Với sự quyết tâm của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, một Chính phủ hành động quyết liệt như trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta hy vọng chắc chắn nền kinh tế sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2021-2025.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
|
Cấu trúc cơ bản của nền kinh tế thay đổi tích cực
Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp Quốc hội là một báo cáo toàn diện, tương đối sâu sắc, cụ thể; nêu rõ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời nhấn mạnh được kết quả phát triển kinh tế-xã hội của năm 2020, khi nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19.
Có thể thấy rằng, những kết quả thực hiện trong năm 2020 là rất tích cực bởi trước hết Việt Nam là quốc gia đã thành công trong việc phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng; từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng người dân. Nếu xét theo các chỉ tiêu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Đó là những thành công rất lớn của chúng ta.
Theo số liệu thống kê 9 tháng năm 2020, rõ ràng những chỉ tiêu về tăng trưởng, GDP cũng tương đối cao, lạm phát ổn định, nằm trong giới hạn dưới 4%. Các chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư xã hội vẫn tăng lên, chỉ số đầu tư tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao. Chúng ta thấy, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các quốc gia có quan hệ với Việt Nam đều thực hiện chính sách đóng cửa biên giới để phòng chống dịch, nhưng rõ ràng xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng qua vẫn tương đối tốt, tăng hơn 4,2%, nhập khẩu giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019 và đang có chiều hướng rất tích cực.
Đặc biệt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa vẫn đạt hơn 20%, mặc dù tăng trưởng khu vực FDI có giảm sút. Điều đó cho thấy, Việt Nam có thể hy vọng về lâu dài, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu này sẽ vẫn có thể giữ được và năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa sẽ ngang bằng và vượt khối lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI.
Về thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), nhìn nhận thẳng thắn rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm không đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nếu tách riêng năm 2020, thì giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.
Cũng trong giai đoạn này, kinh tế tư nhân đang có chiều hướng phát triển tốt, kể cả đầu tư tư nhân tăng trưởng rất cao; xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa cũng tăng trưởng tốt; nguồn vốn tăng trưởng cho nền kinh tế đã hợp lý hơn, bớt phụ thuộc vào nguồn vôn vay ngân hàng. Rõ ràng đây là chiều hướng thay đổi về mặt cấu trúc cơ bản của nền kinh tế, đang được Chính phủ thực thi rất quyết liệt. Cùng đó, việc ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng tỷ trọng thu nội địa đã tăng một cách nhanh chóng lên khoảng 82% so với mức thu nội địa khoảng 69% của giai đoạn 2011-2015, góp phần phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước một cách bền vững.
Đặc biệt, tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển tăng lên 27% đến 28%; giảm được chi tiêu thường xuyên ở mức tương đối cao trong giai đoạn trước xuống còn từ 62% đến 63% trong giai đoạn này, đây là một trong những thắng lợi rất quan trọng trong chuyển biến cơ cấu chi tiêu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, trong năm 2020, chỉ tiêu giảm biên chế công chức đã thực hiện tương đối cao, là 8,7%, biên chế viên chức hưởng lương ngân sách giảm khoảng hơn 7,56%. Những con số được đưa ra cụ thể này đang nói lên quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hành chính, giảm thiểu biên chế hưởng lương, từ đó giảm chi tiêu thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chỉ khi cương quyết như vậy, chúng ta mới giảm được thâm hụt ngân sách và đưa nợ công về giới hạn an toàn nhất cho nhiệm kỳ tới.
Cùng với đó là các số liệu về kết quả giảm nghèo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, việc bảo đảm nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống của người dân cũng như bảo đảm an sinh xã hội, từ đó làm cho chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam, chỉ số về xếp hạng môi trường kinh doanh được nâng lên.
Những chỉ số trên, cùng với việc Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… là minh chứng cho các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy sự ổn định cũng như tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, trong điều kiện khó khăn như vậy, lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt hơn 21 tỷ USD. Chúng ta có thể hy vọng khi đại dịch qua đi, tình trạng bình thường mới ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng thì FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng; là cơ sở vững chắc cho khả năng tăng trưởng cao, phát triển toàn diện của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Cần quyết tâm và có cách làm linh hoạt, sáng tạo
Có thể thấy, 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế-xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và 15 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ tới mà Chính phủ đặt ra là tương đối phù hợp, nhưng cũng cho thấy sự cẩn trọng khi mà chúng ta cho rằng năm 2021, tăng trưởng chỉ nằm ở mức khoảng 6%/năm. Tuy nhiên, rõ ràng với khả năng phục hồi và tốc độ tăng trưởng như hiện nay của nền kinh tế quốc dân, chúng ta tin rằng, tăng trưởng của năm 2021 sẽ cao hơn chỉ tiêu đề ra, có thể là xung quanh mức 6,8% đến 7,2%.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và những chỉ số khác hoàn toàn có thể đạt được. Như vậy, 12 chỉ tiêu năm 2021 mà Chính phủ đặt ra hoàn toàn khả thi và là tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra cho giai đoạn 2021-2025.
Còn 15 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ tới (2021-2025) là các chỉ tiêu tương đối tham vọng, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng từ 6,5% đến 7% đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt từ 4.700USD đến 5.000 USD, tức là vượt qua mức trung bình thấp để đạt mức trung bình cao theo quy định của IMF và các tổ chức quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế một cách quyết liệt, bởi trong giai đoạn 2016-2019, GDP chỉ tăng trưởng khoảng 6,8%, nay với quy mô ngày càng lớn của GDP, mức tăng trưởng từ 6,5% đến 7% cần sự nỗ lực rất lớn.
Hiện chúng ta cũng đang kỳ vọng rất lớn vào kinh tế số nhưng để kinh tế số đạt được tỷ trọng 20% GDP sẽ là bài toán tương đối khó khăn và cần nỗ lực cao từ Chính phủ đến các địa phương và toàn bộ các doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cũng phải tăng trưởng 45% và năng suất lao động tăng bình quân cũng hơn 6,5%/năm, đây là là những con số tương đối khó; bởi ngay cả các giai đoạn trước, việc tăng trưởng các chỉ tiêu này cũng có những khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng kinh tế số phát triển mạnh mẽ sẽ làm cho sự đóng góp của nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng của năng suất lao động cũng như làm cho mức tăng năng suất lao động bình quân có thể cao hơn.
Có thể thấy, 15 chỉ tiêu của giai đoạn 5 năm 2021-2025 là những thách thức rất lớn, đòi hỏi Chính phủ trong nhiệm kỳ mới cần có những quyết tâm cao, cách làm linh hoạt, sáng tạo, chủ động mới có thể đạt được. Với sự quyết tâm của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, một Chính phủ hành động quyết liệt để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế như trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta hy vọng chắc chắn nền kinh tế sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo kinh tế-xã hội có đề cập đến 10 giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Nếu thực hiện được tốt các giải pháp này, rõ ràng chúng ta sẽ tận dụng và phát huy được hết năng lực của các khu vực, vùng miền cũng như làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển cân đối, phù hợp, trong đó phải nói đến giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển bền vững.
Để có thể phát triển cân đối và bền vững nền kinh tế trong giai đoạn mới, cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Thực tế, quy hoạch cơ cấu nền kinh tế của nước ta thời gian qua còn yếu, do đó quy hoạch lại nền kinh tế từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch ngành, nghề sẽ giúp tái cấu trúc nền kinh tế hoặc mô hình tăng trưởng của chúng ta gắn chặt với thực tiễn. Từ đó tạo ra sức bật mới.
Đặc biệt, hy vọng khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ phát huy được vai trò của mình, trở thành một động lực mới để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước cũng cần quyết liệt đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, từ đó hiệu quả trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế nhà nước cũng được tăng lên.
Ngoài ra, việc thu hút FDI cũng cần được chấn chỉnh theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; từ đó làm cho hoạt động thu hút FDI đi đúng hướng, góp phần làm cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng bền vững, đạt được mong muốn cũng như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.