Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ cơ quan nào gây khó khăn, chậm trễ giải ngân
Sáng 29/10, mở đầu Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng đặt vấn đề, “các địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”.
Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ cơ quan nào gây khó khăn, chậm trễ giải ngân - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo về tình hình bão lũ ở miền Trung, liên tiếp xảy ra các sự cố trong thời gian qua như tai nạn tàu thuyền trên biển, đến nay chưa tìm thấy gần 30 người. Tối qua, xảy ra vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, khiến hơn 50 người mất tích.
Về giải ngân, thời gian còn lại của năm 2020 chỉ có 2 tháng. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân ODA cũng có chuyển biến, nhưng tỉ lệ còn thấp.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị thảo luận “nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp như vậy”. Vấn đề thấy rõ nhất là giải phóng mặt bằng. Tại sao nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng được, có phải do chúng ta chưa quan tâm, chưa có cách làm đúng mức không? Thủ tướng nêu rõ, vấn đề mặt bằng này chủ yếu là ở cấp quận, huyện, tỉnh. “Các đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có cách làm tốt trong tìm mặt bằng tốt cho dự án ODA chưa?”.
Vấn đề nữa là vốn đối ứng. Thủ tướng nêu tình trạng, nhiều địa phương đi xin dự án ODA nhưng không bố trí vốn đối ứng cho dự án, “giải pháp nào cho vấn đề này”.
Việc giải quyết thủ tục giải ngân ở địa phương còn chậm trễ, “cơ quan nào gây khó khăn, phiền hà cho thủ tục ODA thì phải nói rõ”.
Thủ tướng cũng chỉ ra các nguyên nhân về phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án kém năng lực, lúng túng, không có kinh nghiệm trong tổ chức thi công. Việc chuẩn bị dự án còn sơ sài, đơn giản.
Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh thảo luận tình hình, nguyên nhân thì cần tập trung nêu rõ giải pháp, thẩm quyền của người nào, cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết, “không đá quả bóng” từ tỉnh lên Trung ương. Phải xắn tay vào cuộc, phải quyết chí trong lãnh đạo, phấn đấu đến cuối năm đạt được tỉ lệ giải ngân cao hơn nữa. “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”, Thủ tướng lưu ý. Hội nghị phải bàn thiết thực các nguyên nhân, giải pháp cho rõ ràng để có bước tiến mới trong nhận thức và hành động, không chỉ cho năm nay mà cả các năm tới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31/10/2020 đạt 18,089 tỷ đồng, bằng 30.15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21.26% trong 8 tháng lên 30.15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg của Thủ tướng thì mức giải ngân này đạt trên 35%.
Nhật Quang
FILI
|