Thị trường cần nhịp điều chỉnh để vượt đỉnh bền vững
Sau chuỗi tăng điểm 8 phiên liên tiếp (31/12/2020 - 12/01/2020), VN-Index đang tiếp cận rất sát mức đỉnh lịch sử 1,204 điểm năm 2018. Đầu phiên giao dịch ngày 13/01, chỉ số có lúc vượt mức 1,200 điểm song lại giảm nhiệt sau đó.
Chuỗi tăng điểm liên tục kết thúc với việc chỉ số sàn HOSE quay về mức 1,186 điểm (giảm nhẹ 0.5% trong phiên). Chỉ tính riêng trên sàn HOSE, giá trị giao dịch đạt hơn 17.8 ngàn tỷ đồng. Thanh khoản toàn thị trường vượt trên 22 ngàn tỷ đồng (khớp lệnh chiếm trên 90%), cải thiện so với phiên trước đó.
Thị trường điều chỉnh sau khi tiếp cận đỉnh lịch sử năm 2018
|
Theo ông Vũ Minh Đức - Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), hiện tại VN-Index đang bước vào giai đoạn giằng co mạnh gần ngưỡng đỉnh lịch sử, điều này đẩy khối lượng giao dịch lên cao. Để thị trường vượt được mốc đỉnh lịch sử thì cần sức mạnh dòng tiền lớn hơn. Giai đoạn này, nếu có nhịp giảm để củng cố thì xác suất vượt sẽ cao hơn.
Ở thời điểm hiện tại, dòng tiền “rẻ” do lãi suất tiết kiệm thấp và thiếu cơ hội kinh doanh đang bị cuốn vào thị trường. Lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp dẫn tới rủi ro tới thị trường cao. Dòng tiền nội này thường có tính chất không ổn định và dễ bán tháo khi có sự đảo chiều. Do đó, xu hướng dòng tiền nội phục thuộc vào xu hướng thị trường tới đây có tăng tiếp hay không. Nếu thị trường duy trì đà tăng thì tiền nội sẽ tiếp tục chảy vào.
Còn về dòng tiền ngoại, trong ngắn hạn dòng tiền này khó có thể được đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam. Với kỳ vọng nâng hạng thị trường, có thể trong 1 - 2 năm nữa dòng tiền ngoại sẽ quay lại thúc đẩy thị trường với tính chất ổn định cao hơn so với dòng tiền nội hiện tại.
KHÓA HỌC ONLINE
Chứng khoán cơ bản
💡 Khai giảng: 20/01/2021
💡 Ưu đãi lên đến: 60%++
Hotline: 0908 16 98 98
>> Đăng ký ngay
|
Giải ngân mới vào lúc này là khá nhạy cảm vì đang ở vùng đỉnh lịch sử. Tuy nhiên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nên chiến lược nắm giữ vẫn được ưu tiên hơn. Nhà đầu tư nắm giữ nhiều tiền mặt nên xem xét giải ngân ở vùng giá thấp nếu thị trường điều chỉnh. Nếu nhà đầu tư mua do "sợ lỡ tàu" (FOMO) ở thời điểm này thì rủi ro sẽ cao hơn.
Nói về việc lựa chọn cổ phiếu, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích của VCSC cho rằng không khó để lựa chọn cổ phiếu khi dòng tiền liên tục chảy vào sẽ giúp cổ phiếu luân phiên tăng giá. Quan trọng là xác định được thị trường có tăng nữa hay không, để theo dõi thì nhóm bất động sản khu công nghiệp, tài chính là hai lĩnh vực nổi bật nhất hiện tại. Tuy nhiên dòng tiền đang có sự lan tỏa ở sang những nhóm cổ phiếu khác.
Còn theo ông Dương Hoàng Linh – Trưởng Phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBSC), việc thị trường vượt đỉnh cũ năm 2018 chỉ còn là vấn đề thời gian bởi dòng tiền rẻ vẫn chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường. Nếu không có tín hiệu xấu bất thường thì sau khi vượt đỉnh, VN-Index có thể hướng tới mức 1,270 điểm.
Ông Linh cho rằng khả năng thị trường điều chỉnh vẫn đang tiềm ẩn. Nếu xét ở mặt kỹ thuật, thị trường đang ở trạng thái quá mua. Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường đang có dấu hiệu “say máu” chạy theo đà tăng.
So với năm 2018, diễn biến khác rất nhiều. Năm 2018, thị trường đi lên chủ yếu do kéo cổ phiếu trụ. Còn hiện tại dòng tiền có sự lan tỏa giữa các nhóm ngành, điều này thể hiện sự cuồng nhiệt của dòng tiền. Việc tăng điểm như hiện tại đòi hỏi cần có sự điều chỉnh.
Vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên có lựa chọn nhìn vào cơ bản nhiều hơn, quan trọng nhất là phân phối dòng tiền và mua bán gối đầu. Tốt nhất là luôn sẵn sàng có hàng để bán, nếu thị trường quay đầu giảm điểm thì nhà đầu tư sẽ kịp thời rút ra được. Nhóm ngành tiềm năng hiện tại là ngân hàng, chứng khoán. Nên theo dòng tiền nhưng tránh mua đuổi. Khi xuất hiện dấu hiệu đảo chiều với các mã trụ giảm sàn thì nên nhanh chóng rút khỏi thị trường.
Chí Kiên
FILI
|