Thứ Hai, 25/01/2021 14:05

Để FDI là “trợ lực” nền kinh tế…

Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Dẫu vậy, để FDI trở thành “trợ lực” cho nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn là câu chuyện đáng bàn.

* Foxconn và niềm tin của các tập đoàn công nghệ với Việt Nam

* Dự án Foxconn và lời nhắc 'đón đầu cơ hội' của Thủ tướng

Công nhân làm việc tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sóng mới FDI

Trong báo cáo công bố giữa tháng 1-2021, đơn vị phân tích kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist, đưa ra nhận định Việt Nam đã trở thành điểm đến thu hút vốn FDI tại châu Á, thậm chí vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo EIU, Việt Nam đã trở thành “trung tâm mới cho sản xuất giá rẻ trong chuỗi cung ứng châu Á”. Những yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn các quốc gia khác là có lực lượng lao động giá rẻ đông đảo, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như các ưu đãi Chính phủ Việt Nam dành cho doanh nghiệp ngoại đầu tư cơ sở sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Về chính sách FDI và thị trường lao động, EIU đánh giá Việt Nam ghi điểm cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhận định của EIU được đưa ra trong bối cảnh 1 đơn vị của Foxconn Technology Co Ltd (Đài Loan) được trao giấy phép xây dựng nhà máy sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng trị giá 270 triệu USD tại tỉnh Bắc Giang.

Theo đại diện Foxconn, tính đến cuối năm 2020, tập đoàn này đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch tăng vốn đầu tư thêm 700 triệu USD và tuyển thêm 10.000 lao động địa phương trong năm 2021. Foxconn cũng đặt mục tiêu đầu tư 1,3 tỷ USD vào tỉnh Thanh Hóa.

Không chỉ lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp FDI bất động sản cũng xem thị trường Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn. Điển hình cho xu hướng này là Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Hay gã khổng lồ kho bãi châu Á - GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, để ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD làm nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley Bắc Ninh...

Những dự án đầu tư tỷ đô trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, dường như mở ra viễn cảnh làn sóng FDI mới đổ vào Việt Nam với những ông lớn. Điều này càng được củng cố khi Việt Nam ký kết nhiều FTA mới trong năm 2020, cũng như chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đã được cụ thể hóa.

Đầu năm 2021, Luật Đầu tư sửa đổi (2020) chính thức có hiệu lực, bổ sung quy định cho phép Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng hiện nay. Theo đó, cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của luật hiện hành.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, như hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành; áp dụng ưu đãi có thời hạn theo kết quả thực hiện dự án…

Chưa vội mừng

Tuy nhiên, với những hiện tượng sóng mới FDI nói trên vẫn cần có thời gian để sàng lọc và đánh giá. Bởi lẽ, với dự án FDI không chỉ nhìn quy mô về vốn mà còn là tính hiệu quả dòng vốn FDI đó mang lại cho nền kinh tế.

Để đón được dòng vốn FDI có chất lượng cao, đòi hỏi phải có sự cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng hơn, đáp ứng được các điều kiện khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, môi trường.

Điều này không phải không có cơ sở, khi trong báo cáo của Bộ Tài chính công bố vừa qua, cho thấy, trong năm 2019 có đến 55% doanh nghiệp FDI đang đầu tư ở Việt Nam đồng loạt… báo lỗ. Số lỗ được báo lên đến 131.445 tỷ đồng. Đây là điều giới chuyên gia kinh tế cho là “hiện tượng lạ”.

Song điều lạ lùng này không phải mới, mà đã diễn ra từ nhiều năm qua. Đây cũng là nguyên nhân buộc Chính phủ ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, được đánh giá là biện pháp mạnh để chống tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI.

Theo PGS.TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), với việc ký kết và tham gia các FTA, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ tăng theo. Tuy nhiên, điều này có những lợi ích và thách thức khác nhau. Nếu không có sự chọn lọc, mãi theo “một lối chơi”, nguy cơ doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng teo tóp, tụt hậu.

Nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, điều dễ nhận ra là tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu vẫn nằm ở khối doanh nghiệp FDI. Năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, đạt 245,6 tỷ USD; trong khi nhóm hàng tiêu dùng chỉ 16,8 tỷ USD, giảm 3,8%.

Điều này chứng tỏ chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng làm ra sản phẩm thấp. Ngoài ra, với nhiều FTA, Việt Nam còn có nguy cơ trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của các nước láng giềng, nhập khẩu hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm từ nước ngoài về rồi giả mạo xuất xứ xuất vào nước khác.

Ở chiều hướng khác, để đón được dòng vốn FDI có chất lượng cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng hơn, đáp ứng được các điều kiện khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, môi trường.

Đáng buồn, trong báo cáo về “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025” của CIEM công bố mới đây, đã nhận định đòi hỏi trên “vẫn còn điểm nghẽn”.

Làn sóng FDI đã và đang nhen nhóm trong quý I-2021, có thể là điểm sáng của Việt Nam khi tạo ra được những hấp lực nhất định trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế nhiều nước vẫn chưa thể phục hồi.

Nhưng để điểm sáng đó thực sự hiệu quả, trở thành trợ lực cho nền kinh tế hay không lại là câu chuyện khác. Hiển nhiên, điểm sáng cần phải ghi nhận, song để lấy đó làm lạc quan vẫn còn… hơi vội vàng. 

Hoàng Sơn

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Luật Đầu tư 2020: Nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi hơn với cơ chế 'chọn-bỏ' (25/01/2021)

>   Khai sai, chậm vận đơn sẽ bị phạt cả tháng lương (25/01/2021)

>   Vé máy bay rẻ 'chưa từng có' (25/01/2021)

>   Rau củ dồi dào cho Tết Tân Sửu (25/01/2021)

>   Tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa đảm bảo phòng cháy: Bộ GTVT nói đang khắc phục (24/01/2021)

>   Truy tố 15 bị can trong đại án Nhật Cường (23/01/2021)

>   Đơn vị Trung Quốc trúng thầu tư vấn vận hành đường sắt Cát Linh–Hà Đông (23/01/2021)

>   Áp dụng sai tình tiết giảm nhẹ, xử có lợi cho nguyên cán bộ Petroland (23/01/2021)

>   Ấn Độ muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư với Việt Nam (23/01/2021)

>   Cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn chưa mạnh mẽ, quyết liệt (22/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật