Góc nhìn 14/01: Tiếp tục giằng co?
Đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) đồng thuận rằng thị trường cần điều chỉnh là cần thiết để củng cố một xu hướng tăng bền vững. BSC cho rằng VN-Index có thể sẽ vận động giằng co trong những phiên tiếp theo (bắt đầu từ phiên 14/01). BVS dự báo các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2020.
Giằng co
CTCK Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Theo BSC, VN-Index đã sớm chạm 1,200 điểm ngay từ đầu phiên 13/01 nhưng đã không thể giữ vững mốc này và quay đầu giảm vào phiên chiều. Dòng tiền đầu tư suy giảm và chỉ còn 6/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HOSE và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực đồng thời thanh khoản gia tăng so với phiên 12/01.
BSC cho rằng VN-Index có thể sẽ vận động giằng co trong những phiên tiếp theo (bắt đầu từ phiên 14/01).
Quan sát vùng hỗ trợ 1,170 -1,180 điểm
CTCK Asean (Aseansc): Aseansc cũng cho rằng chỉ số VN-Index đang bị kéo lên quá đà, và việc điều chỉnh là cần thiết để củng cố cho một xu hướng tăng bền vững hơn trong ngắn hạn. Do đó, CTCK này khuyến nghị nhà đầu tư chú ý quan sát vùng hỗ trợ 1,170 – 1,180 điểm trong phiên 14/01. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 50% tiền mặt/50% cổ phiếu.
Sẽ có sự phân hóa mạnh
CTCK Bảo Việt (BVSC): Các chuyên gia của BVSC cho rằng chỉ số có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1,200-1,220 điểm trong những phiên tới (bắt đầu tư phiên 14/01).
Tuy nhiên, BVSC vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, vùng kháng cự tâm lý này sẽ tiếp tục tạo ra lực cản đối với xu hướng đi lên của thị trường trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu đã ở vào trạng thái quá mua. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục luân phiên có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn sẽ tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.
Cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh quý 4/2020 tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả kinh doanh.
CTCK này khuyến nghị nhà đầu tư duy trì nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng ở mức 50% trong danh mục; ưu tiên nắm giữ các vị thế trung dài hạn; các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên xem xét bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự đã đề cập phía trên.
Chờ đợi nhịp điều chỉnh
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): SHS cho rằng trên góc độ kỹ thuật, mặc dù mức giảm của phiên 13/01 khá nhẹ nhưng thị trường đã phần nào cho tín hiệu cảnh báo về kịch bản sóng elliot với việc sóng 3 có dấu hiệu kết thúc khi tăng từ ngưỡng 925 điểm lên ngưỡng 1,200 điểm và tiếp theo sẽ là sóng điều chỉnh 4 với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1,040 điểm. Nếu trong các phiên tiếp theo, thị trường không thể vượt qua ngưỡng 1,200 điểm mà tiếp tục giảm điểm thì có thể xác nhận kịch bản trên.
Tuy nhiên SHS cũng cho rằng một nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng của thị trường là điều cần thiết để thị trường có thể hướng tới các mốc cao mới trong thời gian tới. Nhà đầu tư đã cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ trong các phiên gần đây nên đứng ngoài để quan sát thị trường, chờ đợi những nhịp điều chỉnh tiếp theo về vùng giá hấp dẫn hơn để giải ngân thăm dò. Các ngưỡng hỗ trợ cần lưu ý lần lượt 1,120 điểm và 1,050 điểm.
Duy Na
FILI
|