Thứ Tư, 06/01/2021 13:00

Ông Trần Xuân Bách (BVS): “Khối ngoại quay lại mua ròng, VN-Index kết năm 2021 trong vùng 1,150-1,200 điểm”

Ông Trần Xuân Bách - Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của CTCK Bảo Việt (BVS) chỉ ra dòng vốn ngoại là 1 trong 3 yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021. Với mức lãi suất tiết kiệm ở khoảng 6.2%/năm và tăng trưởng EPS ở mức 23% thì VN-Index được dự báo sẽ đóng cửa năm 2021 trong vùng từ 1,150-1,200 điểm.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2021?

Ông Trần Xuân Bách: Tôi cho rằng, triển vọng TTCK trong năm 2021 vẫn tích cực với nhiều tiềm năng tăng trưởng dựa trên các yếu tố sau:

Đầu tiên, việc môi trường lãi suất thấp có thể được duy trì tối thiểu đến cuối quý 2, đầu quý 3 năm 2021 sẽ tiếp tục tạo ra động lực thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường chứng khoán. Quan sát số liệu trong quá khứ cũng cho thấy sự tương quan chặt chẽ giữa lãi suất tiết kiệm 12 tháng và P/E của VN-Index.

Ông Trần Xuân Bách

Thứ hai là dòng vốn ngoại. Với việc ngân hàng trung ương các nước lớn trên thế giới tiếp tục đưa ra dự báo về lạm phát và thất nghiệp ở mức thấp tương đối so với mức mục tiêu, nhiều khả năng môi trường tiền rẻ sẽ tiếp tục được duy trì đến hết năm 2021, qua đó tiếp tục hỗ trợ xu hướng bơm ròng vào TTCK khu vực mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc đã thỏa mãn 7/9 yếu tố nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai của FTSE cùng với việc hệ thống giao dịch mới và một loạt các điều luật có hiệu lực vào năm 2021, nhiều khả năng Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng trong kỳ xem xét nâng hạng của FTSE trong 2 kỳ review diễn ra vào năm 2022. Như vậy, có thể kỳ vọng có dòng tiền ngoại chảy vào thị trường Việt Nam để đón đầu sự kiện này vào giai đoạn nửa cuối năm 2021.

Cuối cùng là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp của năm 2020.

Với triển vọng như vậy, VN-Index trong năm 2021 có thể chạm mức cao nhất là bao nhiêu điểm?

Ông Trần Xuân Bách: Với mức lãi suất tiết kiệm ở khoảng 6.2%/năm và tăng trưởng EPS ở mức 23% thì VN-Index được dự báo sẽ đóng cửa năm 2021 trong vùng từ 1,150-1,200 điểm. Tuy nhiên, điểm cao nhất trong năm 2021 hoàn toàn có thể đạt mức trên 1,200 điểm. P/E của VN-Index sẽ vào khoảng 16.5 lần, đây là mức hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực cũng như với các thị trường lớn trên thế giới.

Thanh khoản TTCK Việt Nam dự kiến sẽ tạo mặt bằng tương đương với năm 2020, khoảng 6,500-7,500 tỷ đồng/phiên (tính trên cả 3 sàn giao dịch). Khối ngoại nhiều khả năng sẽ quay lại mua ròng trong năm 2021 nhờ hiệu ứng đón đầu việc thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi và tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam ở thị trường cận biên được tăng lên khi Kuwait rời khỏi rổ.

Tuy nhiên, đợt tăng điểm hiện nay đang khiến nhiều cổ phiếu nhanh chóng đạt và vượt qua các mức giá định giá, điều này phần nào sẽ làm tăng rủi ro và giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Diễn biến của VN-Index qua 10 năm (từ 2011-2020)

Theo ông, những nhóm ngành nào có tiềm năng dẫn sóng trong năm 2021?

Ông Trần Xuân Bách: Tôi cho rằng, khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn hồi phục trong năm 2021 thì các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng, dầu khí, xăng dầu… sẽ là các ngành có tiềm năng dẫn sóng.

Trong 2021, với tình hình dịch bệnh Covid-19 thoái lui và kinh tế các nước Mỹ, EU khởi sắc trở lại, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản… được kỳ vọng sẽ lấy lại được mức tăng trưởng dương. Thị trường EU được dự báo có nhiều cơ hội với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Còn đối với các vấn đề địa chính trị trên thế giới (dù xác suất xảy ra thấp nhưng nếu xảy ra) vẫn được coi là những mối nguy hiểm tiềm tàng có thể tạo ra rủi ro cho thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Theo ông, trong năm 2021, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động thế nào tới thị trường?

