Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù tăng trưởng GDP năm 2020 không đạt như kế hoạch từ trước, tăng trưởng bình quân 5 năm 2016–2020 cũng không đạt mục tiêu, nhưng nhìn trên bức tranh toàn cầu, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới và sự nỗ lực, sức chống chọi bền bỉ để có được con số tăng trưởng dương năm 2020 của Việt Nam chính là điểm sáng rõ nét nhất…
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế. Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” và trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và 15 chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có tốc độ tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người; tỉ trọng kinh tế số…
Tiến sĩ Võ Trí Thành
|
Để phân tích rõ hơn về các chỉ tiêu này và các giải pháp thực hiện, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Đánh giá kết quả phát triển kinh tế năm 2020, TS. Võ Trí Thành cho rằng năm 2020 là năm có tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, xét bối cảnh chung và so sánh với các nền kinh tế khác thì việc Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (2% đến 3%) lại là điểm đáng ca ngợi, nhất là về sự chống chịu, sức bền bỉ và cách thức ứng phó của những người “đứng mũi chịu sào”, của các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19.
TS. Võ Trí Thành chỉ ra 3 yếu tố để Việt Nam đạt kết quả như trên. Đầu tiên và quan trọng nhất, quyết định khả năng cầm cự, duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế Việt Nam là sự quyết liệt, bản lĩnh và sáng tạo của Chính phủ, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ đã có tác động khá toàn diện đến người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn lực để cầm cự, xoay xở dù tác động của chính sách chưa được như kỳ vọng ban đầu.
Yếu tố thứ hai phải kể đến là thành công trong công tác chống dịch. Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đã quay trở lại, người dân cũng quay về cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”.
Yếu tố cuối cùng là tính linh hoạt và khả năng ứng phó của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch, doanh nghiệp Việt đã dùng nhiều cách để vượt qua khó khăn như: Chuyển đổi sản phẩm, linh hoạt trong tiếp cận với khách hàng, linh hoạt trong cách kinh doanh, đặc biệt là sự “lên ngôi” của thương mại điện tử và kinh tế số.
“Một điều mà tôi thấy “rất Việt Nam”, đó là theo một số khảo sát, việc cắt giảm lao động để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua thấp hơn rất nhiều so với tốc độ giảm doanh thu, nhất là với lao động nữ. Đây chính là sự đồng cam cộng khổ, tương thân tương ái giữa những người đồng nghiệp, người dân Việt Nam với nhau”, TS. Võ Trí Thành nhận xét.
Lý giải thêm về khả năng chống chọi kiên cường của nền kinh tế Việt Nam, ông Thành cho rằng do Việt Nam có hệ thống ngân hàng lành mạnh, dự trữ ngoại hối tăng kể từ năm 2011 tạo ra nền tảng tốt khi gặp những “cú sốc” từ bên ngoài.
Thêm vào đó, ở Việt Nam, ngoài doanh nghiệp còn có hàng chục triệu lao động phi chính thức (hộ gia đình, lao động tự do) và khi những hỗ trợ đến từ Chính phủ còn hạn chế thì lực lượng này chính là “bệ đỡ” tốt, người dân vẫn bảo đảm được cuộc sống ở mức tối thiểu. Chưa kể đến thói quen giữ một “tài khoản tiết kiệm” của người Việt cũng phần nào giảm được áp lực khi “cơn bão” COVID-19 ập đến.
Một điểm nữa, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn thế giới và mạnh nhất là khu vực dịch vụ. Trong khi đó, khu vực dịch vụ của Việt Nam chiếm chưa đến 45% GDP, do đó chúng ta cũng chịu tác động ít hơn các nước.
Đề cập đến mục tiêu tăng GDP năm 2021 khoảng 6%, giai đoạn 2021-2025 là khoảng 6,5% đến 7%, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các chỉ tiêu này có tính hiện thực và khá gần với tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý rằng, trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, nhiều biến động khó lường thì “chỉ tiêu vẫn chỉ là chỉ tiêu” và để chúng ta phấn đấu trong điều hành vĩ mô. Quan trọng nhất là giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực cải cách từng bước đi, tăng cường khả năng chống chịu với rất nhiều “cú sốc” có thể xảy ra mà ta chưa lường được.
“Tăng trưởng không chỉ là những con số khô khan, mà tăng trưởng kinh tế phải đi cùng với các khái niệm khác như: bao trùm, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng… Những “cú sốc” vừa qua chính là bài học để chúng ta không nên chỉ theo những cách tính toán truyền thống”, TS. Võ Trí Thành nói. “Trong bối cảnh mọi thứ biến đổi rất nhanh, đầy sự bất định và rủi ro, cần tầm nhìn gắn với sự bền vững, sáng tạo, bao trùm lên con người là trung tâm… Điều chúng ta cần làm nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh của con người, của các doanh nghiệp Việt Nam”.
Tán thành quan điểm của Thủ tướng Chính phủ rằng chương trình cơ cấu lại nền kinh tế thời gian tới cần đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến tích cực hơn để phát triển kinh tế tư nhân và cơ cấu lại nông nghiệp vì đây là hai lĩnh vực tiềm năng tạo thêm động lực cho tăng trưởng, TS. Võ Trí Thành nhận định những năm vừa qua, chúng ta đã có sự chuyển biến nhận thức rất mạnh mẽ liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt khu vực tư nhân và nông nghiệp.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh “khu vực tư nhân chính là chúng ta, là đất nước, là con người Việt Nam với 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh”. Khu vực tư nhân đã xuất hiện những tập đoàn tư nhân lớn, gắn với những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi như sáng tạo, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thực hiện công trình phức tạp, khả năng làm chủ công nghệ và tạo dựng thương hiệu tốt hơn. Mô hình start-up tại Việt Nam được Chính phủ khuyến khích, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách so với kỳ vọng. Do đó, thời gian tới, chúng ta cần quan tâm hơn nữa để những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp start-up có thể phát triển.
Với nông nghiệp, thực tế vừa qua đã chứng minh, nông nghiệp có thể trở thành bệ đỡ tốt cho nền kinh tế chứ không như cách nghĩ truyền thống rằng nông nghiệp “khó” tạo đột phá cho tăng trưởng. Tuy nhiên, thời gian tới, cần tập trung vào khâu chế biến các sản phẩm nông nghiệp sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay, không chỉ đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng mà còn phải “sạch, xanh, an toàn” thì giá trị gia tăng sẽ cao hơn đáng kể so với hiện nay.
PGS. TS. Trần Đình Thiên
|
Thực hiện mục tiêu kép, lấy chống dịch làm tiền đề để giữ tăng trưởng, ưu tiên chống dịch trước là bài học quan trọng cần được đúc kết. Đây là ý kiến của PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia.
Nhận định rằng, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam có thể coi là đã thoát đáy, TS. Trần Đình Thiên khẳng định chúng ta có niềm tin vững chắc mức tăng trưởng GDP có thể đạt được từ 2,5% đến 3%, các chỉ số khác như xuất nhập khẩu, thu ngân sách… đều có thể đạt được kết quả lạc quan như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội ngày 20/10.
Có cùng quan điểm giống TS. Võ Trí Thành rằng trong năm 2020, chúng ta giữ GDP không bị tăng trưởng âm và dù tăng trưởng ít nhưng rõ ràng so với thế giới chắc chắn Việt Nam suy giảm ít hơn, TS. Trần Đình Thiên Điều cho rằng đây một phần là do nỗ lực, cách xử lý vấn đề rất tốt của Việt Nam trước bối cảnh dịch bệnh.
Thứ nhất, chúng ta có cách chống dịch quyết liệt, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương và trong toàn dân. Thứ hai, trước khi diễn ra dịch bệnh, chúng ta đã chuẩn bị nền tảng để tăng trưởng khá tốt. Giai đoạn 2016-2019 chúng ta đã giữ ổn định tăng trưởng, tạo niềm tin với doanh nghiệp. Ngoài đầu tư công, Việt Nam đã tập trung phát triển khối doanh nghiệp nên tạo ra một nền tảng khá bền vững và giúp giữ được ổn định nền kinh tế.
Đáng chú ý, việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá cao, đã thể hiện tinh thần cam kết hội nhập, cải cách trong nước. Đặc biệt giữa lúc khó khăn, Việt Nam vẫn ký được Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn.
“Điều này có ý nghĩa, tạo cho Việt Nam có một vị thế mới, khẳng định Việt Nam là một miền đất tốt cho các nhà đầu tư. Kết quả này khẳng định nỗ lực của cả một quá trình và tạo ra sức hấp dẫn quốc tế, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài; củng cố thêm thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó cho thấy những thay đổi mang tính nền tảng sẽ tạo ra những yếu tố căn bản bảo đảm sự tăng trưởng”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Ông Thiên chia sẻ thêm: Nếu không có nỗ lực kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng nhịp giữa đường lối của Đảng và điều hành của Chính phủ thì không thể có kết quả này. Có thể nói là tất cả những điều được định hình trong năm 2020 là Việt Nam đã đưa ra được chiến lược đầu tư nước ngoài và chiến lược kinh tế số, phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đường lối đó là đúng và chúng ta cần phải có hành động tương ứng, triển khai một cách quyết liệt hơn nữa.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
|
Phân tích kết quả phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng “cho dù vẫn còn có những mặt tồn tại, nhưng công tâm đánh giá, 5 năm qua là 5 năm thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam”.
“Thành công ở chỗ chúng ta đã khắc phục được tồn tại đã nêu ra trong văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 (tháng 1/2016). Chúng ta đã giảm bội chi ngân sách từ 4% xuống còn 3,3%; lạm phát khống chế dưới 4%; nợ công còn 64,8% xuống 53,4%. Xuất khẩu tăng 2 con số trong nhiều năm”, ông Kiên phân tích.
Ông Nguyễn Đức Kiên chia 5 năm qua làm 2 giai đoạn trong đó, 4 năm đầu (2016-2019), Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, ổn định, các chỉ tiêu cân đối lớn được cải thiện rõ rệt, từ bội chi ngân sách, nợ Cính phủ, nợ công đến dự trữ ngoại hối, lạm phát, tốc độ tăng trưởng.
Năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm, có nhiều đặc thù bất khả kháng, do sự xuất hiện của dịch COVID-19, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới nhưng Việt Nam vẫn là một trong 2 quốc gia của châu Á đạt tăng trưởng dương, đời sống người dân cơ bản vẫn được bảo đảm, không rơi vào khủng hoảng; đó là một sự thành công, làm tiền đề tốt để bước vào kế hoạch 2021-2025.
Đáng chú ý, trong năm 2020, nông nghiệp vẫn đạt kết quả khả quan, là bệ đỡ để giảm chấn cho cả nền kinh tế. “Thành công đó nói lên rằng chúng ta xác định đúng điểm yếu của nền kinh tế, triển khai các giải pháp chiến lược đồng bộ và phát huy hiệu quả sau 5 năm”, ông Nguyễn Đức Kiên nhận xét.
Đánh giá tổng thể, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, kết quả tăng trưởng khẳng định một điều là thực tiễn triển khai những nhiệm vụ kinh tế-xã hội mà Chính phủ đang tiến hành như: đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược là thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng… là hoàn toàn chính xác. Trong đó, , nhìn vào 3 đột phá chiến lược thì đột phá về thể chế là rõ nét nhất. Trong vòng 5 năm, Chính phủ đã trình Quốc hội 65 luật; 122 Nghị quyết của Quốc hội được thông qua; 170 Nghị định Chính phủ được ban hành. Đây là minh chứng cho nỗ lực trong đột phá chiến lược về thể thế song song với đột phá về nguồn nhân lực và kết cầu hạ tầng.