Lời cảnh báo về bong bóng tài sản xuất hiện ngày càng nhiều
Ngày càng nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo về bong bóng tài sản tại thời điểm này.
Ở Mỹ, các cái tên gây chú ý như Tesla đã tăng chóng mặt lên kỷ lục mới, trong khi các chuyên viên phân tích tại Bank of America cảnh báo bong bóng đang dần thành hình và đợt điều chỉnh sắp ập đến.
Ngoài ra, sự lớn mạnh của binh đoàn nhà đầu tư nhỏ lẻ đang thách thức những chuyên gia kỳ cựu của Phố Wall và đẩy cổ phiếu ít ai biết tới lên “tận mây xanh” (cổ phiếu GameStop).
Những cú đặt cược theo xu hướng xuất hiện ở mọi nơi, với dòng tiền đổ vào các tài sản từ năng lượng mặt trời và điện toán đám mây cho tới các phương tiện đầu tư mới và lạ thường như công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Và dĩ nhiên, ai lại có thể bỏ qua con tàu lượng Bitcoin, liên tục trồi sụt và chạm tới kỷ lục mới vào đầu năm 2021 sau khi tăng giá gấp 4 trong năm trước đó.
Vậy điều gì đứng sau hoạt động đầu cơ này? Nói ngắn gọn thì đó là đại dịch Covid-19. Các nhà quyết sách đã bơm hàng ngàn tỷ USD để tạo lá chắn cho nền kinh tế trước dịch bệnh và lượng tiền này có thể đã được dùng để thổi bùng bong bóng tài sản. Các Chính phủ đã chi ra khoảng 12 ngàn tỷ USD cho các gói hỗ trợ tài khóa, trong khi Fed mua 120 tỷ USD trái phiếu/tháng để giữ lãi suất đi vay ở mức thấp.
Nguồn: Bloomberg
|
Tại thời điểm này, ngay cả trái phiếu rủi ro nhất cũng chỉ phải trả lãi suất thấp hơn bao giờ hết. Trong lúc đó, nhà đầu tư vẫn đang trong cuộc rượt đuổi theo những tài sản được cho là sẽ mang lại thành quả lớn kế tiếp. Chẳng ai biết chắc là khi nào những bong bóng này sẽ vỡ ra, nhưng lời cảnh báo thì xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng dữ dội hơn.
Lịch sử đã cho thấy thiệt hại mà các bong bóng lớn nhất gây ra khi vỡ ra: Từ cú sụp từ cơn sốt hoa Tu líp Hà Lan của thế kỷ 17 cho tới bong bóng dot-com năm 2001 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tác động của những cuộc khủng hoảng này vẫn còn tới tận hôm nay.
Tại thời điểm này, thế giới đang đặt hy vọng vào quá trình phân bổ vắc-xin để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo trước đó. Tuy nhiên, nếu xảy ra gián đoạn trong quá trình phân bổ vắc-xin, có khả năng điều đó sẽ khiến nhà đầu tư hoảng loạn và chuyển sang bán tháo – một yếu tố có thể dẫn tới sự mất niềm tin vào các loại tài sản. Sự sụp đổ của thị trường và suy thoái có thể gây hậu quả thảm khốc trong nhiều năm tới.
Thậm chí, nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh, điều này cũng mang lại một thách thức lớn giữa lúc các tài sản như chứng khoán đã tăng lên mức giá rất đắt đỏ. Các NHTW và Chính phủ có thể giảm bớt quy mô kích thích để kiểm soát rủi ro lạm phát. Đây cũng là một yếu tố gây hoảng loạn cho nhà đầu tư - những người đã quá quen với chính sách tiền tệ nới lỏng.
Ít nhất thì tại thời điểm này, cơn hưng phấn vẫn tiếp diễn.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|