‘Có sự dịch chuyển tiền từ ngân hàng sang chứng khoán nhưng chưa tạo rủi ro thanh khoản’
Đa phần các chuyên gia đều cho rằng chắc chắn có sự dịch chuyển dòng tiền từ tiền gửi tiết kiệm sang tài sản sinh lời khác như thị trường chứng khoán, bất động sản… nhưng hiện tại chưa thể lượng hóa được.
Dịch Covid-19 bùng nổ từ đầu năm 2020 tạo ra một viễn cảnh không mấy tươi sáng cho nền kinh tế toàn thế giới. Đương nhiên việc tác động của Covid-19 đến kinh tế là điều không phải bàn cãi, nhưng bên cạnh đó dịch bệnh cũng phần nào làm thay đổi thói quen và cách vận hành, làm việc theo chiều hướng thích nghi và tích cực hơn.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19. Điều này dẫn đến mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh về mức thấp nhất chưa từng có. Hiện, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 3 tháng dao động ở mức 2.5 – 4%/năm, từ 6 – 9 tháng dao động quanh 4 – 6%/năm và kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 4.5 – 7%/năm tùy điều kiện và giá trị khoản tiền gửi.
Trong khi đó, các tài sản khác lại biến động mạnh trong năm qua, chẳng hạn như vàng, tính đến cuối ngày 31/12/2020, giá vàng thế giới dừng ở mức 1,897 USD/ounce, tăng 25% so với đầu năm và giá vàng trong nước cũng dao động quanh mức 55.55 – 56.1 triệu đồng/lượng, tăng 30%.
Dù có thời gian gần như chạm đáy cùng với lúc dịch bệnh bùng phát, nhưng sau đó thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục ngoạn mục. Phiên cuối cùng của năm 2020, VN-Index chạm mức 1,103.87 điềm, tăng gần 15% so với đầu năm và đã cao hơn vùng đáy hồi tháng 3 gần 67%.
Chỉ cần điểm sơ một vài con số cũng dễ dàng hình dung được, nhà đầu tư chắc chắn sẽ dồn vào những tài sản có tiềm năng sinh lời.
Dưới góc nhìn của CTCK, ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô MBS cho biết về lý thuyết, khi lãi suất trên kênh tiết kiệm giảm, một số nhà đầu tư sẽ không hài lòng với mức lãi suất đang được hưởng và tìm đến các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản.
Thực tế, ở Việt Nam và cả thế giới, bất cứ khi nào mặt bằng lãi suất hạ một cách đáng kể, đều có hoạt động tích cực trên các thị trường tài sản khác, trong đó có chứng khoán và bất động sản. Do đó, có thể hiểu rằng hiện tượng chuyển dịch một phần tiền tiết kiệm sang các kênh tài sản này là có, nhưng chưa có con số cụ thể để lượng hóa yếu tố này.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho rằng có thể có khả năng dịch chuyển dòng tiền như đã nêu ở trên. Vì lãi tiền gửi tiết kiệm thấp, trong khi thị trường chứng khoán tăng cao, khả năng nhiều người chuyển sang thị trường chứng khoán là có thể, vì số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong năm 2020 tăng vọt.
Có thể thấy số lượng nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán năm qua đã tạo nên một hiện tượng. Theo số liệu Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VDS) vừa công bố, tính đến cuối năm 2020, có hơn 2.77 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng số tài khoản trong nước chiếm gần 99%, với 2.74 triệu tài khoản (2.8% dân số Việt Nam), bao gồm 2.73 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài giữ hơn 35,000 tài khoản.
Lũy kế cả năm 2020 có tới 393,659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 392,527 tài khoản (99,7%), còn lại là nhà đầu tư tổ chức. Đây cũng là số lượng tài khoản lớn nhất được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở chỉ trong một năm, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Nguồn: VSD
|
Giữa lúc khối ngoại ồ ạt rút vốn, thì chính các nhà đầu tư cá nhân trong nước không ngại “đổ vốn” vào thị trường, qua đó giúp chứng khoán bay cao trong năm qua. Thống kê dữ liệu VietstockFinance, thanh khoản bình quân thị trường trong năm 2020 đạt 7,142 tỷ đồng, và chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 thì con số này đạt 20 ngàn tỷ đồng.
Lý giải cho lượng lớn nhà đầu tư F0 chọn kênh đầu tư chứng khoán có thể hiểu, đầu tư chứng khoán là một kênh đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với lượng vốn không cần quá nhiều như vàng hay bất động sản. Dù chưa thể lượng hóa được dòng tiền chạy từ kênh tiết kiệm sang thị trường chứng khoán, nhưng chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển giữa 2 kênh này.
TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, có sự dịch chuyển kênh gửi tiết kiệm ngân hàng sang thị trường chứng khoán vì chúng ta thấy dòng tiền mới, các nhà đầu tư mới cũng xuất hiện với khối lượng giao dịch rất lớn.
Hơn nữa, bất động sản trước giờ vẫn là đầu tư chủ yếu của người Việt Nam. Nhưng năm 2020 không phải là năm dòng tiền đổ vào bất động sản nhiều, thậm chí còn ít hơn năm 2019.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng có sự dịch chuyển dòng tiền sang thị trường chứng khoán nhưng số lượng chưa phải là nhiều. Tại thời điểm này cũng như những tháng gần đây, lãi suất của ngân hàng giảm, nên có nhiều khách hàng rút tiền ra để đầu tư vào những tài sản sinh lời cao hơn, trong đó có vàng, bất động sản, chứng khoán.
“Đúng là có dòng tiền chảy từ ngân hàng vào chứng khoán nhưng chưa tạo ra làn sóng, chưa tạo ra rủi ro về thanh khoản cho các ngân hàng”, ông Hiếu nói thêm.
TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng, có thể có sự dịch chuyển dòng tiền từ ngân hàng sang chứng khoán, nhưng cũng không nhiều lắm. Vì như chúng ta thấy, nguồn vốn huy động vào hệ thống ngân hàng năm 2020 vẫn tăng trưởng tích cực, với mức tăng khoảng 13%, chỉ thấp hơn một chút so với năm 2019. Trong khi đó, lượng tài khoản của nhà đầu tư F0 tăng khoảng 15% trong năm qua.
Một phần dòng tiền đổ vào chứng khoán còn có thể đến từ nhiều dòng vốn, dòng tiền khác. Trong đó, có thể có một phần dòng tiền đến từ thị trường bất động sản. Bởi năm vừa qua, thị trường bất động sản nói chung tương đối khó khăn do tác động bởi đại dịch, trừ phân khúc đất nền và một số căn hộ. Vì vậy, “khả năng có sự dịch chuyển dòng tiền giữa kênh này sang kênh kia, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang giảm ở mức thấp, nhưng sự dịch chuyển rõ nét đó là dòng tiền từ bất động sản sang chứng khoán nhiều hơn là tiền tiết kiệm sang chứng khoán”, TS. Lực chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ lo ngại và nhấn mạnh hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền trong năm vừa qua. "Lãi suất đã giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác tương đối nhanh, trong đó có chứng khoán và chúng ta phải thận trọng đối với xu hướng đó".
Cát Lam
FILI
|