Thứ Sáu, 15/01/2021 13:00

Ông Lê Vương Hùng (VDSC): Sự kiện đáng quan tâm nhất 2021 là chính sách các ngân hàng trung ương

Ông Lê Vương Hùng - Giám đốc Khối Kinh doanh Môi giới CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục tích cực trong năm 2021. Nhóm ngành hưởng lợi từ các hiệp định kinh tế đã ký (EVFTA, CTPPP,…) dự báo sẽ khởi sắc giai đoạn đầu năm, điển hình như thủy sản, da giày, nông nghiệp, gỗ, dệt may…

Thị trường chứng khoán đã có nhiều phiên giao dịch rất tích cực ngay từ đầu năm 2021. Vậy theo ông, triển vọng TTCK trong năm nay sẽ như thế nào?

Ông Lê Vương Hùng: TTCK trong năm 2021, theo đánh giá vẫn có xu hướng tích cực, dựa trên nền tảng lãi suất thấp, kinh tế vĩ mô Việt Nam tốt và tăng trưởng kinh tế Việt Nam (thể hiện qua GDP) dù có chậm lại nhưng vẫn nằm trong nhóm cao nhất trên thế giới.

Thêm vào đó, TTCK Việt Nam có khả năng sẽ được nâng hạng trong năm 2022. Trước khi chính thức được nâng hạng, thông thường thị trường sẽ thu hút dòng tiền rất mạnh.

Theo dự báo của tôi, VN-Index nhiều khả năng sẽ chinh phục mốc lịch sử xấp xỉ 1,200 điểm lập vào hồi tháng 4/2018. Thanh khoản tiếp tục dồi dào, trung bình vào khoảng 7,000-7,500 tỷ đồng/phiên.

Khối ngoại sẽ giảm dần xu hướng bán ròng, thậm chí quay lại mua ròng chứng khoán Việt trong năm 2021. Chứng khoán Việt Nam với P/E khoảng hơn 16 lần, rõ ràng đang còn thấp so với các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia với P/E rơi vào mức 24-26 lần.

Nếu so với các kênh đầu tư khác, TTCK sẽ tích cực hơn. Ví dụ như với thị trường vàng, khi dịch Covid-19 xảy đến trong năm 2020 nhưng giá vàng cũng không gia tăng đáng kể.

Đối với bất động sản, quy mô vốn tham gia vào thị trường này nhìn chung là tương đối lớn, việc vay vốn ngân hàng để đầu tư cũng phải không đơn giản. Đó là những rào cản cho đa phần nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản.

Ngoài ra, rõ ràng việc gửi tiền tiết kiệm khó lòng thu hút được dòng tiền với mặt bằng lãi suất như hiện tại.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng cao kỷ lục trong năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Ông Lê Vương Hùng: Theo tôi điều này diễn ra một cách tự nhiên và dự báo còn có thể tiếp diễn sang năm 2021 và 2022. Như những nhận định phía trên, khi nhà đầu tư nhận thấy chứng khoán tiềm năng sinh lợi cao hơn nhiều kênh đầu tư khác thì tự khắc họ sẽ tìm đến, gọi là dòng tiền thông minh. Thực tế, một nhà đầu tư hoàn toàn có thể mở được nhiều tài khoản, nên số lượng nhà đầu tư chứng khoán cũng có thể chưa cao hơn 2% dân số.

*Tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục lập kỷ lục trong tháng 12

Thống kê tài khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam hơn 1 năm trở lại đây
Nguồn: VSD

Kênh chứng khoán có ưu điểm là không cần quy mô vốn quá cao, có thể tích lũy dần theo thời gian. Việc tham gia hay rút khỏi thị trường có thể nói là dễ dàng nhờ thủ tục đơn giản, thanh khoản thị trường cao. Ngoài ra theo quan sát, cũng có không ít nhà đầu tư tham gia thị trường với tâm lý ưa thích đầu tư, học hỏi đầu tư là chính.

Do số lượng nhà đầu tư trên thị trường ngày càng tăng thì số lượng lệnh cũng gia tăng đột biến, có thể sẽ tạo áp lực lên hệ thống giao dịch chứng khoán. Nhìn ra thế giới, việc trục trặc hệ thống cũng không phải là chuyện gì hiếm. Cá nhân tôi ủng hộ việc nâng lô giao dịch tối thiểu tại HOSE lên 100 cp, thực tế trên sàn HNX đã áp dụng rồi và không có vấn đề gì cả. Điều mà tôi quan tâm hơn là việc những lô như 80 90 cp đối với những mã có thị giá lớn (ví dụ như SAB) nếu không được giao dịch thì sẽ chiếm một phần vốn đáng kể đối với những nhà đầu tư vốn nhỏ, đó là điều đáng tiếc.

Theo đánh giá của ông, những nhóm ngành nào sẽ có tiềm năng dẫn sóng trong năm 2021?

Ông Lê Vương Hùng: Tới thời điểm cuối năm 2020, đa phần cổ phiếu đều có sự hồi phục so với trước giai đoạn Covid-19 bùng phát hồi đầu năm, thậm chí nhiều cổ phiếu đã vượt mức giá hồi đầu tháng 1. Số ít cổ phiếu các ngành như du lịch, hàng không,… thì chưa hồi phục, nhóm dầu khí cũng gặp không ít khó khăn do diễn biến giá dầu thấp.

Sang năm 2021, tôi cho rằng các nhóm ngành hưởng lợi từ các hiệp định kinh tế đã ký (EVFTA, CTPPP,…) sẽ khởi sắc vào giai đoạn đầu năm, như thủy sản, da giày, nông nghiệp, gỗ, dệt may…

Sau đó sẽ đến các ngành hưởng lợi từ Covid-19. Có thể kể đến như bán lẻ trực tuyến, giao nhận hàng hóa, công nghệ thông tin, kinh tế số, dược, y tế... Khi nền kinh tế phục hồi thì nhóm ngành điện, năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics có thể nắm bắt cơ hội. Đánh giá riêng ngành dầu khí, với giả định giá dầu (Brent) trên 50 USD/thùng thì các doanh nghiệp trong ngành sẽ có lãi tăng trưởng trở lại.

Bên cạnh cổ phiếu, cơ hội đầu tư từ các sản phẩm khác trên thị trường như trái phiếu, chứng khoán phái sinh hay chứng quyền có đảm bảo thì sao?

Ông Lê Vương Hùng: Cơ hội thì lúc nào cũng có. Với phái sinh và chứng quyền, bản chất là các sản phẩm giúp nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư, phòng ngừa rủi ro và hơi mang tính đầu cơ. Những sản phẩm này nên dành cho nhà đầu tư có kinh nghiệm, am hiểu thị trường.

Về trái phiếu, nhìn lại năm 2020, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp có phần thu hẹp lại. Tuy nhiên, năm vừa qua cũng là năm mà trái phiếu phát hành thành công, hưởng lợi bởi mặt bằng lãi suất thấp. Theo tôi, thị trường trái phiếu có thể còn chưa sôi động trong giai đoạn đầu năm 2021. Tình hình dự báo chuyển biến tốt hơn vào giai đoạn cuối năm, khi mà ngân hàng tăng huy động, giá dầu hồi phục nhiều hơn, giá cả hàng hóa tăng. Khi đó, mặt bằng lãi suất trái phiếu có thể tăng trở lại. Thị trường trái phiếu vẫn được đánh giá tương đối tiềm năng, là kênh bổ sung vốn thiết yếu cho thị trường.

Theo ông, ngoài Covid-19, đâu là sự kiện nhà đầu tư nên quan tâm trong năm 2021?

Ông Lê Vương Hùng: Nhìn lại 3 đợt bùng phát dịch trong năm 2020, càng về sau thì nhà đầu tư càng trở nên bình tĩnh hơn, không vội vàng bán tháo nữa. Có thể diễn biến nhiều thị trường trên thế giới còn gặp khó khăn, song, ở Việt Nam lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Có chăng là dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp, điều này dự báo có thể còn kéo dài 1-2 năm nữa.

Việc kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam là quá tốt. Nhà đầu tư bây giờ không còn quá lo lắng về những diễn biến của dịch Covid-19 như giai đoạn ban đầu. Điều này, càng được củng cố hơn trong năm 2021 khi vaccine sẽ dần được đưa vào chích ngừa trên thế giới cũng như Việt Nam.

Theo tôi, sự kiện mà nhà đầu tư nên quan tâm nhất trong năm 2021 là chính sách của các ngân hàng trung ương. Bởi vì khi nền kinh tế hồi phục thì thường sẽ có sự thắt chặt trở lại về chính sách tiền tệ. Một vấn đề khác cũng cần lưu tâm là xuất hiện làn sóng vỡ nợ trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Xin cám ơn ông!

Xuân Nghĩa

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 08/01: Hạn chế mua đuổi? (07/01/2021)

>   “Việt Nam sẵn sàng đón đại bàng, chứng khoán tiếp tục mang sức hút lớn” (11/01/2021)

>   Góc nhìn 07/01: Điều chỉnh để hạ nhiệt? (06/01/2021)

>   SSI Research: Dòng tiền dồi dào hỗ trợ VN-Index tiến đến mốc 1,175 điểm (07/01/2021)

>   Nguyên Chủ tịch LienViet PostBank khuyên nhà đầu tư bán ngay cổ phiếu ngân hàng (06/01/2021)

>   Góc nhìn 06/01: Nguy cơ điều chỉnh mạnh? (05/01/2021)

>   HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7.6% trong năm 2021 (06/01/2021)

>   Góc nhìn 05/01: Bảo vệ thành quả? (04/01/2021)

>   SAV, PRE, QNS: Nên mua hay bán? (04/01/2021)

>   2021 - Thế giới tài chính diễn biến khó lường (04/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật