Thứ Tư, 06/01/2021 10:00

10 sự kiện ngân hàng nổi bật năm 2020

Năm 2020 là một năm đáng nhớ khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng. Chắc chắn đại dịch gây ảnh hưởng tiêu cực là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm tốt vai trò của mình trong việc điều hành và hỗ trợ nền kinh tế chịu thiệt hại do Covid-19.

Ngày 12/11/2020, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/03/1968, quê quán tại Hà Nội. Bà có trình độ thạc sĩ kinh tế phát triển.

Được biết, bà Nguyễn Thị Hồng có gần 30 năm công tác trong ngành ngân hàng. Vào tháng 1/1991, bà bắt đầu làm việc tại Vụ Quản lý Ngoại hối.

Ngày 16/08/2014, bà Hồng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó Thống đốc NHNN. Sau 5 năm tròn giữ chức vụ Phó Thống đốc NHNN, ngày 16/08/2019, bà đã được Thủ tướng tái bổ nhiệm chức vụ này trước khi được bổ nhiệm chức vụ Thống đốc NHNN vào ngày 12/11/2020.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ngày 13/03/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

NHNN cho phép TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư. Đồng thời, thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD nhưng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

Tuy nhiên sau đó vào cuối tháng 5, NHNN đã ban hành Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 kéo dài thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi vay đến ngày 31/12/2020.

Số liệu cập nhật đến ngày 09/11/2020 cho biết các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272,183 khách hàng với dư nợ 341,855 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 552,725 khách hàng với dư nợ 931,018 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/01 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng cho 356,385 khách hàng.

Tính chung từ đầu năm, NHNN đã có 3 đợt hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

Lần gần đây nhất là vào ngày 1/10/2020, NHNN đã quyết định hạ các mức lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4.5%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3%/năm xuống 2.5%; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm từ 5.5%/năm xuống 5%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3.0%/năm xuống 2.5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4.25%/năm xuống 4%.

Ngoài ra, NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND để đáp ứng nhu cầu vốn ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 5%/năm xuống 4.5%/năm.

Động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN đã tạo nên làn sóng giảm lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 2.45-4%/năm, 4-6%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, 4.5-7%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Ngày 23/11/2020, Sở Giao dịch NHNN đã hạ giá mua vào USD 50 đồng, từ mức 23,175 đồng còn 23,125 VND/USD. Trước đó, mứa giá mua vào 23,175 VND/USD là kết quả của lần điều chỉnh giảm 25 đồng vào ngày 29/11/2019 và đã được áp dụng trong gần 1 năm qua.

Động thái này của NHNN diễn ra trong bối cảnh thặng dư thương mại tháng 10 được Tổng Cục hải quan công bố ở mức 2.94 tỷ USD, mức này cao hơn ước tính 2.2 tỷ USD của Tổng Cục Thống kê đưa ra trước đó, nâng tổng thặng dư thương mại 10 tháng lên mức gần 20 tỷ USD.

Thêm nữa, trong nhiều tháng trước đó, tỷ giá mua vào của NHNN đã duy trì cao hơn tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại từ 100-200 VND/USD. Do đó, đa số các ngân hàng dồi dào ngoại tệ đều sẽ bán cho NHNN để thu chênh lệch.

Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2020.

Cụ thể, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây: Từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/09/2021 là 40%; từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/09/2022 là 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết 30/09/2023 là 34%; từ ngày 1/10/2023 là 30%.

Như vậy, NHNN đã lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm.

Trước đó, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, NHNN xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn. Do vậy, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn từ mức 40% về 37% kể từ ngày 01/10/2020 theo lộ trình tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn.

Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Khoản 2 Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.

Tại Báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam cùng với Thuỵ Sỹ bị Bộ Tài Chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.

Về vấn đề này, NHNN khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Mỹ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Ngày 04/12/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư có bổ sung Điều 14a quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC).    

Cụ thể, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán bàng phương thức điện tử phù hợp với quy định tại Điều này, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có).

Về hạn mức giao dịch, Thông tư quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.

Tuy nhiên, các ngân hàng được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử cao hơn hạn mức quy định trên đối với các trường hợp được quy định cụ thể bởi NHNN.

Việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không giúp các ngân hàng giải quyết được nợ ngay, mà đó chỉ đơn thuần là nơi “gửi đỡ” các khoản nợ xấu để có thời gian xử lý bằng cách trích lập dự phòng với tỷ lệ 20%/năm. Hay nói cách khác, bán nợ xấu sang cho VAMC, là cách giúp ngân hàng kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức quy định cho phép.

Theo lộ trình đến hết năm 2019, các ngân hàng phải tất toán khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng có khả năng để nhanh chóng tất toán hết trái phiếu VAMC kịp lúc, nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn sau khi thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập.

Do đó, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC ban hành vào năm 2016, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa lên đến 10 năm.

Và quy định mới này chỉ áp dụng cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt hoặc TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính. Vì thế, không phải ngân hàng nào muốn gia hạn cũng được.

Trong kế hoạch kinh doanh 2020, nhiều ngân hàng đề ra mục tiêu phải tất toán được nợ tại VAMC làm trọng tâm của năm. Tính đến 30/12/2020, các ngân hàng công bố đã sạch nợ xấu tại VAMC trong năm 2020 gồm VietinBank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapitalBank, VietBank.

Trước đó, các ngân hàng đã sạch nợ xấu tại VAMC gồm: Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, VPBank, KienLongBank.

Theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt từ cuối tháng 02/2019, nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các NHTM cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 cả nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, do đó chỉ trong 3 tháng cuối năm, các ngân hàng đua nhau lên sàn, trước khi thời hạn đã cận kề.

BVB (09/07) là ngân hàng đầu tiên giao dịch trên UPCoM trong năm 2020, sau đó là SGB (15/10) và NAB (09/10). Thế nhưng chỉ 2 tháng sau khi giao dịch trên UCoM, NAB đã nộp hồ sơ niêm yết lên sàn HOSE.

Tháng 11/2020, LPB (09/11/2020) và VIB (10/11/2020) cũng chính thức góp mặt trên sàn HOSE. Hồi cuối tháng 11, SeABank cũng đã chốt danh sách cổ đông và nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE. Ở một diễn biến khác, ngày 30/12, HNX đã chấp thuận hồ sơ niêm yết của BAB và ngày 31/12 HOSE cũng đã chấp thuận niêm yết cho hơn 1.2 tỷ cp SSB của SeABank.

Bên cạnh đó, ACB hoàn tất chuyển sàn và chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE vào ngày 09/12. Những cú chạy nước rút cuối cùng ghi nhận MSB chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 23/12, PGBABB được đưa vào giao dịch trên UPCoM lần lượt vào ngày 24/12 và 28/12. Ngày 29/12, HOSE cũng đã chấp thuận niêm yết cho gần 1.1 tỷ cp của OCB.

Như vậy, hiện đã có 24 mã ngân hàng trên sàn chứng khoán (HOSE: 14, HNX: 2, UPCoM: 8). Hiện vẫn còn một số nhà băng chưa có động thái về việc lên sàn như SCB, Viet A Bank, PVComBank, Bao Viet Bank,…

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   MSB thông báo ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền mua cổ phiếu quỹ với giá 11,500 đồng/cp (30/12/2020)

>   VSD nhận lưu ký cho gần 1.1 tỷ cp OCB  (29/12/2020)

>   Thống đốc NHNN: Năm 2021 ngân hàng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để giảm lãi vay (29/12/2020)

>   2021 - Lãi suất khó tăng (29/12/2020)

>   Sacombank triển khai xác thực 3D-Secure cho thẻ quốc tế JCB  (29/12/2020)

>   Tỷ giá một năm nhìn lại (29/12/2020)

>   Lướt thẻ online, săn deal cùng thẻ thanh toán Sacombank Mastercard  (28/12/2020)

>   Giá cổ phiếu ABBank giảm 9% ngày đầu giao dịch trên UPCoM  (28/12/2020)

>   MSB chuyển nhượng vốn góp tại MSB AMC (28/12/2020)

>   Hầu hết AMC của các ngân hàng chưa thực sự vận hành (27/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật