'Phát ngôn của Jack Ma thổi bay 35 tỷ USD nhưng chúng không sai'
Tỷ phú Jack Ma từng lưỡng lự không biết có nên thẳng thắn bình luận về hệ thống ngân hàng của Trung Quốc hay không. Sau khi thương vụ 35 tỷ USD bị thổi bay, có lẽ ông đang hối hận.
Tỷ phú Jack Ma là một người bận rộn.
Mới đây, người đàn ông giàu nhất Trung Quốc còn bận rộn với việc khởi động đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới. Ông Ma cũng đang chuẩn bị cho sự kiện mua sắm hoành tráng 11/11 kéo dài bốn ngày của Alibaba.
Nhưng cách đây hai tuần, tại một sự kiện tài chính ở Thượng Hải, nhà sáng lập Alibaba đã tự ném mình vào "tâm bão" bằng những bình luận về hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.
Tỷ phú Ma tự đưa mình và Ant vào "mắt bão" vì phát ngôn thẳng thắn về hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Ảnh: Reuters
|
Tự đặt mình vào "tâm bão"
Trong bài phát biểu, ông Ma không những gọi Hiệp ước Basel của hệ thống ngân hàng toàn cầu là "câu lạc bộ của những người già", mà còn thẳng thắn bình luận về hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Ông cho rằng không phải "rủi ro hệ thống", việc "thiếu một hệ sinh thái tài chính" mới là vấn đề của đất nước tỷ dân.
Tỷ phú Jack Ma mô tả ngân hàng Trung Quốc chẳng khác gì "tiệm cầm đồ". Bởi các nhà băng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao nhằm đánh giá rủi ro tín dụng. Điều đó dẫn đến một số ngân hàng "quá lớn để sụp đổ".
"Nhiều người Trung Quốc thường nói, nếu bạn vay 100.000 NDT từ ngân hàng, bạn có thể hơi sợ hãi. Nếu bạn vay 1 triệu NDT, cả bạn và ngân hàng đều hơi lo lắng. Nhưng nếu bạn vay 1 tỷ NDT, bạn chẳng hề gì, ngân hàng mới là người sốt vó", ông Jack Ma nói.
Hậu quả của bài phát biểu đã đến trong tuần qua. Hôm 2/11, các cơ quan giám sát tài chính hàng đầu Bắc Kinh cho triệu tập ông Ma. Bắc Kinh cũng ban hành dự thảo về hoạt động tín dụng vi mô (micro-lending), quy định về vốn và quy tắc hoạt động chặt chẽ hơn đối với một số doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng của Ant.
Trên thực tế, ông Jack Ma không phải người đầu tiên mô tả các ngân hàng Trung Quốc giống "tiệm cầm đồ". Ảnh: Reuters
|
Nhưng cú sốc lớn đến vào ngày 3/11. Hôm đó, sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ IPO của Ant Group với lý do "những thay đổi về quy định". Thông báo được đưa ra chỉ vỏn vẹn hai ngày trước hôm dự kiến diễn ra thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD.
Những nhận xét thẳng thắn của ông Ma khá nhạy cảm. Nhưng Bloomberg nhận định chúng không sai. Các ngân hàng Trung Quốc không muốn cho những doanh nghiệp nhỏ vay. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Bắc Kinh phải sử dụng định nghĩa mới - "tài chính bao trùm" - để "tô hồng" các khoản vay.
Tình trạng này khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó trong việc đầu tư vào tương lai. Ở quý III/2020, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục, 86% trong số 300 doanh nghiệp nhỏ có lãi trở lại (theo khảo sát của CLSA), hầu hết vẫn chưa có ý định đầu tư thêm cho tương lai.
Trên thực tế, cụm từ "tiệm cầm đồ" cũng không do ông Ma phát minh ra. Một số quan chức tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã từng sử dụng những từ ngữ tương tự. Nhưng vì sao bài phát biểu của nhà sáng lập Alibaba lại chịu hậu quả khủng khiếp đến vậy?
Sai lầm lớn
"Có lẽ do Ant siêu lợi nhuận và bị trở thành mục tiêu?", Bloomberg bình luận. Ant huy động tối thiểu 34,5 tỷ USD trong đợt IPO thu hút hơn 3.000 tỷ USD từ nhà đầu tư lẻ. Trong khi đó, các ngân hàng địa phương vẫn chật vật, thậm chí phải tái cơ cấu vì thiếu vốn dự trữ.
Trong ngành kinh doanh tín dụng đang phát triển nhanh, Ant đơn giản là bên kết nối người cần vốn và người thừa vốn. Trong khi đó, các ngân hàng phải đề phòng nhiều rủi ro trong trường hợp khoản vay không được hoàn trả. Những ngân hàng thương mại trong thành phố thường phàn nàn rằng các công ty tài chính kiếm tiền dễ hơn những tổ chức như ngân hàng.
Các khoản vay nhỏ của Ant được người dùng ưa chuộng. Nhưng trong tương lai, để xoa dịu ngân hàng, Bắc Kinh có thể muốn san bằng sân chơi pháp lý. Chẳng hạn, Ant không được hoạt động đơn thuần như một bên trung gian, bị yêu cầu tài trợ 30% cho các khoản vay thay vì 2% như hiện tại.
Những yêu cầu trên có lẽ không phải là vấn đề nếu đợt IPO của Ant mang lại hàng tỷ USD tiền vốn cho các khoản vay. Tuy nhiên, tập đoàn của tỷ phú Ma đã để tuột mất số tiền này.
Thông báo của sàn giao dịch Thượng Hải viện dẫn "môi trường pháp lý thay đổi" khiến Ant không còn đủ điều kiện niêm yết. Nhưng trên thực tế, không có bất cứ thay đổi nào.
Đối phó với các công ty tài chính như Ant, chính quyền Bắc Kinh muốn xoa dịu ngân hàng. Ảnh: Reuters
|
Kể từ năm 2017, các cơ quan giám sát của Bắc Kinh đã tranh luận về mô hình và điều khoản của những tổ chức tín dụng vi mô trực tuyến. Dự thảo mới này chỉ tiếp nối những cuộc tranh luận trên.
Mở đầu bài phát biểu hồi cuối tháng 10, tỷ phú Ma đã thừa nhận ông đắn đo không biết nên tham dự diễn đàn và lên tiếng hay không. Giờ, chắc chắn ông đang hối hận.
"Nhưng vấn đề là nếu Trung Quốc thực sự nghiêm túc với việc đổi mới tài chính, hãy để người đàn ông tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh và đã kiếm được hàng tỷ USD chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình", nhà báo Shuli Ren của Bloomberg bình luận.
"Nếu ông Ma nói rằng rủi ro hệ thống không phải 'gót chân Achilles' của Trung Quốc, hãy lắng nghe. Ông ấy biết vấn đề thực sự nằm ở đâu và có thể góp phần đưa ra giải pháp", cây bút của Bloomberg nói thêm.
Thảo Cao
Zingnews
|