Cẩn trọng nguy cơ 'bong bóng' tài sản
Trao đổi với chúng tôi, TS. CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định đã đến lúc Việt Nam cần thận trọng với những nguy cơ từ rủi ro tài chính và “bong bóng” tài sản, nhất là khi tính bền vững và năng lực chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài còn mỏng.
* Mở rộng tiền tệ - tín dụng: Sức ép lạm phát và bong bóng giá tài sản
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong những ngày đầu quý I-2021, thị trường đã chứng kiến hiện tượng tiền rẻ đang đổ mạnh vào một số lĩnh vực đầu tư như chứng khoán, bất động sản… do lãi suất tín dụng liên ngân hàng giảm mạnh. Xu hướng này sẽ diễn tiến ra sao trong thời gian tới?
TS. CẤN VĂN LỰC: - Khi lực hút vào kênh ngân hàng giảm do lãi suất hạ, nhà đầu tư nhanh nhạy sẽ dịch chuyển từ kênh đầu tư tiền gửi thông thường sang kênh đầu tư chứng khoán và một phần vào bất động sản, hoặc có thể là vàng.
Quan sát kỹ hơn sẽ thấy hiện tượng này đang xảy ra ở một số lĩnh vực khác từ quý IV-2020. Tôi cho rằng đây là điều hiển nhiên, nó phản ánh đúng nhu cầu của thị trường. Năm nay ước tính dòng tiền rẻ sẽ vẫn còn, dù không dồi dào như năm 2020.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền rẻ. Đa số các nước đến nay chưa công bố đã chấm dứt dịch hoàn toàn hay dừng các hoạt động hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí Mỹ vẫn đang tính đến việc tung ra các gói hỗ trợ tiếp theo cho nền kinh tế để hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hay Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa kiến nghị Ngân hàng Thế giới (WB) không nên ngừng ngay các gói cứu trợ. Điều này cũng như câu chuyện bơm thuốc kích thích nền kinh tế nhưng phải đủ liều mới có tác dụng.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, nhiều nước chưa dám dừng ngay các gói hỗ trợ đó, có nghĩa dòng tiền rẻ vẫn còn.
- Đối với các nhà đầu tư, ông có những khuyến nghị gì trong bối cảnh những nguy cơ rủi ro về đầu tư trong lĩnh vực tài chính?
- Tôi lấy đơn cử câu chuyện TTCK vừa qua. Ngay từ những ngày đầu năm 2021, các chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt là chỉ số HNX Index tăng cao nhất thế giới trong 1 năm qua.
Việt Nam vẫn ở mức kháng cự tương đối tốt, rủi ro ở mức trung bình, nhưng không được chủ quan, vẫn phải gia cố, đặc biệt trong bối cảnh áp lực rủi ro tài chính từ bên ngoài đang ngày càng gia tăng.
|
Ở đây, cần nhìn nhận rằng TTCK đang phản ánh khá rõ nét diễn biến của nền kinh tế, khi các cổ phiếu ngành thép tăng gần gấp đôi, cổ phiếu chứng khoán cũng tăng mạnh; trái lại cổ phiếu vận tải, du lịch, giải trí nhìn chung giảm mạnh. Thanh khoản trên thị trường tăng mạnh, đồng pha với sự đi lên của TTCK.
Nhưng các nhà đầu tư cần lưu ý lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, mà chứng khoán đi xuống mới đây là thí dụ. Theo tôi, để tránh được những cú sốc, nhà đầu tư nên đầu tư theo “khẩu vị rủi ro” của mình, đặc biệt cần xác định rõ mục đích đầu tư, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Trong bối cảnh lãi suất trên thế giới và Việt Nam giảm tương đối mạnh, dòng tiền đang đổ nhanh vào các lĩnh vực khác trong đó có chứng khoán, các nhà đầu tư phải thận trọng với xu hướng đó. Rất không nên dùng đòn bẩy quá nhiều ở giai đoạn hiện tại, tránh đầu tư theo tâm lý “bầy đàn”, theo phong trào và “hãy là nhà đầu tư thông thái”.
- Hiện có ý kiến lo ngại sự dịch chuyển của dòng tiền rẻ vào một vài lĩnh vực đầu tư có thể dẫn đến “bong bóng” tài sản và đổ vỡ bất cứ lúc nào. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Về vấn đề “bong bóng” tài sản, chúng tôi đã có báo cáo nghiên cứu, trong đó nói rõ những nguy cơ. Hiện tượng “bong bóng” tài sản toàn cầu hiện nay đang xảy ra. Việc vay nợ của Chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình tăng nhanh trong khoảng 2 năm trở lại đây, đã khiến tổng số dư nợ tăng lên chiếm khoảng 350% GDP toàn cầu, chiếm khoảng 40% trong 2 năm vừa qua.
Chúng tôi cũng đã cảnh báo đây sẽ là điều rủi ro đối với tài chính toàn cầu. Bởi nếu như thời gian tới lãi suất tăng trở lại, trách nhiệm trả nợ của các nước sẽ tăng lên, lúc này rủi ro tài chính sẽ xảy ra nếu chính quyền, doanh nghiệp, hộ gia đình không quản lý tốt tài chính.
Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy trong thời gian vừa qua, ở Trung Quốc đã có một số doanh nghiệp bị phá sản trong bối cảnh như vậy.
Đối với Việt Nam, chúng tôi đối chiếu với 6 tiêu chí về dấu hiệu bong bóng tài sản, rủi ro tài chính… cho thấy chúng ta vẫn ở mức kháng cự tương đối tốt, mức rủi ro ở mức trung bình. Tất nhiên chúng ta không được chủ quan, vẫn phải gia cố, đặc biệt trong bối cảnh áp lực rủi ro tài chính từ bên ngoài đang ngày càng gia tăng.
- Những rủi ro từ thị trường tài chính toàn cầu sẽ gây ra những áp lực gì cho Việt Nam và chúng ta cần phải có những chính sách thích ứng như thế nào, thưa ông?
- Có thể thấy những rủi ro nợ xấu, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ đang gia tăng ở nhiều nước. Đối với trong nước, cuối năm 2020 tỷ lệ nợ xấu đã vượt mức 2%, song vẫn trong tầm kiểm soát. Điều này nhờ việc Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại nợ, không phải chuyển nhóm nợ để có thể cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh theo tinh thần Thông tư 01.
Bài toán đặt ra cho Việt Nam là mức lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp. Bởi khi lãi suất hạ thấp quá chưa chắc tốt, nó phải đảm bảo hài hòa cho các bên, cả người gửi tiền, vay tiền và điều hành vĩ mô.
Nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy “bong bóng” tài sản và đổ vỡ của thị trường, nhất là khi tính bền vững và năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam với các cú sốc bên ngoài hiện nay vẫn còn khá mỏng.
- Xin cảm ơn ông.
Lưu Thủy
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|