Chính sách ngân hàng năm 2020 (Kỳ 1): Những quy định gây nhiều tranh cãi
Thông tư 01 hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và Nghị định 126 có lẽ là những chính sách gây nhiều tranh cãi nhất trong năm 2020.
Thông tư 01 vẫn còn nhiều vướng mắc
Thông tư 01/2020/TT-NHNN ban hành ngày 13/03/2020 cho phép các TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Thông tư 01 cũng cho phép TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư. Đồng thời, thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD nhưng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Tuy nhiên sau đó vào cuối tháng 5, NHNN đã ban hành Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 kéo dài thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020.
Việc sửa đổi tiếp theo được NHNN đưa ra là cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 25/04/2020.
Điểm thay đổi cuối cùng là “Cho phép TCTD, chi nhánh NHNNg không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại”.
|
Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, nhiều TCTD và một số doanh nghiệp phản ánh phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23/01/2020, nhất là các khoản cho vay ngắn hạn, khách hàng không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng cho vay.
Thêm nữa, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí… theo Thông tư 01 có thể đẩy nợ xấu của các TCTD tăng cao đột biến trong các năm tới, chi phí dự phòng tăng, sẽ ảnh hưởng đến chênh lệch thu chi của các TCTD…
Về những tranh cãi xung quanh Thông tư 01 này, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang xin ý kiến của các Bộ ngành để sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng hơn, kéo dài thời gian giãn nợ hơn, vì chúng ta cũng không thể biết trước dịch bệnh diễn biến thế nào. Trong đó, có một điều kiện rất quan trọng, là cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng. Theo đó, khách hàng mới có thể tiếp tục vay vốn từ TCTD. Thứ hai, NHNN cũng cho phép ngân hàng vì giữ nguyên nhóm nợ nên chưa phải trích lập dự phòng rủi ro ngay lập tức, nhưng có lộ trình trích lập. Việc này chưa có được sự đồng thuận cao từ Bộ Tài chính. Hai bên cần tiếp tục bàn thảo với nhau để đi đến phương án thống nhất là có lộ trình cho phép hệ thống ngân hàng chưa trích lập đầy đủ ngay lập tức nhưng có lộ trình để trích lập, căn cứ vào thực chất của khoản nợ đó, cũng như năng lực tài chính của TCTD, tránh tạo ra cú sốc đến phía ngân hàng, qua đó, làm tác động tiêu cực đến khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế đang phục hồi nhanh và hiệu quả.
Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 05/12/2020, cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.
Ý kiến về thông tư này, TS. Cấn Văn Lực có một điều băn khoăn, với yêu cầu trong Thông tư e rằng sẽ khiến một số khách hàng không thanh toán phi tiền mặt mà chuyển sang thanh toán bằng tiền mặt. Có thể hình dung những người trước giờ đã thanh toán điện tử công khai minh bạch cũng như những người không có nợ thuế, thì chẳng có lý do gì quay lại thanh toán tiền mặt.
“Thật ra hiện nay những người nợ thuế, trốn thuế thì Tổng Cục thuế cũng đã có danh sách trong những năm vừa qua. Do đó, thêm công cụ nữa phối hợp với ngân hàng để xem dòng tiền của khách hàng. Nghị định này cũng muốn tận dụng để thu được thuế của những cá nhân nước ngoài khi phát sinh giao dịch với Việt Nam”, TS. Lực chia sẻ thêm.
Còn với người dân Việt Nam hiện nay thì phần nào đó chắc chắn có ảnh hưởng, nhưng phải tính đến lợi ích toàn cục của nền kinh tế. Cho nên 2 bên Cục thuế và ngân hàng phải ngồi lại với nhau để tránh tạo ra hàng rào hành chính quá phức tạp và tốn kém.
Số lượng người bán hàng qua mạng chuyển sang thanh toán bằng tiền mặt, điều này cũng không hẳn ảnh hưởng, vì nhiều khách hàng vẫn muốn trả tiền mặt. Số lượng muốn quay lại thanh toán tiền mặt cũng không nhiều, do họ đã quen trả tiền chuyển khoản.
Đón đọc (Kỳ 2): Những quy định mới có hiệu lực trong năm 2020.
Cát Lam
FILI
|