Lợi nhuận ngân hàng năm 2020 có một phần là… ảo?
Nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận với con số khả quan ngoài mong đợi trong năm Covid-19 này. Có nhiều nguyên nhân giúp cho lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng khá tốt, nhưng các chuyên gia cho rằng một phần trong đó là… ảo.
Ngoại trừ BIDV có chiều hướng giảm, lợi nhuận năm 2020 của các thành viên còn lại trong nhóm “Big 4” ngân hàng đều tăng trưởng.
Vietcombank (VCB) công bố lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22,529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt 23,068 tỷ đồng, tương đương năm 2019. Agribank cũng vừa mới ghi nhận lợi nhuận 12,869 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ mà VietinBank (CTG) công bố là 16,450 tỷ đồng.
Trong khi BIDV (BID) cho biết lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng thương mại đạt 8,515 tỷ đồng và hợp nhất đạt 9,017 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2020 giảm so với năm 2019 do BIDV giảm thu nhập hơn 6,400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Một số ngân hàng TMCP cũng công bố kết quả kinh doanh sớm. TPBank (TPB) cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 11% so với năm trước, có thể suy ra con số năm nay tương đương 4,300 tỷ đồng và vượt gần 8% so với kế hoạch đã đề ra.
Phía MSB cũng ước tính kết quả kinh doanh năm 2020 có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Với tổng tài sản tăng 13% so với 2019, đạt mức trên 178 nghìn tỷ đồng, MSB dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2,500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.
OCB vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 4,414 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch đề ra.
Nhiều nhà băng chưa công bố con số cuối cùng của năm 2020 nhưng đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau 10, 11 tháng.
ABBank (ABB) cho biết đã hoàn thành kế hoạch năm với con số lợi nhuận trước thuế 11 tháng đạt 1,378 tỷ đồng. VIB cũng công bố trong 10 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 4,570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 100% kế hoạch cả năm 2020.
Ngược lại với dự báo
Ngay từ đầu năm 2020, đã có nhiều dự báo về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng với hầu hết ý kiến cho rằng sẽ suy giảm.
Theo ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô CTCK MBS, những dự đoán được đưa ra phụ thuộc vào dịch bệnh Covid-19. Đầu tiên, rõ ràng dịch Covid-19 đã gây ra một loạt khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Chính vì vậy, lượng lớn dư nợ của ngân hàng theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khoảng trên 300,000 tỷ đồng sẽ chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, dẫn đến lo ngại rằng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng sẽ tăng lên.
Thêm vào đó, mọi người quan ngại trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp thì tăng trưởng tín dụng sẽ thấp, và tăng trưởng tín dụng về bản chất là nguồn thu chính của ngân hàng.
Hai yếu tố này kết hợp sẽ khiến cho tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng được dự báo sẽ suy giảm.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra không hoàn toàn giống như vậy, mặc dù dịch Covid-19 cũng có tạo nên khó khăn cho ngành ngân hàng, nhưng áp lực lên nền kinh tế Việt Nam vừa qua cũng không quá nhiều. Cụ thể, đến cuối năm thì tăng trưởng tín dụng mạnh trở lại bởi mặt bằng lãi suất thấp. Mức tăng trưởng tín dụng năm nay là 12.1%, con số này nếu so với năm trước thì cũng không kém bao nhiêu.
Thứ hai, là khó khăn của các doanh nghiệp. Từ đầu năm, tưởng rằng doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn, đúng là ở một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp đang khó khăn nhưng mức độ tác động tổng thể lên kinh tế Việt Nam không quá mạnh như dự kiến. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 cũng đạt 2.91%. “Ngay cả đối với những mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, bên cạnh những mã bị ảnh hưởng, có những mã không bị ảnh hưởng nhiều hoặc ở mức độ vừa phải. Hiện tượng những công ty rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trên sàn chứng khoán cũng không phải nhiều. Có thể chúng ta đã quá lo ngại hơi nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.
Thứ ba, trong thời gian qua, trong khi NHNN đưa ra những tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ với 3 lần hạ lãi suất điều hành, thì mặt bằng lãi suất huy động giảm rất mạnh, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay tốc độ giảm chậm hơn. Cho nên các ngân hàng cũng được hưởng lợi một phần từ yếu tố này. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu như lãi suất huy động tiếp tục giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng.
Thông tư 01 của NHNN đã khiến cho một số ngân hàng tạm hoãn chuyển đổi nợ xấu sang các khoản nợ của đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đây cũng là một yếu tố khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng tăng hơn so với kỳ vọng.
Một nguyên nhân nữa là có khá nhiều ngân hàng trong năm qua có lợi nhuận thu được từ trái phiếu Chính phủ (TPCP) khi lợi suất TPCP giảm khá mạnh.
Những yếu tố này khiến cho lợi nhuận ngân hàng năm nay tươi sáng hơn kỳ vọng ban đầu.
Lợi nhuận ngân hàng có một phần là ảo?
TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, lợi nhuận ngân hàng tăng trong năm 2020 là tất nhiên. Tăng trưởng tín dụng năm 2020 tăng 12%, có thể hình dung lợi nhuận cũng sẽ tăng tương xứng. Vì lợi nhuận ngân hàng chủ yếu đến từ tín dụng, mà tín dụng năm nay tăng hơn năm trước, lẽ dĩ nhiên lợi nhuận thu lại từ tín dụng tăng, sẽ giúp đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng.
Tuy nhiên, TS. Hiển chú trọng vấn đề đặt ra là lợi nhuận tăng mới là ghi nhận biên lợi nhuận, còn bao giờ nguồn vốn được thu hồi về đúng thì lúc đó mới là lợi nhuận chính thức.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận năm nay của các ngân hàng trên sổ sách rất tốt. Thứ nhất, biên lợi nhuận tăng lên. Khi các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng, làm phình biên lợi nhuận lên.
Thứ hai, NHNN ngay từ đầu năm cho phép các ngân hàng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động bởi dịch bệnh, cho phép ngân hàng không chuyển nhóm nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Từ đó, các ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro đúng với thực tế, giúp các nhà băng tiết kiệm được một khoản chi phí, bởi vì chi phí dự phòng chiếm một phần khá lớn trong chi phí ngân hàng. Và thực tế, một nhóm khách hàng đúng ra phải chuyển nhóm nợ vì không thanh toán đúng kỳ hạn, thì các ngân hàng dựa theo Thông tư 01 nên không chuyển nhóm nợ, do đó trong lợi nhuận ngân hàng tăng có một phần là lợi nhuận ảo.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) bổ sung thêm yếu tố nữa là trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngân hàng đã tăng cường bán chéo sản phẩm trái phiếu, bảo hiểm… Năm nay cũng là năm nở rộ khi các ngân hàng ký kết hợp đồng với các công ty bảo hiểm, giúp các nhà băng thu được khoản phí từ công ty bảo hiểm, bên cạnh đó họ có thể còn kinh doanh ngoại hối, kinh doanh vàng…
Cát Lam
FILI
|