Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ cho vay trực tiếp
Trước đây, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện cho vay vốn thông qua ủy thác các ngân hàng thương mại. Hiện nay quỹ được thực hiện chức năng cho vay, bao gồm cho vay trực tiếp, vay gián tiếp và tài trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thêm kênh vay vốn từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Thêm kênh vay vốn
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), việc bổ sung thêm chức năng này giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua nhiều phương thức khác nhau. Quỹ phát triển DNNVV được tổ chức các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV như hội thảo, truyền thông, đào tạo, tư vấn, xúc tiến đầu tư... nhằm hỗ trợ toàn diện cho các DNNVV. Đồng thời, quỹ này được bổ sung thêm chức năng tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác từ các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế. Từ đó giúp quỹ mở rộng cơ hội để bổ sung các nguồn vốn trong nước, quốc tế, tăng nguồn tài chính hỗ trợ cho DNNVV.
“Theo tôi, quỹ nên chọn hình thức hợp tác, đồng tài trợ hoặc có thể có sự bảo lãnh của NH thương mại với khoản vay đó để tận dụng thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực lao động có kỹ năng của NH thương mại”.
Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng
|
Theo dự kiến trước đó, Quỹ phát triển DNNVV sẽ thực hiện cho vay trực tiếp từ cuối năm 2020. Mới đây, Bộ KH-ĐT đã ban hành Thông tư 14/2020 về xử lý rủi ro khi cho vay trực tiếp của Quỹ phát triển DNNVV sẽ có hiệu lực từ ngày 25.2 sắp tới. Thông tư đưa ra những quy định cụ thể cho hoạt động của quỹ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, số tiền trả nợ; gia hạn nợ vay; khoanh nợ; bán nợ hay xử lý tài sản đảm bảo... tương tự như hoạt động của ngân hàng (NH) thương mại.
Nhận định về việc này, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược NH, cho rằng việc chuyển sang cho vay trực tiếp của quỹ này là rất tốt cho DN, có thể sẽ đem lại hiệu quả nhất định trong việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các DNNVV ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành những nhà cung cấp (công nghiệp hỗ trợ) cho các tập đoàn nước ngoài đang gia tăng vào VN hoặc xây dựng thương hiệu sản phẩm cho chính DN Việt. Nhưng khi cho vay trực tiếp thì mọi rủi ro trong hoạt động này cũng sẽ tương tự hoạt động cho vay của các NH thương mại. Đó là rủi ro đến từ khách hàng, thị trường, chính sách, công nghệ; rủi ro từ quản trị nội bộ... Dù vậy, Quỹ phát triển DNNVV chỉ có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng nên quy mô nhỏ, số lượng khách hàng cũng như số tiền cho vay từng dự án sẽ không quá nhiều như NH thương mại. Từ đó mức độ rủi ro cũng sẽ không quá cao như cho vay đại trà của các nhà băng. Đồng thời, quỹ cũng có điều kiện để sàng lọc được khách hàng cho vay với độ rủi ro thấp.
Điểm “nghẽn” mang tên thế chấp
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết hiện nay Quỹ phát triển DNNVV chưa hoạt động tại TP.HCM nên cũng chưa thể đánh giá được việc DN tiếp cận vay trực tiếp từ quỹ này sẽ như thế nào. Còn điều kiện vay của quỹ hiện không phải dễ nên DN cũng sẽ khó tiếp cận, chẳng hạn như điều kiện yêu cầu tài sản thế chấp, hạn mức vay cũng như lãi suất. Trong khi vấn đề mà các DNNVV gặp phải thời gian qua là không có tài sản thế chấp, đặc biệt các DN khởi nghiệp. Hơn nữa, nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV nếu đến từ ngân sách thì việc xét duyệt hồ sơ vay sẽ càng khó khăn hơn. Là một trong những thành viên của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, ông Phạm Ngọc Hưng cho biết cũng khó triển khai bảo lãnh tín dụng DN trước những điều kiện đưa ra hiện nay.
Theo Nghị định 39 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, quỹ này thực hiện cho vay trực tiếp theo thỏa thuận giữa quỹ và DNNVV, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với quỹ.
Quỹ sẽ cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, tham gia chuỗi giá trị vay vốn khi thỏa được một số điều kiện được quy định tại Nghị định 39. Lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của quỹ đối với một DNNVV không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của DN và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm.
|
Để hạn chế rủi ro, theo ông Phạm Xuân Hòe, quan trọng nhất là Quỹ phát triển DNNVV sàng lọc để có khách hàng có bề dày hoạt động, quản trị tốt hay có quyết toán thuế, kiểm toán báo cáo tài chính càng tốt. Đồng thời phải nghiên cứu kỹ và lựa chọn ngành hàng nhất định cũng như nên triển khai cho vay thí điểm ở một số tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội có lợi thế làm công nghiệp hỗ trợ hoặc như Cần Thơ có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, quỹ phải phân tích được năng lực tài chính, quản trị của khách hàng và phương án kinh doanh với đầu ra của sản phẩm, đảm bảo dòng tiền quay về...
“Quỹ đang tiến tới cho vay trực tiếp như NH, nhưng khác là quỹ không được huy động vốn từ người dân như NH và sứ mệnh là hỗ trợ cho DNNVV và không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng lại bảo toàn vốn - một nguyên tắc không hề dễ. Dù vậy, 5 yếu tố then chốt trong thẩm định tín dụng của hoạt động NH gồm: uy tín, năng lực của người vay; vốn tự có của người vay; dòng tiền của phương án kinh doanh mang lại; các điều kiện như thị trường, môi trường kinh doanh; và tài sản bảo đảm, đều cần tuân thủ theo để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Nói hình ảnh thì cần 3 chữ thật: DN thật - Dự án thật - Dòng tiền thật”, ông Hòe chia sẻ thêm.
Thanh Xuân - Mai Phương
Thanh Niên
|