Các ngân hàng ở châu Âu đang phân bổ tỷ trọng nguồn vốn tín dụng lớn cho giới doanh nghiệp nhỏ, xương sống của nền kinh tế khu vực. Những doanh nghiệp này đang kinh doanh khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và nếu phá sản, các ngân hàng châu Âu sẽ gánh chịu thiệt hại rất lớn từ núi nợ xấu này.
Các chủ nhà hàng cắm trại bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Bồ Đào Nha để biểu tình phản đối chính phủ không hỗ trợ đầy đủ cho họ trong thời kỳ dịch bệnh hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Reuters
|
Doanh nghiệp nhỏ khốn đốn vì dịch bệnh
Ông Miguel Ríos, 59 tuổi, có bốn quán bar karaoke luôn đông khách ở Barcelona (Tây Ban Nha) cho đến khi dịch Covid-19 ập tới vào mùa xuân năm ngoái, buộc ông phải đóng cửa chúng. Ông đã phải vay 80.000 euro từ các ngân hàng và sử dụng chương trình hỗ trợ của chính phủ để trả lương cho 10 nhân viên với hy vọng công việc kinh doanh sẽ sớm được nối lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Các cơ quan quản lý lo ngại rằng một làn sóng vỡ nợ lớn hơn của các doanh nghiệp nhỏ có thể khiến ngân hàng phải gánh các khoản lỗ lớn.
Andrea Enria, Giám đốc bộ phận giám sát ngân hàng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), cảnh báo rằng nợ xấu ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) có thể tăng vọt lên mức 1.400 tỉ euro, cao hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 nếu GDP của khu vực này giảm sâu hơn dự kiến.
|
Nhưng gần một năm sau đó, khi các quán bar karaoke vẫn đóng cửa, Ríos lo ngại sẽ phải dừng hoạt động kinh doanh vĩnh viễn, để lại cho ông một đống nợ nần. Ông than thở: “Chúng tôi chống chọi thời kỳ khó khăn nay nhờ các khoản tiền tiết kiệm và tiền vay ngân hàng nhưng chúng tôi không thể gồng sức như thế này lâu hơn nữa”.
Câu chuyện của Ríos cũng tình hình chung khắp châu Âu khi các doanh nghiệp nhỏ tìm cách sống sót trong thời dịch bệnh. Sự sống còn của họ là rất quan trọng đối với các ngân hàng trong khu vực, đang cho các doanh nghiệp vay tổng cộng 2.000 tỉ euro, chiếm 40% tổng dư nợ cho vay kinh doanh của họ.
Về tổng thể, các ngân hàng châu Âu đã xóa đáng kể nợ xấu từ cuộc khủng hoảng tài chính lần trước đây. Dù vậy, vẫn còn nhiều ngân hàng vẫn đang kẹt với danh mục nợ xấu. Ngoài ra, họ cũng đang chật vật kiếm tiền trong môi trường lãi suất âm.
Hiện tượng các ngân hàng phân bổ nguồn tín dụng quá lớn cho giới doanh nghiệp nhỏ là một phần là do kết cấu nền kinh tế châu Âu. Các doanh nghiệp có dưới 250 nhân viên chiếm 99,8% tổng số doanh nghiệp và 2/3 lượng việc làm trong khu vực tư nhân của Liên minh châu Âu (EU), theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu (EC).
Khoảng 50% lực lượng lao động ở châu Âu đang làm việc ở các công ty có dưới 50 nhân viên so với mức 25% ở Mỹ. Do quy mô nhỏ và hoạt động ở các nền kinh tế nhỏ hơn, nhiều doanh nghiệp ở châu Âu gặp khó khăn trong huy động vốn từ các nhà đầu tư và phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Tại châu Âu, khoảng 80% doanh nghiệp nhỏ vay vốn từ các ngân hàng so với tỷ lệ 50% ở Mỹ, nơi các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ các công ty đầu tư vốn cổ phần, nhà đầu tư thiên thần, các thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)...
Ông Miguel Ríos, 59 tuổi, có bốn quán bar karaoke đang trong tình trạng đóng cửa ở Barcelona (Tây Ban Nha). Dù vậy, hàng tháng ông cần phải trang trải 18.000 đô la Mỹ chi phí cố định. Ảnh: WSJ
|
25% doanh nghiệp ở eurozone có nguy cơ vỡ nợ
Ước tính có khoảng 25% doanh nghiệp ở khu vực eurozone có thể đối mặt các vấn đề về dòng tiền và có nguy cơ vỡ nợ trong năm nay nếu không nhận được thêm sự hỗ trợ từ chính phủ của họ.
Cho đến nay, tình trạng khó khăn tài chính của những doanh nghiệp này chưa lan sang các ngân hàng nhờ một loạt chương trình cứu trợ kinh tế của các chính phủ châu Âu, bao gồm hoãn trả nợ vay, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ trả lương cho doanh nghiệp. Song các cơ quan quản lý và giới phân tích cho rằng các biện pháp này chỉ giúp trì hoãn các vấn đề.
“Đây là những gì tôi đang lo về tương lai”, Cristina Paradisi, đang sở hữu hai cửa hiệu thời trang với hai người em gái của cô ở tỉnh Pesaro e Urbino (Ý), nói. Khi người tiêu dùng ở nhà trong thời kỳ phong tỏa, doanh số của hai cửa hàng này giảm mạnh. Ba chị em đã phải hoãn trả khoản trả nợ định kỳ hàng tháng 3.000 euro theo một chương trình hoãn nợ. Nhưng đối với họ, các kỳ vọng hoạt động kinh doanh bình thường trở lại dường như vẫn là giấc mơ xa vời. “Chỉ cần mở cửa là chúng tôi thua lỗ”, Paradisi nói.
Các hệ thống ngân hàng ở khu vực Nam Âu, nơi có các nền kinh tế phụ thuộc lớn hơn vào các doanh nghiệp nhỏ, thường cho các doanh nghiệp nhỏ vay với tỉ trọng lớn.
Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s ước tính doanh nghiệp nhỏ chiếm 25% dư nợ cho vay của ngân hàng dành khu vực tư nhân tại Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, so với mức 11% ở Đức. Tính đến tháng 9 năm ngoái, doanh nghiệp nhỏ chiếm 46% tổng dư nợ cho vay kinh doanh của Ngân hàng Bankia (Tây Ban Nha).
Dưới sức ép của đại dịch Covid-19, gần đây, Bankia đã đồng ý sáp nhập vào đối thủ lớn hơn, Ngân hàng CaixaBank. Hai ngân hàng lớn nhất Ý, UniCredit và Intesa Sanpaolo, cũng lần lượt có 30% và 50% tổng dư nợ cho vay kinh doanh dành cho các doanh nghiệp nhỏ.
Các khoản cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ có xu hướng chiếm tỷ lệ nợ xấu cao hơn vì họ dễ tổn thương và vỡ nợ nhanh hơn. “Chúng tôi đã thành lập đường dây nóng hỗ trợ và nhận được các cuộc gọi của nhiều chủ doanh nghiệp đang tuyệt vọng và không biết làm gì để duy trì hoạt động kinh doanh. Mọi người khóc trên điện thoại và tôi thậm chí lo sợ rằng một số người đang nghĩ đến tự tử”, Giuseppe Palmisano, chủ tịch một hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ ở Ý, nói.
Cuối năm ngoái, tại Bồ Đào Nha, nơi các khoản vay của ngành ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 70% tổng dư nợ cho vay kinh doanh, một nhóm chủ doanh nghiệp nhà hàng và hộp đêm đã cắm trại bên ngoài tòa nhà quốc hội trong một cuộc biểu tình tuyệt thực để kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ họ.
Ljubomir Stanisic, một đầu bếp nổi tiếng, đã tham gia trong nhóm người biểu tình này. Cho đến đầu năm ngoái, hai nhà hàng của ông ở TP. Lisbon vẫn ăn nên làm ra nhờ sự trỗi dậy của ngành du lịch và đà tăng trưởng kinh tế.
Giờ đây, Stanisic cho biết ông đang bên bờ vực phá sản. Doanh thu từ các nhà hàng của ông đã giảm hơn 70% kể từ tháng 3 năm ngoái. Ông đã phải cắt giảm 50% số nhân viên. Điều duy nhất vẫn tăng là số nợ vay của Stanisic. Ông đã vay 2 triệu euro vào hồi đầu năm nay ngoài khoản nợ 1 triệu euro mà ông vay từ hai ngân hàng hồi tháng 4 năm ngoái.
Ông nói số tiền vay nhanh chóng vơi vì ông phải chi trả lương và các hóa đơn hàng tháng.
“Nếu không thể tìm ra giải pháp sớm, tôi sẽ phải đóng cửa hai nhà hàng và sa thải tất cả nhân viên. Bạn có thể tưởng tượng tác động lớn như thế nào khi biết rằng hàng loạt nhân doanh nhỏ khác cũng đang rơi vào tình cảnh giống tôi”, ông nói.
|