4, nếu muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng, các xe đó phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Các hãng gọi xe công nghệ sẽ phải chấp hành thực hiện điều này và hạn cuối cùng là 1-7-2021.

Hiện nay, Nghị định 10/2020 đã chính thức có hiệu lực, đồng thời Quyết định về thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi công nghệ) của Bộ Giao thông Vận tải cũng hết hiệu lực. Điều đáng nói nhất là Nghị định 10 đã định danh lại các loại hình vận tải ô tô, cho phép các doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn. Tức chỉ cung cấp phần mềm, hoặc chuyển đổi sang doanh nghiệp vận tải.

Các quy định đã rất rõ, doanh nghiệp có quyền lựa chọn, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Đổi lại, trật tự vận tại sẽ được tái lập, nhà nước quản lý được các hoạt động vận tải, còn doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định. Các hãng truyền thống đã có không gian để nâng cấp dịch vụ cạnh tranh, nếu không hoàn thiện các cơ chế hướng đến người dùng thì việc bi bỏ lại phía sau rất dễ xảy ra.

Những thay đổi về chính sách chưa dừng lại ở đó khi Nghị định Nghị định 126/2020 được thông qua và có hiệu lực từ 5-12-2020. Theo đó, thay vì để các tài xế công nghệ nộp 3% thuế Giá trị gia tăng (GTGT) tính trên doanh thu của mỗi người thì Grab, Be, Gojek hoặc các hợp tác xã hợp tác với các đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm kê khai, nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay cho họ. Trong quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, cá nhân không có quyền tự kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp là đối tượng chịu trách nhiệm thực hiện kê khai thuế GTGT tính trên tổng doanh thu thu được.

Nếu như Nghị định 10 phần nào định dạng lại hình thức mô hình kinh doanh dịch vụ gọi xe thì Nghị định 126 được xem như một chính sách gắn với trách nhiệm của các đơn vị hoạt động trên nền tảng công nghệ này.

Tuy nhiên, khi những chính sách điều chỉnh trực tiếp vào lợi ích tài chính thì quyền lợi và nghĩa vụ giữa các đối tác một lần nữa được đặt lên bàn cân. Câu chuyện về thu hộ thuế GTGT, giá cước, chiết khấu... của các hãng xe công nghệ, đã đẩy xung đột giữa các bên tham gia bước vào cao trào và như mọi lần các đơn vị cung cấp nền tảng lại chiếm thể chủ động. Bên chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là khách hàng khi giá dịch vụ đầu cuối ngày một leo thang.

Việc phản ứng lại với các chính sách bằng cách bảo toàn lợi ích của mình, các ứng dụng gọi xe đang đưa hoạt động kinh doanh của mình thoát ra khỏi “địa hạt” của mô hình kinh tế chia sẻ. Một khái niệm mà chính họ là người đưa đến cho thị trường Việt Nam trong lần đầu tiên ra mắt tại đây. 

Nỗ lực thoát khỏi giới hạn của ứng dụng gọi xe

Câu chuyện xung đột lợi ích giữa các đối tác hay những phản ứng với chính sách tạo nên một bề mặt sôi nổi của thị trường dịch vụ gọi xe. Tuy nhiên những chuyển động bên trong các ứng dụng này hướng đến một chiến lược dài hơi với mục đích thoát khỏi giới hạn của các ứng dụng gọi xe đơn thuần mới là điều đáng lưu tâm.

Sau 6 năm các ứng dụng này xuất hiện ở Việt Nam, điều dễ nhận thấy nhất là thói quen của đa số người dùng đã thay đổi. Đây cũng chính là thời điểm chín muồi để các đơn vị này đưa người dùng vào trong hệ sinh thái của họ một cách đơn giản nhất. Sự dịch chuyển chiến lược kinh doanh của các ứng dụng gọi xe trong thời gian qua là rất nhanh và hầu hết đều hướng đến việc tích hợp dịch vụ thanh toán điện tử.

Phát triển siêu ứng dụng và hướng đến ngân hàng số là điều mà các đơn vị gọi xe công nghệ thực hiện trong năm 2020. Ảnh minh họa: V.Dũng

Ngày 5-8, ứng dụng Gojek chính thức vận hành tại Việt Nam, đồng thời cũng là sự kết thúc sứ mệnh của thương hiệu GoViet sau hai năm có mặt trên thị trường. Nhân dịp này, ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam, tiết lộ rằng trọng tâm phát triển của Gojek sắp tới sẽ xoay quanh ba dịch vụ là vận chuyển khách, giao hàng và thanh toán. Trong đó, thanh toán trực tuyến (tích hợp ví điện tử vào ứng dụng) là mảng đang thiếu trong hệ sinh thái của Gojek và sẽ là trọng tâm phát triển trong thời gian tới.

Trước đó, Grab đã tích hợp chức năng thanh toán vào ứng dụng với tên gọi là ví điện tử Moca từ cuối năm 2018 và hiện đã có độ phủ khá rộng. Tuy chậm chân một bước nhưng Gojek đã chọn cách đua nước rút thông qua việc bắt tay với ông trùm thanh toán trực tuyến PayPal để triển khai ví điện tử thay vì tự phát triển.

