Thứ Bảy, 19/12/2020 10:45

Trung Quốc trả giá cho thành tích xóa nghèo bằng những quả cầu tuyết nợ

Đầu tháng 12 này, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất công cuộc xóa nghèo đói trên phạm vi toàn quốc. Nhưng cái giá phải trả cho chiến thắng đó là những quả cầu tuyết khổng lồ dần ở những vùng nghèo nhất – nơi chính quyền địa phương đưa ra những gói trợ cấp hào phóng, nhưng lại không duy trì được phát triển bền vững.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước đoán khối nợ của chính quyền địa phương lên đến 30.900 tỉ nhân dân tệ (tệ) vào cuối năm 2018. Hãng đánh giá tín dụng địa phương China Chengxin International nói núi nợ này lên đến 43.000 tỉ tệ trong năm 2019. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Trung Quốc nói còn có khối nợ trái phiếu 21.300 tỉ tệ do chính quyền địa phương phát hành.

Công nhân nhập cư đang thu dọn rác trên một công trình xây dựng ở Bắc Kinh. Dù được xếp trên mức nghèo đói, nhưng cuộc sống của họ cũng rất chật vật. Ảnh: Reuters

Dịch Covid-19 làm tăng nguy cơ vỡ nợ khi ngân sách thu được giảm do doanh nghiệp đóng cửa hay phá sản. Để phòng bong bóng nợ địa phương võ, Bắc Kinh đã tăng hạn ngạch bảo hiểm trái phiếu nhằm tăng nguồn vốn cho chính quyền cấp thấp. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng trái phiếu phát hành đạt 3.200 tỉ tệ, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn được khơi dòng tức là chính quyền địa phương tiếp tục các công trình xây dựng hạ tầng và phát triển du lịch.

Chuẩn nghèo được định quá thấp

“Qua tám năm làm việc không ngừng nghỉ, Trung Quốc đã đưa toàn bộ dân số ở những vùng nông thôn tụt hậu thoát khỏi nghèo đói, với gần 100 triệu người thoát nghèo”, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tại cuộc họp Ban thường trực Bộ chính trị hôm 3-12 này.

Trung Quốc định nghĩa mức nghèo là những người có thu nhập dưới 4.000 nhân dân tệ, tương đương 612 đô la mỗi năm. Kể từ năm 2016, chính quyền trung ương đã chi hơn 530 tỉ nhân dân tệ, hơn 81 tỉ đô la, cho công cuộc chống nghèo đói. Số tiền này chủ yếu dùng cho các khu vực có thu nhập thấp như Vân Nam, Tứ Xuyên và các tỉnh sâu trong đất liền.

Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đã định ra lằn ranh nghèo đói quá thấp. Ngân hàng Thế giới (WB) xem những người sống với 1,9 đô la mỗi ngày là mức cực nghèo. Mức này tương đương với con số 693,5 đô la một năm, cao hơn 80 đô la so với mức Trung Quốc đưa ra.

Định nghĩa về đói nghèo cũng rất khác nhau trong quan niệm của giới lãnh đạo ở Trung Quốc. Vào tháng 5, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh có khoảng 600 triệu người dân Trung Quốc chỉ có thể kiếm được 1.000 tệ mỗi tháng, tức 153 đô la. Con số này đã gây tranh cãi lớn.
“Với 1.000 tệ hoặc ít hơn mỗi tháng, ngay người dân ở vùng ven Bắc Kinh sống rất chật vật. Mọi thứ đều đắt đỏ ở thành thị. Vì thế, rất nhiều người dù được xếp ở mức trên giới hạn đói nghèo vẫn có cuộc sống cực kỳ khó khăn”, một luật sư ở Bắc Kinh nói với Nikkei Asia.

Ông chủ sống nhờ trợ cấp chính quyền và những tòa nhà xây dở

Quyết tâm xóa nghèo sắt đá của chính phủ – với các chương trình tái định cư toàn thể các các cộng đồng nông nghiệp ở những vùng nông thôn hay miền núi còn nghèo và hỗ trợ tài chính hào phóng – không phải bao giờ cũng có kết quả tốt đẹp.

Ông chủ Vương Trí Ba được chính quyền địa phương là Thành Khẩu, nơi nghèo nhất của thành phố Trùng Khánh, cho vay 100.000 tệ, khoảng 15.300 đô la. Căn nhà cũ kỹ của ông Vương được tân trang trở thành nhà trọ. Gia đình ông còn được các khoản trợ cấp hào phóng khác về nhà ở, y tế và giáo dục. Thu nhập của gia đình bỗng vọt lên 100.000 tệ mỗi năm, tăng 10 lần so với trước.

Nhưng kinh doanh nhà trọ ở vùng quê không phát đạt. Khách ít và mỗi người chỉ chi nhiều lắm là 100 tệ. Cả gia đình ông phụ thuộc vào trợ cấp của chính quyền địa phương. Trong khi đó, Thành Khẩu lại phụ thuộc đến 90% vào ngân sách từ Trùng Khánh. Và không ai rõ, chính quyền Trùng Khánh sẽ đủ sức chi trong bao lâu.

Chuyện của ông chủ Vương gợi nhớ lại món nợ 40 tỉ tệ của chính quyền Độc Sơn ở tỉnh Quý Châu. Vùng miền núi này được châm ngân sách trung ương và tỉnh, các khoản vay từ ngân hàng và thế giới tín dụng ngầm để xây những công trình hoành tráng, như bản sao thu nhỏ của Tử Cấm Thành, tòa lầu cao 99 mét bằng đất sét và tháp chuông cổ.
Cuối tháng 6, các món nợ của chính quyền huyện lên đến 13,6 tỉ tệ. Hơn 26 tỉ tệ còn lại là các khoản vay có lãi suất đến 10% được chính quyền Độc Sơn bảo lãnh cho các doanh nghiệp tham gia dự án. Trong khi đó, GDP của Độc Sơn chỉ đạt 12,6 tỉ tệ trong năm 2019. Vụ vỡ nợ khiến Bí thư huyện ủy Độc Sơn bị mất chức và tuyên án 12 năm tù trong năm 2019. Các tòa nhà xây dở dang – lanwei lou – phơi mưa nắng khi các nhà đầu tư rút lui.

Tòa nhà đất sét cao 99m theo kiến trúc người dân tộc Thủy ở huyện Độc Sơn. Chính quyền tỉnh Quý Châu đã bơm thêm 200 nhân dân tệ nhưng các tòa nhà xây dang dở vẫn không thể hoàn thành. Ảnh: AP

Bất hợp lý ở chính sách phân bổ ngân sách

Các nhà kinh tế đã sớm cảnh báo về các khoản vay của chính quyền địa phương ở cấp huyện, trấn hay thôn bởi các món nợ này thường vượt mức tổng thu ngân sách của địa phương và khó truy vết hay kiểm soát.
“Nếu địa phương vay mượn càng nhiều, họ có thể xây nhiều công trình có thể tính vào tăng trưởng GDP của địa phương. Tăng trưởng kinh tế vững chắc lại bảo đảm cho thăng tiến của quan chức. Làm sao họ lại ngại cho được?”, theo lời Phó giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California ở San Diego.

Phân bổ ngân sách đã góp phần làm phình nợ công ở Trung Quốc. Chính quyền địa phương chỉ được giữ tỷ lệ nhỏ ngân sách thu được, phần lớn chuyển về trung ương. Quan chức địa phương phải trông cậy vào nguồn ngân sách phân bổ ở Bắc Kinh, nhưng thường lại không đủ. Về luật, chỉ có chính quyền tỉnh mới được phép phát hành trái phiếu. Vì thế, chính quyền cấp thấp hơn vay mượn thông qua các công ty họ dựng lên.

Họ tận dụng các chương trình đối tác công – tư bằng cách bảo đảm khoản vay của khu vực tư. Sáng kiến này được đưa ra năm 2014 để giảm bớt áp lực nợ lên chính quyền địa phương. Nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chỉ thu hút được các nhà đầu tư đội lốt để được chuẩn chi các khoản vay. Chưa kể đến chuyện quan chức tham nhũng.

Các khoản nợ như vậy không bao giờ xuất hiện trong ngân sách chính quyền, theo giáo sư Victor Shih. Tình trạng tăng nguy cơ với hệ thống tài chính quốc gia bởi những quả cầu tuyết cứ lăn và lớn dần. “Nếu Trung Quốc duy trì mức độ tăng trưởng cao, các nguy cơ vỡ nợ có cơ hội được giải quyết nhanh chóng. Nhưng tăng trưởng chậm lại, tình trạng vỡ nợ sẽ tăng cao. Chính quyền địa phương rất lạc quan, duy ý chí. Họ nghĩ một khi công trình hoàn thành, du khách sẽ kéo đến”, nhà kinh tế Wan Qian thuộc hãng International Financial Corp nhận định.

Không ai muốn cản bong bóng nợ vỡ?

Các món nợ ngầm tích tụ dần. Bong bóng bơm căng rồi đến lúc vỡ. Các nhà đầu tư đã mất hàng tỉ đô la trong vụ sụp đổ của JC Group vào tháng 10-2018. Tập đoàn này tham gia vào dự án từ trung ương với mục tiêu xây dựng 1.000 thị trấn, thành phố nhỏ hiện đại vào nằm 2020 để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Alfred Wu Muluan, Phó giáo sư của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng kết cục như vậy là “khó tránh khỏi” đối với nhiều dự án tương lai dài hạn. “Nhu cầu thật sự ở nông thôn đang ngày càng giảm dần bởi mọi người đã dời đến thành phố. Chỉ một số ít ngôi làng và trấn có tiềm năng thu hút du khách”, ông nói.

Điều ngạc nhiên là, Phó giáo sư Wu nhận định, các quan chức địa phương biết rõ hậu quả nhưng họ vẫn thúc đẩy dự án, với hy vọng sẽ được thăng tiến trước khi dự án có thể phá sản. “Khối nợ cứ thế mà phình to, và không ai muốn ngừng chuyện này”, ông nói.

Giáo sư Victor Shih của Đại học California (Mỹ) ước đoán chính phủ trung ương đã bơm hàng ngàn tỉ nhân dân tệ để đề phòng cuộc khủng hoảng có thể bùng nổ. “Mọi chuyện đều có cái giá phải trả. Ngân hàng trung ương tiếp tục in tiền. Còn người dân phải chịu đựng lạm phát cao hơn và sức mua của đồng tiền thấp hơn”.

Du khách kéo đến Độc Sơn ngày mỗi nhiều mặc cho những câu chuyện vỡ nợ ồn ào trên báo chí. Chủ một hãng lữ hành họ Lưu nói rằng ông ngạc nhiên khi thấy khu trấn nhỏ bị kẹt xe ở vài điểm tham quan. “Trong sáu năm sống ở đây, tôi chưa từng thấy cảnh tượng này”, ông chủ Lưu nói.

“Những tòa lầu xây dở đang thu hút sự quan tâm của họ. Rất nhiều khách đến đây chỉ để xem, selfie và đăng tải trên mạng xã hội những tòa lanwei lou nổi tiếng. Có lẽ đây là cơ hội. Chúng ta nên xây dựng một thương hiệu khác về trấn này. Hình ảnh của Độc Sơn có thể xem là lời cảnh báo của quá trình phát triển vay nợ quá mức đang vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc”, ông nói.

Ricky Hồ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Covid-19 đưa du lịch toàn cầu quay lại mức của 30 năm trước (19/12/2020)

>   Ông Trump ký dự luật ‘hất cẳng’ các cổ phiếu Trung Quốc (19/12/2020)

>   FDA phê duyệt vắc-xin Covid-19 từ Moderna (19/12/2020)

>   Cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ của dầu thô (19/12/2020)

>   Vaccine Covid-19 có phải “tiên dược” cho kinh tế thế giới? (18/12/2020)

>   Reuters: Mỹ sắp thêm hơn hàng tá công ty Trung Quốc vào danh sách đen (18/12/2020)

>   Ca Covid-19 toàn cầu vượt 75 triệu, Mỹ sắp phê duyệt vaccine thứ hai (18/12/2020)

>   Covid-19 chi phối kinh tế thế giới năm 2020 (18/12/2020)

>   Vì sao thị trường đồ hiệu ở Trung Quốc tăng bùng nổ trong đại dịch? (17/12/2020)

>   Chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee nhận án phạt 180 triệu USD tại Mỹ (17/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật