Thứ Tư, 30/12/2020 09:39

VNDirect: Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ” là chưa thực sự khách quan

VNDirect cho rằng, việc Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ” là chưa thực sự khách quan và chưa xét tới các yếu tố đặc thù của kinh tế Việt Nam cũng như mối quan hệ thương mại có tính chất bổ sung lẫn nhau giữa hai nước.

Đây là nhận định của khối Phân tích, CTCK VNDirect trong báo cáo góc nhìn, đánh giá tác động của việc Mỹ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ”.

Trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ được công bố vào ngày 16/12/2020 theo đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988 (“Đạo luật 1988”), có tiêu đề “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, phía Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam và Thụy Sĩ là những nước “thao túng tiền tệ”. Liên quan đến báo cáo này, Việt Nam đã vi phạm cả ba tiêu chí theo Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 (“Đạo luật 2015”), bao gồm (1) thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 58 tỷ đô la Mỹ trong 4 quý tính tới tháng 6 năm 2020 (so với 47 tỷ đô la Mỹ được công bố trong báo cáo trước); (2) thặng dư tài khoản vãng lai trong kỳ tăng lên mức 4.6% GDP (so với 1.7% trong giai đoạn trước) và (3) mua ròng ngoại hối trong 4 quý tính đến tháng 6 năm 2020 là 16.8 tỷ đô la Mỹ, tương đương 5.1% GDP (so với 0.8% GDP trong giai đoạn trước đó).

Phản bác lại những cáo buộc trên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, VNDirect dẫn ra 4 nội dung:

Thứ nhất, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 4 quý tính đến tháng 6 năm 2020 là 58 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 4 trong số các nước thặng dư thương mại lớn nhất so với Mỹ.

Tuy nhiên, thặng dư thương mại chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp FDI. Phần giá trị thặng dư mà Việt Nam nhận  được nhờ gia công các mặt hàng xuất khẩu chính vào Hoa Kỳ như may mặc, giày dép, điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử tương đối thấp.

Do đó, Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ phần thặng dư thương mại lớn với Mỹ mà thực tế công ty mẹ và những doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào chiếm phần lớn thặng dư, bao gồm cả các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ cũng hưởng lợi nhờ được sử dụng các sản phẩm xuất khẩu giá rẻ của Việt Nam.

Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai trong kỳ đạt 4.6% GDP. Tuy nhiên, thặng dư cán cân vãng lai có sự đóng góp rất lớn từ lượng kiều hồi gửi về Việt Nam.

Theo World Bank, lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm tới 6.4% GDP.

Theo quan sát của VNDirect, kiều hối gửi về Việt Nam với mục đích chính là trợ giúp gia đình, người thân và có xu hướng tăng trưởng ổn định qua các năm do đó ít chịu tác động bởi những biến động nhỏ của tỷ giá.

Thứ ba, VNDirect cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ròng ngoại tệ là nhu cầu thực tế trong bối cảnh lượng kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều đặn đổ vào Việt Nam với số lượng khá lớn (gần 40 tỷ USD mỗi năm).

Pháp luật Việt Nam hiện tại không cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Do vậy, nhà đầu tư khi chuyển tiền vào Việt Nam kinh doanh thì phải đổi sang tiền đồng để giải ngân. Tiền thu từ hoạt động xuất khẩu cũng như kiều hối khi chuyển về Việt Nam cũng phải đổi sang tiền đồng để sử dụng.

Trong bối cảnh đó, NHNN Việt Nam với tư cách là người mua cuối cùng trên thị trường, cần thiết phải thực hiện mua vào ngoại tệ để đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân cũng như ổn định thị trường tài chính-tiền tệ-ngoại hối.

Bên cạnh đó, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới ở mức 4.3 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức bình quân của các nước có cùng trình độ phát triển với Việt Nam (nhóm nước có thu nhập trung bình thấp) là 7 tháng nhập khẩu, cũng như thấp hơn so với khuyến cáo và thông lệ chung trên thế giới (khoảng trên 5 tháng nhập khẩu). Do đó, việc gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới vẫn là công việc cần thiết của NHNN nhằm củng cố an ninh tài chính quốc gia.

Thứ tư, theo lý thuyết ngang giá sức mua, biến động tỷ giá hối đoái phản ánh mức chênh lệch về lạm phát giữa các nước có quan hệ thương mại với nhau. Trong những năm gần đây, lạm phát của Việt Nam bình quân khoảng 3.1%/năm trong khi lạm phát của Mỹ khoảng 1.5%/năm. Do đó, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND khoảng 1.5%/năm trong những năm gần đây là hoàn toàn có cơ sở.

Trong kịch bản cơ sở, VNDirect cho rằng Việt Nam và Mỹ sẽ tìm được tiếng nói chung cho vấn đề này và Mỹ sẽ không áp thuế “trừng phạt” lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   Phải 'lăn' vào việc từ ngày đầu năm mới (30/12/2020)

>   Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2021 (29/12/2020)

>   PMI tháng 12 đạt 51.7 điểm, lĩnh vực sản xuất cải thiện nhẹ (04/01/2021)

>   Truyền thông quốc tế đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam (29/12/2020)

>   Nikkei: Kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021 (29/12/2020)

>   Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 6.5%. (28/12/2020)

>   Toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam trong năm đại dịch 2020 (03/01/2021)

>   Thủ tướng: Chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1,200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm (28/12/2020)

>   Không có lý do gì để Việt Nam phải “phù phép" đồng tiền (28/12/2020)

>   Xuất siêu năm 2020 cao kỷ lục 19.1 tỷ USD (27/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật