Thứ Hai, 04/01/2021 10:51

2021 - Thế giới tài chính diễn biến khó lường

Covid-19 bùng phát đã khiến thị trường tài chính toàn cầu tan tác thời điểm đầu năm 2020, nhưng bất ngờ hồi phục mạnh từ quý II, dù thị trường vẫn tồn tại nghịch lý khi tiền mặt dồi dào. Vì vậy, dự báo thị trường tài chính thế giới 2021 vẫn nhiều diễn biến khó lường.

Kỷ lục nối tiếp kỷ lục

Đầu quý II khi thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trở lại trong sự nghi ngờ, thanh khoản bất động sản (BĐS) cải thiện cho đến quý III, thì bất ngờ hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) bùng nổ đẩy các thị trường liên tục thiết lập các đỉnh cao mới.

Số lượng tài khoản CK mở mới cũng như giao dịch tài chính từ Mỹ, châu Âu đến châu Á tăng vọt, với mức tăng tính bằng lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, khi vàng tăng giá lên mức cao nhất lịch sử vào giữa năm, CK Mỹ, châu Á, châu Âu cũng liên tục lập đỉnh lịch sử.

Chưa hết, cuối năm 2020 đến phiên Bitcoin lên tiếng khi bất ngờ vượt đỉnh cao nhất trước đó từ năm 2017 (đạt 20.000USD), thậm chí có thời điểm vượt 30.000USD, giúp đồng tiền này tính từ lúc được giao dịch lần đầu tiên cách đây 11 năm tăng tới hơn hơn 40 triệu lần, hiện chiếm hơn 70% vốn hóa thị trường tiền số và vượt xa mọi kỷ lục về tăng giá khác trong lịch sử thế giới tài chính.

Nếu tính riêng trong năm 2020, đồng tiền số này đã tăng tới 4 lần kể từ đầu năm, và nếu tính từ mức thấp nhất Bitcoin đã tăng hơn 7 lần vượt cả cổ phiếu Tesla (chỉ tính mức tăng của các sản phẩm phổ biến). CP này với mức tăng khủng khiếp đã giúp Elon Musk từ hạng 40 người giàu thế giới năm ngoái nhảy lên hạng 2. Đồng thời ông cũng là tỷ phú đầu tiên trong lịch sử kiếm được số tiền gần 150 tỷ USD chỉ trong 1 năm.

Thậm chí, Tesla trở thành hãng xe có vốn hóa thị trường lớn nhất và hơn cả vốn hóa của cả 6 hãng xe đứng sau là Toyota, Volkswagen, Daimler, General Motors, BMW và Honda cộng lại, dù doanh số không bằng phần nhỏ của các công ty này. 

Chỉ trong năm 2020 đồng tiền bitcoin đã tăng lên 4 lần, và tăng gấp 7 lần tính từ mức thấp nhất.

Với TTCK trong nước chỉ số VN Index chỉ tăng hơn 20% nếu so với đầu năm 2020, nhưng nếu tính từ mức thấp nhất đã tăng hơn 70% đạt gần 1.100 điểm và HNX Index tăng hơn gấp đôi lên xấp xỉ 200 điểm.

Dù các chỉ số CK còn cách khá xa đỉnh lịch sử, nhưng với mức tăng này năm 2020 TTCK Việt Nam đã có mức tăng cao hàng đầu lịch sử của mình. Năm 2020 cũng đánh dấu số lượng tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân mở hàng tháng và thanh khoản thị trường cao nhất lịch sử.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong bối cảnh các quốc gia nới lỏng tiền tệ, tiền khắp nơi nhưng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nợ nần chồng chất. Số liệu thống kê từ nhiều nguồn cho thấy nợ công toàn cầu vượt 80.000 tỷ USD.

Tổng các loại nợ (nợ công, nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình, nợ cá nhân) cũng chạm 280.000 tỷ USD. Tiền nhiều, nợ cũng nhiều nhưng đa số nguồn trên lại chạy vào tài sản tài chính như CK, BĐS, vàng… để kiếm tiền nhanh và có thể online được, thay vì phải bạc mặt ra đường kiếm tiền mà còn lo sợ bệnh dịch.

Vì thế mới tạo ra mô hình chữ K năm 2020 (kinh tế còn đang chật vật nhưng bong bóng tài sản đã ở sát bên). Điều này khiến Bitcoin năm nay trở thành dạng tài sản an toàn, nơi trú ẩn cho dòng tiền nhờ số lượng chỉ có giới hạn 21 triệu.

Tài chính số lên ngôi

Với thời đại 4.0, khái niệm về kinh tế số và mới đây là tài chính số liên tục được đề cập trong năm 2020. Chẳng hạn, mới đây trên trang cá nhân của tỷ phú Elon Musk, ông có trao đổi với các NĐT và gây chú ý về khả năng chuyển "những giao dịch lớn" trong bảng cân đối kế toán của Tesla thành CK số.

Covid-19 đã làm môi trường kinh doanh thay đổi rất lớn. Các kênh đầu tư, lĩnh vực kinh doanh đều phải thay đổi, nhiều ngành nghề có thể biến mất, thay vào đó là các ngành nghề mới như streamer, kỹ sư blockchain, các công việc làm việc từ xa. Do đó, các công ty, ngành nghề, lĩnh vực nào thích nghi được đều đáng để đầu tư thời hậu dịch.

Giới đầu tư tin rằng Tesla của Elon Musk sẽ sớm số hóa CP thành CK kỹ thuật số. Hay CEO của Aave là Stani Kulechov muốn Tesla gia nhập tài chính phi tập trung (DeFi), hay một dạng stablecoin được “neo” với CP thật.

Hiện nay nhiều công nghệ, nền tảng công nghệ ngày một nhiều hơn, hữu ích hơn, tốc độ ứng dụng thực tiễn tăng nhanh như DeFi, CK điện tử, tài chính số… Đơn cử DeFi chỉ trong 1 năm quy mô ứng dụng và nhận được đầu tư trên thế giới đã tăng hàng trăm lần.

Với TTCK Việt Nam, những công ty ứng dụng tốt, tạo hiệu quả kinh doanh sẽ giúp thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, từ đó ảnh hưởng tích cực đến giá CP. Tuy vậy, do kinh tế còn trên đà phục hồi nhưng tài sản tài chính đã tăng nóng dễ xảy ra hiện tượng bong bóng, khi hiện tượng FOMO lan rộng với các NĐT F0.

Do vậy, năm 2021 CK sẽ có dấu hiệu phân hóa, nghĩa là các CP có “câu chuyện” tốt như ứng dụng hiệu quả những công nghệ vào kinh doanh (giống như Tesla 2020), đổi mới sản phẩm dịch vụ phù hợp với môi trường kinh doanh sẽ tạo ấn tượng với NĐT, từ đó thu hút dòng tiền.

Ngược lại, các công ty không thích nghi được sẽ đi xuống. Dự báo việc duy trì dòng tiền mạnh sẽ tập trung những lĩnh vực trọng tâm, những ngành bị tác động nhiều bởi đại dịch như vận tải, du lịch hay năng lượng… và CP của những công ty có sự thích nghi tốt thời hậu dịch.

Với thị trường BĐS, sau một năm tương đối tích cực trừ phân khúc cho thuê gặp khó khăn khi giá giảm trên diện rộng. Các phân khúc khác đều có thanh khoản cải thiện nửa cuối năm 2020, thậm chí giá tăng hơn so với 2019 nhờ dòng tiền đổ sang các kênh đầu tư và BĐS hưởng lợi lớn nhờ đây là kênh truyền thống.

Song năm 2021 sẽ có sự phân hóa khi dòng tiền được điều tiết nhiều hơn vào thúc đẩy kinh tế, hạn chế vào các kênh rủi ro có yếu tố đầu cơ lớn như BĐS và cả CK cùng các lĩnh vực không ưu tiên.

Vàng là sản phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm 2020 nhưng lại gần mất hút vào nửa cuối năm khi CK, BĐS, Bitcoin lập đỉnh. Tuy vậy, vàng vẫn sẽ là kênh phòng thủ, đặc biệt với chu kỳ tăng giá của vàng còn ngắn (chỉ mới từ 2018, thậm chí nửa cuối 2020 còn bị điều chỉnh), trong khi CK đã có chu kỳ quá dài (như CK Mỹ đã tới 12 năm) và BĐS cũng thế nên vàng dễ hút được dòng tiền hơn.

Cần lưu ý chính sách sẽ hướng dòng tiền vào kinh tế nên giá vàng được dự báo sẽ phục hồi, thậm chí khó duy trì tốc độ tăng giá mạnh như giai đoạn đầu 2020. 

Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Ông Trần Xuân Bách (BVS): “Khối ngoại quay lại mua ròng, VN-Index kết năm 2021 trong vùng 1,150-1,200 điểm” (06/01/2021)

>   Góc nhìn tuần 04-08/01: Duy trì nhịp tăng? (03/01/2021)

>   Những 'tay chơi lớn' lạc quan về chứng khoán Việt (07/01/2021)

>   Tỷ giá năm 2021 vẫn ổn định? (12/01/2021)

>   Giá vàng sẽ khó đoán định trong thời gian tới (08/01/2021)

>   Ông Trần Đức Anh (KBSV): Chứng khoán 2021 tiếp tục khả quan (04/01/2021)

>   Góc nhìn 31/12: Điều chỉnh nhẹ trong phiên kết năm? (30/12/2020)

>   KBSV: VN-Index sẽ vượt vùng đỉnh lịch sử quanh 1,200 điểm trong 2021 (30/12/2020)

>   Ông Lê Ngọc Nam (TVSI): Khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trong năm 2021 (30/12/2020)

>   Ông Đinh Quang Hinh (VNDirect): Đầu tư công năm 2021 sẽ khó đột biến (12/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật