Ông Tập muốn Trung Quốc tự lực về công nghệ
Chủ tịch Tập Cận Bình hứa đẩy nhanh các kế hoạch để chiếm lấy ngôi vị dẫn đầu về công nghệ và các ngành công nghiệp chiến lược khác, mặc cho các nỗ lực kìm hãm từ Mỹ và đồng minh.
Trong bài phát biểu kéo dài 50 phút đánh dấu kỷ niệm 40 năm Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế vào ngày 14/10, Chủ tịch Trung Quốc lặp lại cam kết “mở cửa và cải cách” như là một chiến lược giành lấy lợi thế kinh tế. Với sự góp mặt của hàng trăm quan chức và giám đốc điều hành bao gồm cả nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và Phó Thủ tướng Lưu Hạc, ông Tập kêu gọi biến khu đô thị phía Nam thành “thành phố hình mẫu cho một quốc gia xã hội chủ nghĩa vĩ đại và hiện đại”.
“Chúng ta cần phải thực hiện dứt khoát một chiến lược phát triển theo định hướng đổi mới để thúc đẩy các động cơ và xu hướng mới. Từ đó, chúng ta có thể xây dựng một nền tảng đổi mới công nghệ và công nghiệp có tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu”, ông Tập cho biết, nhưng không hề đề cập tới xung đột Mỹ-Trung và chỉ nói đến “những thách thức chưa từng có” từ nước ngoài.
Bài phát biểu trên thể hiện sự ủng hộ dành cho các công ty và nhà lãnh đạo trong Khu vực Greater Bay với mục đích biến Trung Quốc thành nơi sản xuất hàng hóa chất lượng cao hơn. Đồng thời, điều này có thể dẫn tới những chính sách táo bạo hơn để kết nối một vài thành phố – bao gồm Thâm Quyến, Hồng Kông và Macau – để tạo một trung tâm khu vực nhằm cạnh tranh với Vịnh Tokyo và Thung lũng Silicon.
Tuy vậy, bài phát biểu của ông Tập dường như không tác động quá nhiều đến thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong đó chỉ số CSI 300 giảm 0.6%. Chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến vốn đã tăng vọt 3% trong ngày 12/10 khi nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào chuyến viếng thăm của ông Tập.
Chuyến viếng thăm của ông Tập cũng diễn ra giữa bối cảnh khó khăn đối với Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự giảm tốc của nền kinh tế vì đại dịch đã hối thúc Bắc Kinh thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu hẹp khoảng cách công nghệ trong các ngành chiến lược. Trong những tháng gần đây, ông Tập đã thúc giục chuyển sang một nền kinh tế “lưu thông kép” (dual-circulation) được thúc đẩy bởi tăng trưởng nội địa và bổ trợ thêm từ đầu tư và công nghệ nước ngoài.
Cũng góp phần thôi thúc dòng vốn chảy vào tài sản Trung Quốc là các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi đại dịch thuyên giảm. Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tăng tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 9/2020, trong khi thị trường chứng khoán vượt ngưỡng 10 ngàn tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2015 trong ngày 13/10.
Trong chuyến viếng thăm tới trung tâm sản xuất tại tỉnh Quảng Đông trong tuần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã báo hiệu trước về những gì sắp diễn ra. Ông hối thúc các nhà sản xuất chú trọng vào chất lượng để vượt qua bối cảnh bất ổn hiện tại, đồng thời kêu gọi “tự lực cánh sinh” trong chuyến viếng thăm tới một công ty công nghệ ở địa phương, theo Tân Hoa Xã.
Chuyến thăm của ông Tập đến khu vực Đồng bằng Châu Giang – nơi có sản lượng kinh tế hàng năm còn lớn hơn cả Indonesia – là “một tín hiệu lớn cho thấy ông đang theo dõi quá trình mở cửa”, Wang Huiyao, Cố vấn nội các của Trung Quốc và là nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nhận định. “Đây là một biểu tượng cho độ mở cửa cao hơn. Tôi cho là ông ấy sẽ đề cập tới khu vực Greater Bay, các ưu đãi chính sách cũng như cách hợp tác giữa Hồng Kông và Trung Quốc”.
Thâm Quyến có thể là trung tâm của chiến lược này, Hao Hong, Trưởng bộ phận chiến lược tại Bocom International ở Hồng Kông, cho hay. Thâm Quyến – nơi từng là làng đánh cá và giờ là nơi đặt trụ sở của Huawei và Tencent – có thể được trao quyền nhiều hơn và trở thành trung tâm tài chính cho sự đổi mới về công nghệ.
Cũng giống như 4 thập kỷ trước đây, Thâm Quyến sẽ lần nữa trở thành nơi thử nghiệm cải cách về đất đai, vốn con người và thị trường vốn và sự ra đời của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số.
“Đây là một cuộc cải cách toàn diện hướng tới việc nâng thành phố này trở thành trung tâm của Khu vực Greater Bay”, ông nói. “Thị trường thích những gì nó thấy và cảm thấy phấn khích vì thông tin này”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|