Dầu quay đầu giảm do lo ngại về nhu cầu
Giá dầu quay đầu giảm vào ngày thứ Năm (28/01), khi tác động của đồng USD suy yếu và dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh không thể bù đắp những lo ngại rằng việc trì hoãn triển khai vắc-xin và hạn chế đi lại mới để ngăn chặn sự bùng phát mới Covid-19 có thể làm giảm nhu cầu, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 27 xu (tương đương 0.48%) xuống 55.54 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 51 xu (tương đương 0.96%) còn 52.34 USD/thùng.
Phí mua quyền của hợp đồng dầu Brent trong tháng thứ 2 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 02/2020 ngày thứ 4 liên tiếp.
Chênh lệch giá crack (crack spread) 3-2-1 của Mỹ, một thước đo biên lợi nhuận cho việc tinh chế dầu thô thành xăng và các sản phẩm chưng cất, đang trên đà ghi nhận mức khép phiên cao nhất kể từ tháng 5/2020, trong khi chênh lệch giá crack của xăng hướng đến mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 6/2020.
Trước đó giá dầu đã được hỗ trợ bởi dữ liệu trong ngày 27/01 cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 10 triệu thùng trong tuần trước, với việc các nhà phân tích cho rằng là do xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng và nhập khẩu giảm.
“Việc dự trữ dầu thô giảm mạnh, đặc biệt sau một tuần tăng, khiến nhà đầu tư yên tâm rằng nguồn cung không lấn át nhu cầu trong thời điểm hiện tại”, Louise Dickson của Rystad Energy nhận định.
Ngoài ra, chỉ số đồng USD chuyển sang vùng tiêu cực sau khi tăng trước đó, điều này cũng giúp hỗ trợ giá dầu. Người mua sử dụng các loại tiền tệ khác sẽ trả tiền ít hơn do dầu, vốn được neo giá theo đồng bạc xanh, khi đồng USD giảm.
Tuy nhiên, những lo ngại về nhu cầu đang gây sức ép đến tâm lý và khiến giá dầu không thể giữ vững đà tăng trước đó.
Nền kinh tế Mỹ đã suy thoái với tốc độ sâu nhất kể từ Thế chiến thứ hai trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 làm suy giảm chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, đẩy hàng triệu người Mỹ mất việc làm và rơi vào cảnh nghèo đói.
Một báo cáo riêng cho thấy có thêm 847,000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, củng cố quan điểm về đà suy yếu kéo dài của thị trường lao động.
Việc kiểm tra vắc-xin chặt chẽ hơn từ Liên minh châu Âu (EU) và giao hàng từ AstraZeneca Plc và Pfizer Inc cũng đã làm chậm quá trình triển khai vắc-xin ngừa Covid-19.
Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 đã dẫn đến các lệnh hạn chế đi lại trước thềm Tết Nguyên đán, thường là mùa đi lại bận rộn nhất trong năm.
An Trần
FILI
|