Nguồn thạo tin tiết lộ với Wall Street Journal rằng thỏa thuận giữa Goldman Sachs với Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) có thể sẽ được công bố trong tuần này.
Trong cuộc điều tra của DoJ, các công tố viên cáo buộc một mạng lưới quốc tế các nhân vật - trong đó có hai cựu nhân viên Goldman Sachs - chung tay biển thủ số tiền nhiều tỷ USD từ 1MDB. Giới chức Mỹ cũng cho rằng Goldman Sachs phớt lờ các dấu hiệu gian lận nhằm mục đích thu được nhiều tiền phí nhất có thể.
Vụ 1MDB là một trong những "vết nhơ" lớn nhất trong lịch sử 151 năm của Goldman Sachs. Tổng cộng, bê bối này khiến Goldman Sachs mất hơn 5 tỷ USD để giải quyết, tương đương khoảng 2/3 lợi nhuận trong 1 năm của ngân hàng này.
Nhưng đổi lại, Goldman Sachs sẽ tránh được những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất mà nhà chức trách Mỹ tính sử dụng trong trường hợp Goldman Sachs "cứng đầu". Giá cổ phiếu Goldman Sachs tăng 1,1% trong phiên giao dịch ngày 20/10, sau khi thông tin về thỏa thuận giữa ngân hàng này với DoJ được Wall Street Journal hé lộ.
Theo nguồn tin, trong số 2,8 tỷ USD mà Goldman Sachs dự kiến nộp cho DoJ, có 2,2 tỷ USD tiền phạt và khoảng 600 triệu USD tiền phí mà ngân hàng đã thu khi phục vụ 1MDB.
Hồi tháng 7, Goldman Sachs đã nhất trí nộp cho Chính phủ Malaysia ít nhất 2,5 tỷ USD để khép lại một cuộc điều tra tương tự ở nước này.
Bê bối 1MDB đã phủ bóng lên nhiệm kỳ của đương kim Tổng giám đốc (CEO) Goldman Sachs, ông David Solomon, người đảm nhận cương vị này từ năm 2018 và muốn thúc đẩy Goldman Sachs đi theo một hướng tìm kiếm lợi nhuận mới.
Đối với các nhà phê bình ở Phố Wall và Washington, vụ bê bối một lần nữa cho thấy Goldman Sachs là một nhà băng tìm mọi cách để kiếm tiền, sẵn sàng phục vụ ngay cả những khách hàng mờ ám miễn sao mức phí đủ cao.
Đó là một hình ảnh mà Goldman Sachs cố gắng rũ bỏ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khi đó, Goldman Sachs giữ một vai trò trung tâm trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn và đã chấp nhận nộp phạt 550 triệu USD cho nhà chức trách liên bang để thoát những cáo buộc hình sự cho rằng Goldman Sachs lừa dối nhà đầu tư về một loại trái phiếu.
Sau khủng hoảng, Goldman Sachs tìm cách làm mới hình ảnh, bằng việc mở dịch vụ ngân hàng thương mại và một bộ phận hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Đầu năm nay, khi biến động thị trường khiến các khách hàng giao dịch cổ phiếu và trái phiếu gặp khó, Goldman Sachs cũng có biện pháp hỗ trợ.
Goldman Sachs đẩy mạnh nỗ lực tìm cơ hội làm ăn ở Malaysia cách đây 1 thập kỷ, khi khủng hoảng 2008 khiến các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall khốn đốn. Khi đó, Malaysia đã mở một quỹ đâu tư quốc gia có tên 1 Malaysia Development Bhd., tức 1MDB, để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vào năm 2012 và 2013, Goldman Sachs đã giúp 1MDB phát hành 6,5 tỷ USD trái phiếu.
Phần lớn số tiền này đã biến mất và được cho là bị biển thủ bởi nhà tài chính Jho Low, một cố vấn của 1MDB, và cộng sự. Cơ quan điều tra Malaysia phát hiện số tiền gần 700 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của cựu Thủ tướng Najib Razak - người sau đó bị cáo buộc lạm dụng quyền lực trong vụ bê bối.
Về phần mình, Low bị cáo buộc đã tiêu phần lớn số tiền còn lại vào các bất động sản cao cấp ở New York và London, các tác phẩm nghệ thuật, trang sức, du thuyền, những buổi tiệc tùng lớn ở Las Vegas, và đầu tư cho bộ phim "The Wolf of Wall Street" ("Sói già Phố Wall").