Nhìn tổng quan thị trường thì mảng thanh toán được xem như một chiến lược trọng tâm để các dịch vụ xe công nghệ nước ngoài như Gojek, Grab hay nội địa như Be, FastGo kiện toàn hệ sinh thái trong các ứng dụng đa dịch vụ của họ.

Đầu năm nay, Be cũng đã liên kết với ví điện tử SmartPay trong khi FastGo cũng có hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt qua ví điện tử Vimo. Hay như các ứng dụng chuyên gọi món như Baemin, Now cũng có những tùy chọn khác ngoài thanh toán tiền mặt cho khách hàng.

Thậm chí, Grab, công ty xe công nghệ nghệ nắm thị phần lớn nhất ở Việt Nam cũng đã có kế hoạch phát triển việc thanh toán lên một cấp độ khác là mở sàn thương mại điện tử hay xin phép mở cả ngân hàng số. Các ông lớn công nghệ cũng bắt đầu nắm được tâm lý người dùng để đầu tư vào nền tảng công nghệ tài chính (fintech) và gia nhập cuộc đua thanh toán thông qua các ứng dụng gọi xe.

Sàn thương mại điện tử vẫn là thị trường tiềm năng của các ví điện tử, nếu các ứng dụng gọi xe phát triển trở thành một ứng dụng đa dịch vụ và tích hợp các tiện ích này thì sẽ tối ưu hiệu quả khai thác. Trong xu thế này, không chỉ Grab mà các ứng dụng khác cũng bắt đầu manh nha việc triển khai các dịch vụ kết nối tương tự.

Sáp nhập và những câu hỏi về sự độc quyền

Câu chuyện sáp nhập giữa các ứng dụng gọi xe không phải lần đầu tiên được đề cập trong năm qua. Tuy nhiên đích đến của việc sáp nhập đều là một điểm khiến cho nhiều người lo ngại về thế độc quyền trên thị trường cung ứng dịch vụ này. Trước đây thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber đã làm cho cán cân của thị trường nghiêng hẳn về một bên với con số thị phần mà cả hai năm giữ luôn dẫn đầu.

Mọi phương án sáp nhập trên thị trường gọi xe đều hướng tới Grab và câu hỏi về sự độc quyền. Ảnh minh họa: TTXVN

Mức độ cạnh tranh phần nào được kéo căng khi Gojek hợp nhất Goviet tại Việt Nam và trở thành một đối trọng lớn với Grab trong việc khai thác các “phúc lợi vương vãi” ở thị trường này. Tuy nhiên gần đây, những thông tin về việc Grab và Gojek sáp nhập xuất hiện này một nhiều trên mặt báo. Cả hai đều là những kỳ lân và được định giá từ 10 tỷ đô la trở lên. Tại Đông Nam Á, gần như hai hãng gọi xe này đều chiếm lĩnh thị phần tại các quốc gia góp mặt. Nếu như thương vụ này trở thành hiện thực thì câu chuyện về sự độc quyền với thị phần chi phối là khó tránh khỏi.

"Người thua thiệt duy nhất là người tiêu dùng. Một thương vụ sáp nhập sẽ tạo thế độc quyền và khiến phí dịch vụ đối với khách hàng trở nên đắt đỏ hơn nhiều", Financial Times dẫn lời một chuyên gia phân tích giấu tên.

Thông tin Grab và Gojek về chung nhà cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng vụ sáp nhập sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp, đẩy giá dịch vụ lên cao và chất lượng giảm.

Nếu sáp nhập thành công, Grab và Gojek dĩ nhiên sẽ từ bỏ cuộc chơi đốt tiền. Nhưng điều này cũng có nghĩa là những đối tác và các khách hàng không còn được nhận những lời mời chào và ưu đãi hấp dẫn như trước.

"Đối với các nhà đầu tư, quyết định hợp nhất của Grab và Gojek có thể giúp họ được nắm giữ cổ phần của tập đoàn công nghệ khổng lồ, tại một khu vực có nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ với tám quốc gia tăng trưởng cao", nhà báo Shotaro Tani của Nikkei Asian Review bình luận.

V.Dũng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Những mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nhờ hiệp định UKVFTA (30/12/2020)

>   “Vênh” quy định nguồn gốc gỗ (30/12/2020)

>   Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về thu phí không dừng tại các trạm BOT đặc thù (30/12/2020)

>   Đề xuất giảm giá FIT điện gió: DN kiến nghị kéo dài giá hiện tại (30/12/2020)

>   Thế mạnh Việt Nam chốt con số kỷ lục 60 tỷ USD (30/12/2020)

>   Chậm nhất tháng 1.2021 sẽ có cơ chế mới giá bán điện mặt trời mái nhà (30/12/2020)

>   Việt Nam - Anh ký Hiệp định thương mại song phương (30/12/2020)

>   51% cửa hàng bán lẻ được khảo sát doanh thu sụt giảm do đại dịch Covid 19 (29/12/2020)

>   Tình trạng thiếu tàu chở hàng, thiếu container có thể kéo dài đến tháng 3.2021 (29/12/2020)

>   Hãng tàu container phải minh bạch giá cước vận chuyển (29/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật