Trung Quốc xem xét lại chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ
Trung Quốc đang xem xét lại chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và lên kế hoạch hỗ trợ chính sách nhiều hơn sau khi hoàn tất đợt rà soát toàn diện gần đây, theo một quan chức cấp cao của NHTW Trung Quốc.
“Như mọi người đã biết trong quá khứ, việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ phải tuân theo quy tắc thị trường”, Zhu Jun, Tổng Giám đốc bộ phận quốc tế của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), nhận định tại hội nghị thượng đỉnh ở Thượng Hải vào ngày 24/10. “Vai trò của cơ quan chức trách chủ yếu tập trung vào loại bỏ những rào cản chính sách để tự do sử dụng Nhân dân tệ. Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ vẫn còn nhiều tình huống phức tạp trong nước và ở nước ngoài”.
Ông Zhu cho biết Chính phủ có thể chủ động trong việc hỗ trợ chính sách để tạo điều kiện cho vai trò của thị trường. Chẳng hạn, PBoC có thể cải thiện hợp đồng hoán đổi tiền tệ song phương để thúc đẩy thương mại và đầu tư một cách tốt hơn, đồng thời cố gắng phối hợp nhiều phương tiện thanh toán xuyên quốc gia bằng Nhân dân tệ và cơ sở hạ tầng thanh toán.
Trước đó trong tuần này, đồng Nhân dân tệ leo lên mức mạnh nhất trong 2 năm, do đồng USD suy yếu và kinh tế Trung Quốc gượng dậy mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Một yếu tố quan trọng khác hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ hiện nay là dự báo cho rằng ông Biden sẽ thắng ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Các ngân hàng ở Phố Wall tin rằng sẽ có một gói kích cầu mới được thông qua, cho dù ông Trump hay ông Biden thắng. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ có một gói kích cầu lớn hơn nếu ông Biden đắc cử Tổng thống và Đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Một lượng tiền lớn hơn bơm vào nền kinh tế Mỹ sẽ gây ra áp lực giảm giá lớn hơn đối với USD.
Các cơ quan chức trách sẽ loại bỏ các rào cản hiện tại đối với việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, với sự tự do hóa dần dần tài khoản vốn, tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ và cải thiện tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu, Zhu cho biết.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đạt được một số bước tiến như khuyến khích giao dịch bằng Nhân dân tệ ở nước ngoài, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp thuận trở thành đồng tiền dự trữ và tung ra các hợp đồng hàng hóa định danh bằng Nhân dân tệ. Tuy vậy, đồng tiền này vẫn còn là “tay chơi” nhỏ trên sân khấu toàn cầu, với chỉ 2% thị phần.
Việc Trung Quốc mở cửa dần dần thị trường tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài đã thu hút một lượng vốn vào trong thời gian gần đây. Dù vậy, khoản sở hữu cổ phiếu và trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp. Tài khoản vốn của Trung Quốc – vốn theo dõi dòng vốn xuyên biên giới – vẫn còn chịu nhiều quy định về việc chuyển vốn.
Ở một diễn biến khác, Thống đốc PBoC Yi Gang cho biết trong ngày 24/10 rằng việc cải cách cơ chế tỷ giá hối đoái của Nhân dân tệ và quốc tế hóa đồng tiền này nên được thực hiện cùng với việc mở cửa tài chính.
“Quá trình quốc tế hóa Nhân dân tệ nên theo định hướng thị trường”, ông nói. “Nhiệm vụ chính của PBoC là làm giảm bớt hạn chế đối với việc sử dụng Nhân dân tệ xuyên biên giới và để nó tự do dịch chuyển”.
Việc căng thẳng Mỹ-Trung bắt đầu lan sang lĩnh vực tài chính đã tạo thêm động lực mới để Trung Quốc quảng bá về việc sử dụng Nhân dân tệ trên toàn cầu. Một số quan chức Chính phủ bao gồm ông Fang Xinghai – Phó Chủ tịch của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc – đã kêu gọi đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa Nhân dân tệ trong vài tháng gần đây.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|