Trung Quốc sẽ tiêm phòng cho "các nhóm quan trọng" trong giai đoạn Đông - Xuân
Trung Quốc sẽ sử dụng chương trình tiêm chủng để dựng lên một "tấm khiên nhóm", tạo miễn dịch tích cực cho cộng đồng.
Tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
|
Trung Quốc sẽ tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 cho tất cả các "nhóm quan trọng", gồm các nhân viên trong ngành liên quan tới dây chuyền bảo quản lạnh, hải quan, chăm sóc sức khỏe, thị trường và vận tải công cộng, trong giai đoạn Đông - Xuân này.
Phát biểu tại họp báo ngày 18/12, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), ông Tăng Ích Tân cho biết thêm rằng Trung Quốc sẽ sử dụng chương trình tiêm chủng để dựng lên một "tấm khiên nhóm", tạo miễn dịch tích cực cho cộng đồng.
Ngày 18/12, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes nhận định tiêm chủng hàng loạt ngừa COVID-19 sẽ giúp phục hồi kinh tế bền vững.
Phát biểu tại họp báo, ông Guedes cho biết: "Tiêm chủng chắc chắn là chương quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch để đảm bảo sự phục hồi kinh tế, dựa trên đầu tư và tiêu dùng".
Theo ông, nối lại các hoạt động kinh tế một cách an toàn và trở lại làm việc sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi thực hiện kế hoạch tư nhân hóa các công ty lớn vào năm 2021. Chính phủ Brazil có kế hoạch tư nhân hóa công ty điện lực Eletrobras, dịch vụ bưu điện Correos, công ty cảng Santos và tập đoàn dầu khí Presal Petroleo S.A.
Cùng ngày, Colombia đã ký các thỏa thuận với các công ty dược phẩm Pfizer và AstraZeneca để cung cấp 20 triệu liều vaccine.
Phát biểu trên truyền hình tối 18/12, Tổng thống Ivan Duque cho biết Colombia sẽ mua 10 triệu liều của Pfizer và mua 10 triệu liều của AstraZeneca. Cùng với 20 triệu liều mà Colombia sẽ nhận được theo Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX, nước này sẽ đảm bảo đủ 2 mũi tiêm cho 20 triệu người.
Theo Tổng thống Duque, tiêm phòng đại trà sẽ bắt đầu ngay từ những tuần đầu năm 2021, tập trung trước tiên vào các nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi và những người có các bệnh lý nền như tiểu đường, HIV/AIDS, tăng huyết áp.
Ước tính tổng cộng có 11 triệu người thuộc diện này và đã xác định danh tính cụ thể. Tiêm chủng sẽ hoàn toàn miễn phí. Colombia cũng sẽ tiếp tục đàm phán với các công ty để mua thêm vaccine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Paraguay Julio Mazzoleni cho biết đang đàm phán với 5 công ty dược phẩm nước ngoài để mua 4 triệu liều vaccine vào đầu năm 2021 để bổ sung vào hơn 4 triệu liều khác sẽ nhận được theo cơ chế COVAX. Chi phí để mua số vaccine trên sẽ là 40 triệu USD.
Bộ trưởng Mazzoleni không nói rõ đang đàm phán với những công ty nào, song cho biết "đó là những công ty mà mọi người đều biết".
Tại Nga, các nhà du hành vũ trụ và nhân viên ngành này đã bắt đầu được tiêm phòng virus SARS-CoV-2 ngày 18/12 tại thành phố Ngôi sao, gần thủ đô Moska, vốn là trụ sở của chương trình không gian của nước này.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết hai nhà du hành vũ trụ Nikolai Chub và Oleg Artemyev, từng làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), đã được tiêm mũi đầu tiên trong hai mũi vaccine Sputnik V.
Đầu tháng này, Nga cũng đã tiêm vaccine Sputnik V cho đội ngũ y bác sĩ và các nhân viên ở tuyến đầu chống dịch tại thủ đô và hơn 200.000 người đã được tiêm.
Trong khi đó, tại Mỹ, các nghị sĩ sẽ được tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết họ sẽ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Hai nghị sĩ này khẳng định sẽ tiếp tục đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội và làm theo các chỉ dẫn y tế.
Hiện các nhân viên y tế Mỹ đang tìm cách thuyết phục người dân Mỹ tin tưởng vào hiệu quả của vaccine để tiêm phòng. Theo Trung tâm NORC của hãng tin AP, một nửa người Mỹ được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vaccine.
Tổng thống Donald Trump, người từng phải nhập viện vì mắc COVID-19 hồi tháng 10, chưa cho biết liệu ông có tiêm vaccine hay không. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden thông báo sẽ đi tiêm vào ngày 21/12.
Bích Liên
BNEWS
|