Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group): "Với tôi, chỉ có làm tốt hay không tốt"
Có quá nhiều vấn đề cần trao đổi và phỏng vấn Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công. Thế nhưng, vị Chủ tịch chỉ tập trung vào những vấn đề thời sự của kinh tế Việt Nam và cách quản trị doanh nghiệp, vì theo ông chỉ có thay đổi thì TTC và các doanh nghiệp mới có thể vực dậy trong điều kiện bình thường mới như hiện nay.
Trước khi nói đến khó khăn và những việc phải làm, phải thay đổi, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, làm doanh nhân là một sứ mệnh nên cuộc đời doanh nhân phải chịu rất nhiều thăng trầm, phải đối diện với khó khăn thách thức và ngay từ khi bắt đầu đã phải làm tốt.
* 41 năm gắn với kinh doanh, trải qua nhiều biến động của nền kinh tế và thời cuộc, giai đoạn nào theo ông là khó khăn nhất?
- 41 năm làm kinh doanh, từ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, có thể nói, cứ chu kỳ trên dưới một thập niên đều có quy luật đào thải. Đơn cử, năm 1997 là khủng hoảng tài chính khu vực châu Á, Thái Lan, Hàn Quốc... khó khăn vô cùng nhưng ảnh hưởng không lớn do Việt Nam chỉ mới bắt đầu hội nhập. Đến năm 2008 thì xảy ra khủng hoảng tiền tệ tài chính toàn cầu, lúc này tôi đang giữ chức Chủ tịch Sacombank và Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên độ ảnh hưởng của nó không nhỏ, nhưng được sự quan tâm của Chính phủ nên đã vượt qua.
Và bây giờ là cuộc khủng hoảng 2020, có thể nói rất nặng nề với độ thấm dày và độ dài cũng hơn, từ hình chữ U rồi chữ V, thấm sâu xuống cả những người lao động phổ thông, cho đến tài chính, kinh tế và tất cả ngành nghề, lĩnh vực.
Nói như vậy để thấy khi nền kinh tế bị khủng hoảng thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự đóng góp của doanh nhân do doanh nghiệp của họ cũng bị ảnh hưởng theo các cung bậc lên xuống của hình chữ sin.
Vậy vấn đề giải quyết các khó khăn đó là gì? Là quản trị doanh nghiệp, kiểm soát, điều hành. Quản trị thì phải chuẩn mực, kiểm soát thì phải trách nhiệm, điều hành phải chuyên nghiệp. Càng khó khăn, người lãnh đạo càng phải tỉnh để đưa ra những hoạch định, chiến lược và điều hành thực hiện chiến lược đó, có thể 5-10 năm, qua những năm kế hoạch cụ thể và cuối cùng là kiểm soát, giám sát.
Theo tôi, những biến động của đại dịch vừa rồi khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng là đương nhiên, nhưng suy kiệt thì khó đối với những doanh nghiệp có quản trị tốt.
* Như vậy, có thể xem đại dịch vừa qua cũng là một quy luật đào thải?
- Nhìn lại chu kỳ của các đợt khủng hoảng đều thấy có sự tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào thế phải chiến đấu để tồn tại và trong tình huống đó, doanh nghiệp nào kinh doanh theo kiểu ăn xổi ở thì, không trách nhiệm với thị trường, với nhà đầu tư, nhân viên, với bản thân mình thì khó tồn tại trong kinh tế thị trường và phải bị đào thải. Kinh tế thị trường chào đón tất cả mọi người nhưng không nhún nhường bất cứ ai. Và những đợt như thế này là đợt đào thải nhanh nhất. Như vậy mới là thị trường. Đặc biệt, nếu quản trị không đúng nguyên tắc thì chưa xảy ra chu kỳ khủng hoảng đã mệt rồi. Vì thế, luôn phải trong tư thế làm tốt, chuẩn bị và sẵn sàng.
Trước nay, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, rất nhiều người hỏi tôi có chuẩn bị gì không, và câu trả lời là doanh nhân thì phải luôn sẵn sàng. Giống như câu chuyện của ATIGA - niên độ của đường, ai cũng lo lắng nhưng chúng tôi không lo lắng để tự ti mà chủ động, tự tin, tham gia xuất khẩu những mặt hàng đường mà không phải đường. Singapore nhỏ, không có quốc nội và hàng không rất tốt, mình không phải cường quốc đường nhưng mình vẫn sẵn sàng tham gia xuất khẩu đường. Bởi những mặt hàng cao cấp organic thì xuất qua châu Âu, đường lỏng thì xuất qua Trung Quốc, đường phèn, đường ăn kiêng... những sản phẩm đường mà không phải đường. Lần đầu tiên Việt Nam xuất kỷ lục gần 250.000 tấn. Năm 2020-2021 chúng tôi chuẩn bị xuất khẩu 350.000 tấn.
Trong khi trước đó, Việt Nam lên kế hoạch xuất khẩu 1 triệu tấn đường mà bây giờ chúng tôi xuất 350.000 tấn, chiếm 30% tổng sản lượng. Nói vậy để thấy rằng cũng có thách thức khó khăn, đào thải nhưng cũng có cơ hội.
* Và cơ hội mới của Việt Nam là...
- Nhiều lắm, ví dụ như việc thay đổi thị trường, cung - cầu chính là cơ hội. Trước đây, mình chỉ tập trung vào một quốc gia nào đó, đối tượng nào đó thì bây giờ đi tìm những quốc gia khác, có nguồn cung phong phú hơn, chọn lựa nhiều hơn. Thị trường mình bán cũng mở rộng hơn. Đây chính là cơ hội của sự xáo trộn và sắp xếp lại mà chúng ta cần nắm bắt.
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng thay đổi sinh hoạt tập quán, loại hình kinh doanh và công nghệ bắt đầu phát huy hơn nữa qua thương mại điện tử. Cho nên, cụm từ tôi thích nhất là "bình thường mới" và trong giai đoạn bình thường mới cơ hội cũng chỉ "ưu tiên" cho những người có nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp.
* Ông thường ví công ty giống như một con tàu, vậy con tàu đó phải làm thế nào để giữ được nhân viên, nhất là trong lúc khó khăn nhất?
- Doanh nghiệp như một con tàu phải thật tốt từ nội thất, thiết bị, máy móc, nó đi đến trạm và ai xuống thì xuống, ai lên thì lên. TTC cũng vậy, cũng có người vào, người ra. Nhưng làm sao nhân viên ra là do mình yêu cầu họ, vì không phù hợp và vì lý do gì đó chứ không phải do "nội thất" của mình kém nên họ phải xuống đi tàu khác. "Nội thất" đó là chế độ, chính sách không đạt để họ xuống chọn tàu khác. Và đợt dịch này đã chứng minh được tinh thần doanh nhân, đó là tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo và cầu thị. Chính phủ chỉ lo chính sách, bản thân doanh nghiệp phải tự nhận thức để thay đổi.
* Cụ thể TTC đã thay đổi và thể hiện sự sáng tạo, tiên phong như thế nào, thưa ông?
- Trước đây làm điện, hồi làm ngân hàng cũng vậy, ngân hàng của tôi là tiên phong bán lẻ nhưng bán lẻ của tôi không phải thuần túy tạo nền móng lợi nhuận ổn định đâu, mà có nhiều ý nghĩa lắm như chống cho vay nặng lãi. Bây giờ cũng vậy, những ngành tôi đầu tư như điện năng lượng mặt trời, tôi đã chuẩn bị trước 5-6 năm nay. Đó là vai trò tiên phong của TTC, tôi đã chuẩn bị kỹ, tôi đầu tư dàn trải chứ không tập trung để ảnh hưởng đến đường truyền. Đến giờ này, TTC đã chọn những danh mục đầu tư thân thiện với môi trường, đi vào xu thế, đầu tư hoàn toàn năng lượng sạch như điện sinh khối, thủy điện, điện mặt trời, điện gió.
* Còn về mía đường?
- Tôi cho rằng đó là trách nhiệm, sứ mệnh của người làm mía đường, tôi đầu tư từ gốc mía, tài trợ cho nông dân, quy hoạch vùng nguyên liệu, cơ giới hóa hay còn gọi là nông nghiệp công nghệ cao và dám khẳng định TTC đã đạt hết. Chúng tôi khép kín, thành lập trung tâm nghiên cứu chuẩn bị lên viện nghiên cứu về giống mía. Đến giờ này, TTC tự hào là có 4 giống mía cho Việt Nam, đưa ra những sản phẩm cao cấp như đường mà không phải là đường, quy hoạch vùng nguyên liệu gần 60.000 hecta, hiện còn hơn 50.000 hecta. Chúng tôi làm việc với một đối tác nước ngoài để đưa nông cụ vào phục vụ cho nông nghiệp nói chung, cho mía đường TTC nói riêng. Chúng tôi mua lại một nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai, chuẩn bị mua thêm một nhà máy đường của Campuchia do tập đoàn Ấn Độ đầu tư thất bại. Chúng tôi tạo ra kiềng ba chân của Đông Dương để có vùng nguyên liệu ổn định để cung cấp ngược về cho thị trường Việt Nam để giảm thiểu lệ thuộc.
Đây là một định hướng có tính toán, có chiến lược. Giờ này, đường túi - đường sạch Biên Hòa đã đến tận tay người tiêu dùng, tránh được tình trạng nhập lậu, đường bẩn, không đảm bảo về chất lượng... Chúng tôi đã đưa sản phẩm qua kênh phân phối đến tận tay người tiêu dùng, đây là trách nhiệm chứ không chỉ kiếm lời.
* Thị trường đường luôn lên xuống thất thường, làm thế nào để giảm rủi ro, thưa ông?
- Trước khi ATIGA có hiệu lực, thuế suất đường giảm nên cạnh tranh gay gắt hơn, đường nhập sẽ nhiều hơn. Nhưng do chuẩn bị kỹ nên hy vọng tới đây, tình trạng dư thừa giả tạo, khan hiếm giả tạo sẽ giảm đi vì TTC đã ký hợp đồng với tất cả doanh nghiệp lớn và có một nguyên tắc phải có lượng tồn kho bắt buộc để có lượng cung cấp ổn định, điều này góp phần cho sự bình ổn không bị nhảy múa lung tung. Còn nếu khan hiếm thật sự đường thế giới thì phải chịu hay khan hiếm do thiên tai thì phải chấp nhận, còn khan hiếm giả tạo thì khó xảy ra. Tất cả là sự chuẩn mực.
Nói về ngành mía đường thì TTC đã đưa ra sản phẩm phong phú để xuất khẩu, như đường lỏng, đường phèn, đường ăn kiêng, đặc biệt là đường organic và hiện nay một công ty của nước ngoài đã bao tiêu hết.
* Còn nhiều lĩnh vực kinh doanh của TTC cũng đang đối mặt với khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng ông vẫn luôn tự tin vì có tinh thần doanh nhân...
- Do ảnh hưởng dịch bệnh, ngành du lịch cũng đang khó khăn và ảnh hưởng nặng nề và cũng như nhiều doanh nghiệp du lịch đang được Nhà nước hỗ trợ, TTC cũng đang phục hồi dần. Chúng tôi đang muốn phát triển du lịch, nơi nào TTC chưa có, thành phố nào TTC chưa có thì chúng tôi sẽ có mặt, chúng tôi sẽ tranh thủ.
Riêng địa ốc, ngoài dự án dân dụng chúng tôi còn tham gia các dự án khu công nghiệp, chuẩn bị đón làn sóng mới sau dịch và chúng tôi đón những doanh nghiệp không có tiền cấu trúc lại và đang đổ về Việt Nam. Chúng tôi đang đầu tư cảng, kho bãi tại Phú Quốc để tham gia vấn đề an ninh lương thực cho Phú Quốc và cảng container đầu tiên của Phú Quốc đi vào hoạt động là do TTC đầu tư. Mặc dù còn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng và đó chính là tinh thần doanh nhân.
Mới đây, ban giám đốc Gem Center mời tôi tham gia sự kiện chiến lược phát triển 25 năm và đang chuẩn bị mở thêm cả chục điểm mới ra phía Bắc. Khi ngồi dưới nghe anh em trình bày, tôi thực sự xúc động và phát biểu với tình cảm xúc dâng trào. Đây chính là tinh thần doanh nhân, dám đặt vấn đề phát triển trong bối cảnh khó khăn này. Chỉ có doanh nhân mới có tinh thần đó, có trách nhiệm với đất nước, trách nhiệm với nhân viên, trách nhiệm với đời doanh nhân thì họ mới dám làm.
* Từ cảm xúc thật sự đó, ông đã chia sẻ điều gì để truyền thêm cảm hứng cho đồng nghiệp, anh em?
- Tôi khích lệ với anh em trẻ. Tôi nghĩ nếu Chính phủ nhìn thấy hình ảnh đó, những lời nói đó, chắc chắn cũng xúc động như tôi. Tôi đào tạo nhân viên trên tinh thần, từ anh bảo vệ, cô tạp vụ, đến quản lý cấp cao phải có lý tưởng sống, phải xem một ngày 24/7 của mình có giá trị. Mình không đến khi công ty đang cần mình, ngành nghề đang cần mình thì họ sẽ cảm thấy háo hức. Những chiến lược đặt ra 5 năm, cho họ thấy, họ tham gia và thấy tuổi thanh xuân của mình bị... quên luôn. Cho nên, tôi có câu slogan: "Ngày nhanh, năm chậm", vì tôi đang định hướng đến năm 2025 bất động sản công nghiệp của TTC đạt 100.000 hecta kho, hiện tại 30 hecta và nhân viên say sưa với hoài bão đó và mong muốn đó nên quên đi tuổi thanh xuân của họ. Cho nên, doanh nghiệp phải có định hướng chiến lược để khơi gợi lý tưởng. Vì sống thiếu lý tưởng giống như nấu nồi canh không nêm nếm sẽ nhạt nhẽo lắm, nhân viên làm việc giống như robot.
Vì thế, quan điểm của tôi cũng khác, cho dù 4.0 hay 5.0 thì con người vẫn rất quan trọng, máy móc chỉ là công cụ tiện ích, con người không thông thì không làm được gì. Tôi thường nói, rủi ro khẩu vị được vì mùa mưa dự phòng gì, mùa nắng dự phòng gì đều có khẩu vị dự phòng được, thậm chí rủi ro cũng kinh doanh được như bảo hiểm nhưng rủi ro của mọi rủi ro là con người. Con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng họ không phải sở hữu của chúng ta. Nói vậy, để thấy quản trị một con người rất quan trọng. Điều quan trọng nhất của người lãnh đạo là giữ người.
* Nói đến kinh doanh, nhiều người hay nói đến cạnh tranh, quan điểm của ông về cạnh tranh?
- Cạnh tranh là bình thường. Không cạnh tranh thì không bao giờ phát triển.Nền kinh tế không có cạnh tranh, không bao giờ phát triển. Một tổ chức không có thi đua thì không bao giờ tiến bộ.
* Với những kinh nghiệm đã từng, nếu gửi đến một lời khuyên cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, ông sẽ nhắn nhủ họ điều gì?
- Không có việc lớn hay việc nhỏ, chỉ có làm tốt hay không tốt. Nếu nghĩ mình còn nhỏ, còn non mà tự ti, khúm núm thì không thể làm. Khi tôi làm chủ Ngân hàng Sacombank, lúc đó chỉ có 3 tỷ đồng, đứng trước các ông khổng lồ Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp... nếu tôi sợ, tự tin, khúm núm thì làm sao lớn được. Chuyện người ta lớn thì lớn, vấn đề là mình nhỏ nhưng mình làm tốt. Đừng nghĩ nhỏ mà sợ. Hãy bắt đầu từ vị trí thấp nhất, công việc nhỏ nhất, cái gì cũng phải đi từng bước.
* Được xem là người thủ lĩnh biết... truyền lửa, ông làm điều đó như thế nào?
- Để làm lãnh đạo những người giỏi, những vị thủ lĩnh của mình không dễ và như vậy phải gương mẫu, phải truyền tải được điều mình muốn bằng phương pháp, hành động. Người ta nói 30% thính giác (tai nghe), 70% là thị giác (tận mắt thấy) và phải chứng minh được hành động của mình, phải hy sinh, gương mẫu để dẫn dắt. Điều hành bằng khối óc, dẫn dắt bằng con tim. Rất khó, phải trau chuốt, chịu đựng, phải thiệt thòi, chia sẻ, đồng cảm mới đánh thức được họ.
Mong muốn của tôi là nhân viên và cộng sự của tôi là phải có lý tưởng sống. Vì đó là của họ, gia đình họ. Có lý tưởng rồi họ sẽ thấy trách nhiệm rất lớn và cuộc sống có ý nghĩa. Cả ăn, ngủ cũng phải có ý nghĩa giữ gìn sức khỏe, công ty của họ, đất nước của họ thì họ sẽ thấy trách nhiệm ghê lắm.
* Một câu nói của ông được nhiều người thích, đó là làm doanh nhân cũng phải có cảm xúc, ông có thể diễn giải ý này?
- Làm gì cũng phải có cảm xúc, nhất là kinh doanh thì mới làm tốt được và làm được nhiều điều ý nghĩa. Có cảm xúc, đam mê mới có động lực và mới truyền được lửa cho nhân viên.
Thời tụi tôi có thuận lợi vì nhiều cơ hội, nhưng bây giờ điều kiện các bạn trẻ hơn thời của chúng tôi rất nhiều, nhưng họ thiếu kinh nghiệm, chính điều đó chạm vào trái tim tôi, khiến tôi dành nhiều thời gian để chia sẻ. Sức khỏe, hạnh phúc, kiến thức không ai cho mình được. Nên chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe và sự yêu thích của mình, hoặc tập thể dục thường xuyên và dành thời gian sáng sớm để đọc sách. Trước tôi chơi tennis, bây giờ chạy bộ ngày 5 tiếng, mặc áo mưa chạy, cảm giác mồ hôi chảy ròng ròng, đã lắm. Trên 50 tuổi rồi thì bạn nên uống sữa bổ sung canxi 2 giờ trước khi đi ngủ. Mỗi ngày tôi đứng lên ngồi xuống đúng 20 lần, khiến cho thân hình dẻo dai hơn...
* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này.
Lữ Ý Nhi
Doanh nhân Sài Gòn
|