Thứ Tư, 30/12/2020 15:00

Những mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nhờ hiệp định UKVFTA

Hiệp định UKVFTA đã được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và UK.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA)

 

Với UKVFTA, các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định EVFTA được duy trì. Hiệp định song phương này là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6.6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5.8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12.1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).

Hiệp định UKVFTA được ký kết và đi vào thực hiện được hứa hẹn sẽ giúp nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu. Cụ thể là các mặt hàng sau:

Mặt hàng dệt may

Năm 2019, Anh nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam mặt hàng may mặc. Trong đó, 10 mặt hàng may mặc xuất khẩu lớn nhất sang Anh gồm: bộ comple, áo jacket, blazer cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo khoác ngoài, áo choàng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái; áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy (cardigan), gile và các mặt hàng tương tự, dệt kim hoặc móc; Áo choàng, áo sơ mi và áo choàng sơ mi phỏng kiểu nam dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái; áo phông, áo may ô và các loại áo lót khác…

Mặc dù Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn nhất, nhưng 5 năm qua tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may vào thị trường Anh giảm 8%.

Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường cung cấp sản phẩm dệt may cho Anh còn có Bangladesh, Campuchia và Pakistan đều có lợi thế hơn so với Việt Nam về thuế suất (Bangladesh được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA, Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+. Bởi vậy, FTA giữa Việt Nam và Anh sẽ mang lại các ưu đãi thuế quan giúp hàng hóa của ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

Mặt hàng Giày dép

Với kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số trong nhiều năm liền, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu giày dép. Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2010 – 2019, từ mức 5.1 tỷ USD năm 2010 tăng gấp hơn 3.5 lần, đạt 18.3 tỷ USD năm 2019.

Mặc dù đứng thứ 2 thế giới nhưng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, trong khi Trung Quốc là gần 40%.

Anh là thị trường xuất khẩu giày dép có tiềm năng lớn nhưng rất cạnh tranh. Tại Anh, thị trường giày dép rất đa dạng, phong phú bao gồm nhiều loại vật liệu (dệt, nhựa, cao su và da) và các sản phẩm từ giày dép nam, nữ và trẻ em khác nhau đến các loại sản phẩm chuyên dụng như giày trượt tuyết và giày bảo hộ.

So sánh với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Hà Lan, Italia, Bỉ, Đức, Việt Nam năm 2019 vẫn chịu mức thuế quan cao thứ 2 trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh với mức thuế trung bình 6.7 %.

Mặt hàng gạo

Thị trường gạo của Anh khá lớn với nhu cầu nhập khẩu gạo của Anh năm 2019 là 671 ngàn tấn, tăng 10% so năm 2018. Mặc dù Việt Nam làm một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng xuất khẩu gạo của VN sang Anh vẫn ở mức khiêm tốn với 0.2% và chỉ đứng thứ 22 trong các nhà XK gạo lớn nhất vào Anh (nguồn: UN Comtrade statistic)

Trong năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%. Tuy nhiên mức thuế quan với mặt hàng này năm 2019 vẫn ở mức cao nên khó cạnh tranh với các nước khác. Các nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo sang Anh là Ấn Độ (22%), Pakistan (18%), Tây Ban Nha (11%), Italia (10.9%), Thái Lan (9.2%).

Như vậy, Anh là thị trường xuất khẩu gạo rất tiềm năng cho Việt Nam.

Mặt hàng thủy sản

Thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ta có lợi thế về cả kinh nghiệm, năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4.4 tỷ USD/năm (nguồn: số liệu thống kê của ITC) trong khi đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6.7%. Các thị trường xuất khẩu thủy sản chính sang Anh là: Trung Quốc, Ireland, Thụy Điển…

FTA song phương giữa Việt Nam và Anh bên cạnh các ưu đãi về thuế quan sẽ đưa ra những cam kết minh bạch hóa về tiêu chuẩn chất lượng. Về phía Việt Nam, đây là động lực quan trọng thúc đẩy việc cải tiến hoạt động sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường đích, cụ thể là thị trường Anh - quốc gia đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm cao. Chất lượng đầu ra được cải thiện không chỉ giúp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này sang Anh mà còn đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khác.

Dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu từ Anh. Người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm thủy sản dễ tiêu thụ ở nhà, dễ bảo quản, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp. Cá tra đông lạnh của Việt Nam đang là một lợi thế lớn và là điểm sáng ngành thủy sản xuất khẩu sang Anh hiện nay khi là nhà cung cấp hàng đầu có mức giá phù hợp và quy trình chế biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam được thị trường EU và Anh chấp nhận.

Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ

Vương quốc Anh là một thị trường có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn thành phầm và nguyên, phụ liệu đồ gỗ mỗi năm. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 6 vào thị trường này với giá trị xuất khẩu 421.8 triệu USD, chiếm 3.6% thị phần nhập khẩu của Anh. Dẫn đầu hiện đang là Trung Quốc, Ý, Đức, Ba Lan, Mỹ. (theo nguồn của ITC).

Hoạt động xuất khẩu đồ gỗ sang Anh có nhiều cơ hội vì sản phẩm gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.

FTA không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ.

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   “Vênh” quy định nguồn gốc gỗ (30/12/2020)

>   Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về thu phí không dừng tại các trạm BOT đặc thù (30/12/2020)

>   Đề xuất giảm giá FIT điện gió: DN kiến nghị kéo dài giá hiện tại (30/12/2020)

>   Thế mạnh Việt Nam chốt con số kỷ lục 60 tỷ USD (30/12/2020)

>   Chậm nhất tháng 1.2021 sẽ có cơ chế mới giá bán điện mặt trời mái nhà (30/12/2020)

>   Việt Nam - Anh ký Hiệp định thương mại song phương (30/12/2020)

>   51% cửa hàng bán lẻ được khảo sát doanh thu sụt giảm do đại dịch Covid 19 (29/12/2020)

>   Tình trạng thiếu tàu chở hàng, thiếu container có thể kéo dài đến tháng 3.2021 (29/12/2020)

>   Hãng tàu container phải minh bạch giá cước vận chuyển (29/12/2020)

>   Nhiều doanh nghiệp FDI doanh thu tăng, lỗ... tăng theo: Đóng thuế ít vì ưu đãi (29/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật