Đại dịch Covid-19 kéo giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu
Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) tại Trung Quốc không giảm quá nhiều trong nửa đầu năm 2020, ngay cả khi dòng vốn vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) rớt mạnh. Đây là một tín hiệu mới cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hứng chịu ít thiệt hại từ đại dịch Covid-19 hơn so với phần còn lại của thế giới.
Xét trên toàn cầu, mức vốn đầu tư mới trung bình trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm gần 50% so với năm 2019, mức giảm mạnh kỷ lục, Hội nghị phụ trách Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc (Unctad) cho biết trong ngày 27/10. Trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Mỹ và EU giảm tương ứng 61% và 29%, thì dòng vốn vào Trung Quốc chỉ giảm nhẹ 4%. Trung Quốc thu hút tổng cộng 76 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm, trong khi Mỹ hút 51 tỷ USD.
Mỹ từ lâu đã điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài, trong khi Trung Quốc chỉ đứng hạng 2.
Unctad cho biết sự suy giảm nhẹ của dòng vốn vào Trung Quốc thật đáng ngạc nhiên. Trở lại tháng 3/2020 – thời điểm Trung Quốc là tâm chấn bùng phát dịch bệnh và nhiều khu vực rơi vào trạng thái phong tỏa, Unctad dự báo nền kinh tế này sẽ hứng chịu tổn thất nặng nề và cho rằng dòng vốn đầu tư vào nước này sẽ giảm 15% trong năm 2020.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã tái mở cửa nền kinh tế trong tháng 4/2020, ngay khi Mỹ và châu Âu phong tỏa kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, trong khi Mỹ và châu Âu đến nay vẫn chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh. Trong quý 3/2020, GDP Trung Quốc đã vượt mức cuối năm 2019, theo dữ liệu công bố trong tuần trước.
Sự vững chắc của dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc dường như đi ngược với những kỳ vọng trước đó, rằng các doanh nghiệp sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Thế nhưng, James Zhan, Giám đốc phụ trách đầu tư và doanh nghiệp tại Unctad, cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận như vậy.
“Một trong những lý do chính dẫn tới việc điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu là tăng sự vững chắc của chuỗi cung ứng – vốn cần có kế hoạch dự phòng và công suất bổ sung”, ông nói. “Một cách thực tế hơn mà các công ty có thể thực hiện là xây dựng thêm cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Điều này tạo ra dòng vốn mới chảy sang các quốc gia khác, thay vì rút vốn khỏi Trung Quốc hoặc rút cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc”.
Tại các nước phát triển, mức vốn đầu tư nước ngoài trung bình trong 6 tháng đầu năm giảm 75% so với cùng kỳ, xuống 98 tỷ USD, bằng với mức của năm 1994. Ở một số trường hợp như Hà Lan và Anh, đà giảm diễn ra dưới dạng sự suy giảm khoản vay từ các công ty mẹ cho các công ty con ở nước ngoài – vốn cũng được xem là khoản đầu tư nước ngoài.
“Trong những thời điểm khủng hoảng, một số doanh nghiệp đa quốc gia sẽ muốn giữ vốn ở gần quê nhà”, ông Zhan nói.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có vẻ vững chắc hơn, chỉ giảm 16% xuống 296 tỷ USD.
Unctad cho biết đã xuất hiện các tín hiệu cải thiện về khoản đầu tư nước ngoài trong quý 3/2020 và giữ nguyên dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu sẽ giảm 40% trong năm 2020. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo làn sóng bùng phát thứ hai tại các nước phát triển có thể kéo dòng vốn giảm 50% trong năm 2020.
Mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài ở hầu hết quốc gia đều giảm trong 6 tháng đầu năm, nhưng vẫn có một số nước chứng kiến đà tăng. Một trong số đó là Đức. Cụ thể, dòng vốn nước ngoài tại nước này tăng 15% lên 21 tỷ USD, phần lớn là do một vài thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|