Góc nhìn 05/01: Bảo vệ thành quả?
Trong giai đoạn hiện tại, SHS cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bảo vệ thành quả đã đạt được và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn để mua vào.
Chờ điều chỉnh
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Phiên giao dịch đầu năm mới 2021 diễn ra hứng khởi khi hệ thống giao dịch hoạt động trơn tru với việc nâng lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu. VN-Index tiến vào vùng kháng cự 1,120-1,130 điểm (đỉnh tháng 1-2/2018) và áp lực chốt lời tại đây khiến mức tăng bị thu hẹp.
Trên khía cạnh định lượng, SHS cho biết thị trường đã phá kỷ lục trong giai đoạn 2015-2020 với 9 tuần tăng liên tiếp 20% và vượt qua ngưỡng 1,110 điểm trong phiên 04/01. Điều này cũng cho thấy sức nóng của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Tâm lý cứ mua là thắng đang tràn ngập, nhưng điều này cũng cảnh báo khả năng điều chỉnh mạnh sau đó.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 cao hơn chỉ số cơ sở từ 17-20 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2019 đến nay, thể hiện mức độ chấp nhận rủi ro cao từ các nhà giao dịch.
Trong giai đoạn hiện tại, SHS cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bảo vệ thành quả đã đạt được và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn như quanh 1,080 điểm (MA20) và 1,020 điểm (MA50) để mua vào, nhằm đón sóng tăng tiếp theo lên quanh ngưỡng 1,200 điểm (đỉnh tháng 4/2018) có thể diễn ra trong năm 2021.
Lực bán từ kháng cự 1,120-1,125 điểm
CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch 04/01, chỉ số VN-Index giao dịch theo chiều hướng tích cực, đóng cửa tăng gần 17 điểm, mức gần cao nhất trong ngày. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index tăng 16.6 điểm (tăng 1.5%), đóng cửa ở mức 1,120.47 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức gần 765 triệu cp (tăng 45%), giá trị gần 16,300 tỷ đồng (tăng 52%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (380 mã tăng/75 mã giảm). Về phía nhà đầu tư nước ngoài, họ bán ròng hơn 365 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào HPG, VNM, CTG, và MBB.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh dạng “Shooting star” tại vùng kháng cự mạnh 1,120-1,125 điểm, và một “Gap up” tại vùng 1,105-1,115 điểm. Theo Aseansc, đây là những tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại. Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại.
Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,110-1,115 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,100-1,105 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,120-1,125 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,130-1,135 điểm.
VN-Index có thể chịu áp lực điều chỉnh với lực bán được thúc đẩy bởi kháng cự 1,120-1,125 điểm. Do đó, Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư chú ý vùng hỗ trợ gần 1,110-1,115 điểm trong phiên 05/01. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 30% tiền mặt/70% cổ phiếu.
Hướng đến ngưỡng 1,130 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): VN-Index tăng dần từ đầu phiên sáng 04/01 đến cuối phiên chiều và đóng cửa quanh mức 1,120 điểm. Dòng tiền đầu tư gia tăng với 17/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên cả 2 sàn HOSE và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường ở trong trạng thái tích cực đồng thời thanh khoản phiên 04/01 gia tăng.
Theo đánh giá của BSI, VN-Index sẽ hướng đến ngưỡng 1,130 trong những phiên tới, kể từ 05/01.
Thừa Vân
FILI
|