Ông Trần Xuân Bách: Theo tôi, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ở các nước trên thế giới sẽ dần được kiểm soát và không còn tạo ra được những tác động mang tính đột biến đến xu hướng tổng thể của thị trường tài chính toàn cầu như đã từng xảy ra trong năm nay, khi có sự ra đời của vaccine và việc Chính phủ các nước vẫn tiếp tục duy trì các gói biện pháp hỗ trợ và kích thích nền kinh tế.

Các ngành ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid trong năm 2020 như bán lẻ, cảng hàng không và dịch vụ hàng không dự báo sẽ hồi phục toàn phần trong năm 2021, còn vận tải hàng không hồi phục chậm hơn và vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong năm tới. Đối với các ngành bị ảnh hưởng gián tiếp trong năm 2020 như dầu khí, xăng dầu, dệt may, thủy sản dự báo hồi phục khoảng 70-80% so với mặt bằng trước dịch.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội từ các kênh đầu tư khác?

Ông Trần Xuân Bách: Đối với thị trường trái phiếu, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lập kỷ lục trong năm 2020 với hơn 300 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, nghị định 81 có hiệu lực từ tháng 09/2020 với việc siết chặt lại các điều kiện phát hành riêng lẻ đã khiến lượng phát hành TPDN trong quý 4 giảm mạnh. Điều này dự báo sẽ tiếp tục khiến cho lượng TPDN phát hành mới trong năm 2021 giảm so với 2020. Theo đó, một vài doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn qua kênh TPDN, buộc phải quay về vay vốn qua ngân hàng.

Các sản phẩm khác trên thị trường như chứng khoán phái sinh và chứng quyền có đảm bảo dự báo sẽ tiếp tục có sự sôi động trong năm 2021 khi quy mô thị trường ngày càng lớn và nhận thức của nhà đầu tư trên thị trường về các sản phẩm tài chính cao cấp này ngày một cao hơn.

Ông đánh giá thế nào về quy định nâng lô giao dịch tối thiểu và thu thuế cổ tức cổ phiếu?

Ông Trần Xuân Bách: Việc tăng quy mô lô giao dịch tối thiểu có thể giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch cũng như hệ thống của các công ty chứng khoán. Trong những năm gần đây, TTCK ngày càng trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư mới đã tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán và Sở.

Tuy nhiên, việc nâng mức lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu sẽ gây ra những khó khăn nhất định với các nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn nhỏ. Nhất là đối với các nhà đầu tư muốn quản trị danh mục với nhiều cổ phiếu thì việc sở hữu những lô cổ phiếu có giá trị lớn như VIC, VNM, MWG hay SAB sẽ yêu cầu số lượng vốn lớn hơn. Ngoài ra, khi nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu thì số lượng sở hữu 20, 30, 40, …, 90 cổ phiếu sẽ trở thành lô lẻ và khó giao dịch khi hiện tại trên HOSE chưa thể giao dịch lô lẻ trực tiếp trên sàn. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho các quỹ ETF đang giao dịch trên thị trường Việt Nam, khiến cho việc bám sát chỉ số gốc sẽ trở nên khó khăn hơn.

Về việc thu thuế trên cổ tức trả bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng có thể khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, doanh nghiệp có thể sẽ phải dùng phần lợi nhuận giữ lại để trả cổ tức bằng tiền mặt, qua đó sẽ khiến cho hoạt động tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế.

Xin cám ơn ông!

Xuân Nghĩa

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 04-08/01: Duy trì nhịp tăng? (03/01/2021)

>   Những 'tay chơi lớn' lạc quan về chứng khoán Việt (07/01/2021)

>   Tỷ giá năm 2021 vẫn ổn định? (12/01/2021)

>   Giá vàng sẽ khó đoán định trong thời gian tới (08/01/2021)

>   Ông Trần Đức Anh (KBSV): Chứng khoán 2021 tiếp tục khả quan (04/01/2021)

>   Góc nhìn 31/12: Điều chỉnh nhẹ trong phiên kết năm? (30/12/2020)

>   KBSV: VN-Index sẽ vượt vùng đỉnh lịch sử quanh 1,200 điểm trong 2021 (30/12/2020)

>   Ông Lê Ngọc Nam (TVSI): Khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trong năm 2021 (30/12/2020)

>   Ông Đinh Quang Hinh (VNDirect): Đầu tư công năm 2021 sẽ khó đột biến (12/01/2021)

>   Cổ phiếu Việt sẽ đạt định giá P/E kỷ lục trong năm 2021? (30/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật