Thời điểm hiện tại không phải là "thế kỷ dẫn đầu kinh tế thế giới" đầu tiên của khu vực châu Á trong lịch sử, theo Nikkei Asia.
Nhà sử học kinh tế Angus Maddison cho biết châu Á chiếm hơn 50% sản lượng kinh tế toàn cầu trong 18 trên 20 thế kỷ vừa qua. Theo ông, sức ảnh hưởng ngày càng lớn của khu vực này đối với nền kinh tế giới thời gian gần đây không phải là “cuộc cách mạng” mà là “sự phục hồi”.
Vào thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa thực dân giúp dòng vốn tập trung chảy vào các nước phương Tây, đưa châu Âu trở thành trung tâm quyền lực kinh tế của thế giới. Và sau hai cuộc chiến tranh thế giới, vị trí quyền lực thuộc về Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại, với dân số khổng lồ - chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu, châu Á đang một lần nữa trở lại nắm quyền lực kinh tế.
Khi quyền kinh tế thế giới nghiêng về phía châu Âu, kéo theo đó là ảnh hưởng về chính trị và văn hóa. Điều tương tự cũng xảy ra khi Mỹ dẫn đầu thế kỷ 20: Quyền lực chính trị và ảnh hưởng văn hóa theo sau vị thế kinh tế. Hiện tại, châu Á đang có vị thế tương tự như Mỹ vào đầu thế kỷ 20: Gã khổng lồ về kinh tế. Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước nhiều cơ hội để lấp đầy khoảng trống đó.
Trước Cách mạng Công nghiệp, sản xuất kinh tế chủ yếu được quyết định bởi quy mô dân số. Châu Á, khu vực đông dân nhất thế giới, là một thế lực kinh tế mạnh. Nhưng qua nửa đầu thế kỷ 19, công nghệ mới cùng làn sóng mở rộng thuộc địa ở phương Tây đã giúp tập trung sản xuất tại khu vực này. Phải tới nửa sau của thế kỷ 20, châu Á mới lấy lại vị thế dẫn đầu. Bước sang thế kỷ 21, đây là xu hướng cực thịnh (tỷ trọng trong GDP toàn cầu).
|
Theo Nikkei Asia, vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang bị lung lay khi quốc gia này dần từ bỏ các hiệp định đắt giá để theo đuổi con đường xây dựng “trật tự thế giới tự do”. Trong nhiều vấn đề, từ vắc-xin Covid-19, các thỏa thuận thương mại cho tới biến đổi khí hậu, hiện tại có rất nhiều khoảng trống cần được lấp đầy khi vị thế của Mỹ không còn được như trước.
Liệu châu Á có lấp đầy được khoảng trống quyền lực chính trị này? Liệu nền văn hóa châu Á có trở nên phổ biến như nghệ thuật và thời trang châu Âu, hay âm nhạc và điện ảnh Mỹ 200 năm trước?
Theo các nhà phân tích, châu Á vẫn là khu vực có sự chia rẽ về chính trị và sự chia rẽ này ngày càng sâu sắc với sự cạnh tranh quyền lực. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào lịch sử, có thể thấy tình trạng mất đoàn kết của châu Âu hồi thế kỷ 19 cũng không ngăn khu vực này trở thành một đối cực về quyền lực với phần còn lại của thế giới.
"Thế kỷ châu Á" hiện tại đã đi được 1/5 chặng đường với nhiều dự báo của các nhà quan sát vào năm 2000 đã trở thành hiện thực. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Mỹ cuối cùng cũng “thức tỉnh” phát hiện ra thế lực mới nổi này đang muốn thay thế vị trí của mình.
Tầng lớp trung lưu đang nổi lên mạnh mẽ tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á - nơi có tốc độ tăng trưởng như vũ bão. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tới năm 2050, khoảng 3 tỷ người châu Á sẽ có mức sống tương đương với người châu Âu và châu Á sẽ chiếm hơn 50% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Dưới đây là nhận định của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau về "thế kỷ châu Á", trong đó với các vấn đề nổi cộm từ đại dịch cho tới địa chính trị, nhân khẩu học.
ĐẠI DỊCH COVID-19 THAY ĐỔI THẾ GIỚI MÃI MÃI
Michihumi Isoda, tác giả cuốn sách "Japanese History of Infectious Diseases" (Tạm dịch: Lịch sử các bệnh truyền nhiễm tại Nhật Bản)
Theo quan sát của tôi, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ thay đổi của thế giới. Đó là những thế đổi mà sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Ví dụ, dịch cúm năm 1918 đã giúp kết thúc Thế chiến thứ nhất sớm hơn.
Về cuộc sống của chúng ta, một hệ quả rõ ràng của dịch bệnh Covid-19 là xu hướng số hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những thay đổi trong hệ thống chính trị diễn ra nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra mọi người thường kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi hơn, nhưng thực tế có thể không như họ mong đợi. Trở lại dịch cúm năm 1918, dù số người tử vong tại nhiều thành phố rất lớn, làn sóng đô thị hóa vẫn diễn ra mạnh mẽ với tỷ lệ sinh tăng và dòng người đổ xô đến các đô thị.
Mishal Khan, Phó giáo sư tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London
Một vấn đề tôi đặc biệt quan ngại là sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Đó không chỉ là sự bất bình đẳng liên quan tới việc đối tượng nào sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 trước, mà còn nằm ở thực tế rằng nhóm dân số có nguy cơ nhiễm bệnh cao là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp hạn chế và phong tỏa phòng dịch.
DÂN SỐ GIÀ HÓA BAO TRÙM CHÂU Á
Nhân khẩu học là yếu tố đóng vai trò quan trọng cho vị thế kinh tế của châu Á khi khu vực này có dân số chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu.
Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn nhất khu vực lại đang già hóa nhanh chóng do tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ tăng. Dân số tại Nhật đang sụt giảm mạnh và những quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc có thể sẽ tiếp gót. Điều này gây ra nhiều vấn đề cho xã hội từ an sinh cho tới nhập cư.
Paul Cheung, Giám đốc Viện Năng lực Cạnh tranh Châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore
Tháp dân số của châu Á đang thay đổi, với phần đầu trở nên nặng nề hơn và phần dưới ngày càng nhẹ hơn. Điều này dẫn tới hàng loạt vấn đề về y tế và tài chính công. Người già cần hỗ trợ chăm sóc y tế và tài chính trong dài hạn, đồng nghĩa với gánh nặng lớn cho nền kinh tế.
Tatsuo Hatta, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Châu Á
Dù dân số châu Á đang sụt giảm, nhưng năng suất lao động thì không. Xu hướng nhân khẩu học hiện tại cho thấy chúng ta nên xây dựng một hệ thống mà người cao tuổi có thể làm việc, miễn là họ còn khỏe mạnh, đồng thời xây dựng một hệ thống an sinh xã hội không gây gánh nặng cho người trẻ.
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - THÁCH THỨC HÀNG ĐẦU
Một thách thức lớn ảnh hưởng sâu sắc tới châu Á trong dài hạn là biến đổi khí hậu. Khu vực này được dự báo chịu gánh nặng chi phí khổng lồ liên quan tới việc phát thải. Bên cạnh đó, châu Á cũng là khu vực đối mặt với rủi ro biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới, từ sóng nhiệt, nước biển dâng cao cho tới hàng loạt sự kiện thời tiết cực đoan khác.
Yuito Yamada, Đối tác và lãnh đạo về hành động bền vững của McKinsey & Company tại Châu Á
Nếu chúng ta không hành động, châu Á sẽ là nơi chịu rủi ro lớn nhất trên toàn cầu. GDP toàn cầu có thể mất khoảng 4.000-6.000 USD vì biến đổi khí hậu, trong đó 2.800-4.700 USD thuộc về khu vực châu Á do năng suất lao động sụt giảm. Tới năm 2050, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng có thể bị hủy hoại bởi các trận lũ ven sông - tương đương 1.600 tỷ USD, trong đó 1.200 tỷ USD rơi vào khu vực châu Á.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho châu Á vươn lên dẫn đầu với việc tập hợp các biện pháp hiệu quả để thích nghi và bảo vệ tài sản của mình. Hệ thống cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi tốt hơn tại châu Á có thể là bài học tốt cho các quốc gia khác trên thế giới.
KỶ NGUYÊN ĐỐI ĐẦU ĐỊA CHÍNH TRỊ MỚI
Yu (Tony) Pan, thành viên nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Anbound (Malaysia)
Hầu hết quốc gia châu Á muốn duy trì sự ổn định về chính trị sau Chiến tranh lạnh. Do đó, nếu sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đi quá xa, có thể các nước châu Á sẽ bắt đầu hành động lập.
Đơn cử như trường hợp Nhật Bản. Nước này có vị trí quan trọng trong liên minh của Mỹ, nhưng khi quan hệ Mỹ-Trung lao dốc vào năm 2017-2018, thủ tướng Nhật Shinzo Abe lúc đó bắt đầu củng cố lại quan hệ với Trung Quốc. Vì không muốn Nhật Bản trở thành “chiến trường” cho xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Abe cố gắng cân bằng quan hệ với cả hai cường quốc và theo đuổi lợi ích riêng của nước Nhật.
Parag Khanna, nhà sáng lập, đối tác điều hành hãng tư vấn chiến lược FutureMap, tác giả cuốn sách "The Future is Asian" (Tạm dịch: Châu Á là tương lai)
Chiến lược bành trướng của Trung Quốc không giống với Anh. Nước này không đưa người Trung Quốc sang “điều hành” ở các quốc gia khác. Chiến lược của Trung Quốc cũng không giống của Mỹ bởi họ không thiết lập các liên minh chính thức. Thay vào đó, Trung Quốc củng cố quyền lực bằng yếu tố kinh tế, bằng việc xây dựng chuỗi cung ứng riêng.
Tuy nhiên, chiến lược này đang gặp trở ngại lớn khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra, còn châu Âu cũng bắt đầu kiểm soát gắt gao hơn với đầu tư từ nước ngoài, các doanh nghiệp bắt đầu rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc…
Ta có thể thấy rõ sự phản ứng của thế giới với Trung Quốc ở ngành sản xuất, viễn thông, thiết bị y tế, đất hiếm… Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thích nghi được với trạng thái cân bằng mới của thế giới và có chấp nhận được thực tế rằng nước này không thể một mình thống trị cả châu Á hay không.
CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ MỸ - TRUNG
Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh
Những gì Mỹ đang làm trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc về cơ bản buộc các quốc gia khác phải “chọn phe”.
Tôi cho rằng các quốc gia đang phát triển, gồm những nước thuộc ASEAN, Trung Á, Mỹ Latin và châu Phi, có thể sẽ chọn Trung Quốc bởi các doanh nghiệp của nước này mang đến công nghệ cao với giá cả phải chăng. Còn Mỹ, dù gây nhiều ồn ào, nhưng liệu nước này có thể mang đến một giải pháp hiệu quả về kinh tế cho các quốc gia mới nổi đó?
Kay Mok Ku, đối tác quản lý khu vực Đông Nam Á của quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi Partners (Trung Quốc)
Mỹ không sở hữu công nghệ thế hệ thứ 5 (5G). Công nghệ nằm trong tay các công ty châu Âu và Trung Quốc như Huawei Technologies, ZTE, Nokia, Ericsson. Các nước sẽ chẳng quan tâm công nghệ đó đến từ một công ty châu Âu hay Trung Quốc. Điều họ quan tâm là làm sao có được công nghệ đó trước.
5G là cửa ngõ mở vào kỷ nguyên robot. Nước nào có được 5G trước thì bước vào kỷ nguyên robot trước và có lợi thế hơn nước khác trong cuộc đua năng suất lao động. Câu hỏi đặt ra cho các nước Đông Nam Á là lựa chọn của họ sẽ xuất phát từ động cơ chính trị hay kinh tế?