Thương mại Mỹ-Trung vẫn sẽ căng thẳng dưới thời Joe Biden?
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể trở nên dễ đoán hơn và yên bình hơn sau chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều này có nghĩa phát ngôn của Mỹ sẽ điềm tĩnh hơn nhưng vẫn cứng rắn đối với Trung Quốc.
Sau nhiều năm phàn nàn về những thông lệ kinh doanh không công bằng của Trung Quốc, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đẩy mạnh gây áp lực lên Bắc Kinh bằng các biện pháp chính sách – vốn đột ngột xuất hiện trên các bài đăng trên mạng xã hội Twitter. Cho tới nay, chính quyền Trump đã áp hàng rào thuế quan lên hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và áp lệnh trừng phạt lên gã khổng lồ công nghệ Huawei. Ngoài ra, Mỹ còn thêm nhiều công ty vào danh sách đen về thương mại.
“Vấn đề đang diễn ra trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ không thay đổi dù có đổi thay chính quyền”, Greg Gilligan, Chủ tịch của Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh, cho hay.
* Động thái đầu tiên của ông Joe Biden sau cuộc bầu cử là gì?
* Chính sách Mỹ dưới thời Joe Biden sẽ ra sao?
Joe Biden
|
“Vẫn có áp lực đè nặng lên cả hai bên và khiến họ phải duy trì quan điểm ‘diều hâu’ vì những chính khách nội địa không cho phép nhượng bộ”, Gilligan cho biết.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong tháng 1/2020, từ đó dẫn tới giai đoạn xuống thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành lời hứa mua hàng hóa Mỹ, trong khi đợt đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 2 vẫn chưa bắt đầu.
Ngoài ra, cũng không rõ chính quyền Biden sẽ xử lý hàng rào thuế quan như thế nào. Hàng rào thuế quan là yếu tố gây tổn thương đến các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia, vì phía Trung Quốc cũng tung ra hàng rào thuế quan đáp trả.
“Hai bên cần giữ khô đạn dược”, Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), cho hay.
“Giai đoạn chuyển giao quyền lực sẽ kéo dài và đại dịch vẫn chưa được kiểm soát”, ông nói. “Có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến giai đoạn đình chiến về thương mại, nhưng vẫn còn quá sớm để biết được hàng rào thuế quan và lệnh trừng phạt Huawei và các công ty khác có được gỡ bỏ hay không”.
Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn
Các chuyên viên phân tích chỉ ra chính quyền Biden vẫn có khả năng phối hợp với các đồng minh Mỹ hiệu quả hơn Trump và từ đó hình thành liên minh gây áp lực lên Trung Quốc. Một trong số ít vấn đề được sự đồng tình của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ là một chính sách cứng rắn hơn cho Trung Quốc.
Trong bài phát biểu chiến thắng, ông Biden cho biết sẽ tập trung vào kiểm soát đại dịch Covid-19. Ông không đề cập tới Trung Quốc.
Theo kế hoạch chính sách đối ngoại của Biden, ông sẽ tiếp tục giữ nguyên tắc “an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia”.
“Nước Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc”, ông Biden viết trong một bài báo “Tại sao Mỹ phải dẫn dắt một lần nữa: Cứu rỗi chính sách đối ngoại của Mỹ sau thời Trump”.
“Nếu Trung Quốc tiếp tục theo cách của họ, họ sẽ tiếp tục lấy cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Họ cũng sẽ trợ cấp để các doanh nghiệp Nhà nước có lợi thế không công bằng – và thúc đẩy sự đi đầu về công nghệ và công nghiệp trong tương lai”, ông cho biết trong một bài báo.
Ông Biden nói thêm: “Cách hiệu quả nhất để giải quyết thách thức là xây dựng một mặt trận thống nhất các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, ngay cả khi chúng tôi cố gắng hợp tác với Bắc Kinh về nhiều vấn đề mà chúng tôi quan tâm, như biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu”.
Mở ra cơ hội hợp tác
Hai bên bờ Thái Bình Dương ngày càng hy vọng: Việc Mỹ áp dụng chính sách đối ngoại sẽ mang lại thêm cơ hội để hợp tác về kinh doanh.
“Lập trường của ông Biden có lý hơn”, Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Ông Biden, ông Obama hiểu rõ những điều cơ bản của việc tổ chức đàm thoại”.
Ông Xu nhấn mạnh đến “một điểm kết thúc của kỷ nguyên vô lý dưới thời ông Trump” và việc sử dụng hàng rào thuế quan, biện pháp trừng phạt và các chiến thuật khác trong cách giải quyết vấn đề hành vi thương mại không công bằng. Thay vào đó, ông Xu cho biết Trung Quốc có thể giúp nước Mỹ phát triển cơ sở hạ tầng và hợp tác về thương mại quốc tế. Ông khẳng định Bắc Kinh đã và đang cố gắng giải quyết các vấn đề như tái cấu trúc công ty Nhà nướ - vốn là điều mà Mỹ đang hối thúc trong các cuộc đàm phán thương mại.
‘Mong manh nhưng ổn định hơn’
Trong lúc nhà lãnh đạo của các quốc gia từ Đức cho tới các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) nhanh chóng chúc mừng ông Biden, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa làm vậy. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi cho ông Trump một ngày sau khi ông đắc cử trong năm 2016, theo giới truyền thông Nhà nước.
Cho tới nay, ông Trump từ chối chấp nhận thất bại. Chiến dịch của ông đã khởi kiện ở một vài bang then chốt trong một nỗ lực lật ngược ván cờ bầu cử.
Tuần trước, trong lúc kết quả bầu cử còn chưa xác định, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng cho biết ông hy vọng chính quyền kế tiếp sẽ thỏa hiệp với Trung Quốc.
“Bắc Kinh sẽ hoan nghênh thực tế rằng hệ thống chính trị Mỹ đang chia rẽ sâu sắc, bao gồm việc Đảng Cộng hòa có lẽ sẽ giữ lại Thượng viện”, Michael Hirson, người phụ trách khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á tại công ty Eurasia Group, nhận định.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|