Chi tiêu ngân sách giữa mùa dịch tăng vọt, nợ công thế giới tăng đến 125% GDP
Giữa lúc các nước trên thế giới tăng cường chi tiêu tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế trong mùa dịch Covid-19, nợ công trên thế giới cũng phình to lên mức cao chưa từng thấy. Tỷ lệ nợ trên tổng sản lượng trong nước (GDP) của các nền kinh tế phát triển sẽ đạt mức kỷ lục 125% trong năm 2021.
Để cân đối ngân sách, việc đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ quan trọng hơn là tăng thuế hoặc ban hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Bởi lẽ, về lâu dài, tăng trưởng GDP sẽ ảnh hưởng đến các khoản thu thuế.
Vào 13/10, Viện Nghiên cứu Tài khóa – một cơ sở tư vấn chiến lược (think tank) của Anh – công bố rằng để giữ tỷ lệ nợ luôn ở mức 100% thu nhập quốc gia, Chính phủ Anh cần cắt giảm chi tiêu ngân sách trên 40 tỷ Bảng Anh (52 tỷ đô la Mỹ) trong năm tài khóa 2024.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Anh quan ngại về các bước đi như vậy. Năm nay, các điều chỉnh thuế hàng năm thường được thực hiện vào mùa thu đã được hoãn lại. Nói cách khác, sẽ không có tăng thuế trên một số mặt hàng như nhiên liệu hay tài sản. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói: “Ưu tiên hàng đầu là công ăn việc làm”.
Làm thế nào một quốc gia có thể cân bằng ngân sách trong trung hạn đến dài hạn và cùng lúc đó vẫn duy trì được hàng triệu công việc bị ảnh hưởng do dịch bệnh?
Trong báo cáo ngày 14/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) viết: “Các nhà lập chính sách cần có công cụ là các biện pháp tài khóa linh hoạt để ứng phó trong các đợt phong tỏa và các dự định mở cửa biên giới trở lại và để thúc đẩy chuyển đối cơ cấu với nền kinh tế mới sau đại dịch.
Điều này lại mâu thuẫn lớn với các định hướng mà tổ chức này đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, thời điểm IMF khuyến nghị các quốc gia nên tăng thuế và thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Carmen ReinHart, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), nói với Financial Times rằng: “Giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành, điều chúng ta sẽ làm là gì? Đầu tiên là bạn sẽ lo về chuyện chống chọi với dịch bệnh và rồi mới tới chuyện tìm nguồn kinh phí”.
Khi nghiên cứu về mối tương quan giữa doanh thu thuế và tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các chuyên gia phát hiện ra khi GDP gia tăng, các khoản thu thuế tăng một cách bất ngờ.
Độ co giãn trung bình của doanh thu thuế là 1.2 với 36 nước thành viên OECD, ngoại trừ Columbia. Điều này có nghĩa rằng nếu GDP tăng 1%, doanh thu thuế sẽ tăng hơn 1.2%.
Trong năm năm qua, các nước có mức tăng trưởng GDP cao đạt được sự gia tăng cao hơn về doanh thu thuế. Vương quốc Anh, vốn có nền kinh tế tăng trưởng hơn 20% trong giai đoạn này, đã hạ mức thuế doanh nghiệp nhưng khoản thu thuế lại tăng 25%.
Các ví dụ tương tự có thể tìm thấy ở các nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế Đức tăng 19%, nhưng tăng trưởng thu nhập thuế là 24%. Tại Nhật Bản, nền kinh tế tăng trưởng 10% nhưng thu nhập thuế tăng 23%.
Các nước cân đối ngân sách tài khóa thành công là các quốc gia đã tập trung vào tăng trưởng kinh tế.
Trong thập niên 90, nội các của chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton đã thực hiện giới hạn trần ngân sách để tránh thâm hụt tài khóa, cũng như tăng tốc cho chương trình “siêu xa lộ thông tin” – đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghệ cao vừa mới xuất hiện. Các đại công ty công nghệ cao của Mỹ, ví dụ như Amazon và Google, được thành lập trong thập niên này. Với tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu thuế, năm 1998, ngân sách Mỹ đã có thặng dư lần đầu tiên kể từ thập niên 1969.
Trong khi đó, châu Âu đang trải qua đợt bùng phát dịch lần thứ hai và chính phủ các nước đang phải cứu trợ nền kinh tế của nước họ thông qua chi tiêu tài khóa. Thế nhưng, một số nhà kinh tế cảnh báo về hậu quả của hành động đang trong quá trình triển khai. Raghuram Rajan, Giáo sư Đại học Chicago và từng là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), nhận định rằng: “Một phần lớn khoản nợ tích lũy sẽ do các thế hệ tương lai gánh vác và sự công bằng giữa các thế hệ cũng quan trọng như sự công bằng xã hội cho những người đang sống trong thời đại hiện nay”.
Trong khi thế giới đang nỗ lực xây dựng lại nền kinh tế, giáo sư Rajan nói rằng giải pháp không phải là việc chính phủ chi tiêu ào ạt, cũng không phải là các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Các chuyên kinh tế khác nhận ra cơ hội để thay đổi trong bối cảnh hiện tại. Laurence Boone, Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, nói rằng đối với các nhà lập chính sách, dịch Covid-19 giống như “cơ hội một lần trong đời” để tăng đầu tư vào quá trình chuyển đổi số mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần, cũng như cơ sở hạ tầng xanh, thân thiện môi trường.
Các nước đang tìm kiếm các phương thức thông minh hơn để chi tiêu và các kế hoạch đánh thuế có thể giúp kinh tế tăng trưởng. Chẳng hạn, Liên hiệp châu Âu (EU) đã đưa ra các đề nghị thúc đẩy nền kinh tế xanh của khối này, bao gồm thuế carbon cũng như thuế đánh trên đồ nhựa và rác thải nhựa.
Với Nhật Bản, xứ sở mặt trời mọc cần đầu tư cho quá trình số hóa nền kinh tế và đào tạo nghề cho những người muốn làm việc trong các ngành công nghiệp mới nổi. Phát triển một chiến lược cho nền kinh tế sau đại dịch là một nhiệm vụ ngày càng cấp thiết.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|