Phải để gói 16.000 tỉ đến doanh nghiệp
Sắp tới, khi Quyết định 15/2020 của Thủ tướng được sửa đổi, dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng.
Thời gian gần đây, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng giảm sâu. Ảnh: TL
|
Ngày 22-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo để thông tin về hoạt động ngân hàng quý III-2020. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì cuộc họp báo.
Vốn sẵn sàng nhưng chỉ một công ty đủ điều kiện vay
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho hay: NHNN đã ban hành Thông tư 05/2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% trong gói 16.000 tỉ đồng. Số tiền này được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
NHNN đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Tuy nhiên, đến nay chỉ có... một doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn nhưng công ty này sau đó đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang được giao đầu mối trình Chính phủ xem xét, sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng để tạo điều kiện cho DN vay vốn” - ông Nguyễn Tuấn Anh nói và thông tin thêm: Thủ tướng và các cơ quan liên quan mới họp về vấn đề này. Ông Nguyễn Tuấn Anh hy vọng nếu các tiêu chí được sửa thì sẽ có nhiều DN tiếp cận được gói 16.000 tỉ đồng này.
Đại diện NHNN trích dẫn quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH giải thích nguyên nhân DN chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động là do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã khống chế tốt dịch COVID-19 đợt 1, các DN cho lao động nghỉ việc luân phiên, không có lao động ngừng việc liên tục một tháng nên không đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay vốn theo quy định.
Theo quy định tại Điều 13 Quyết định 15/2020 của Thủ tướng, DN đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019... Nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc với lãi suất 0%/năm từ gói 16.000 tỉ đồng nói trên.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều DN và chuyên gia, để đáp ứng đủ được các điều kiện này là rất khó khăn.
Thời gian gần đây, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng giảm sâu. Ảnh: TL
|
Lãi suất đã giảm
Tại buổi họp báo, đại diện NHNN cũng cho hay một trong những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến ngân hàng là khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn. Dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 25% trên tổng dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động của ngân hàng.
Về phía các tổ chức tín dụng, những giải pháp hỗ trợ người dân, DN đã được triển khai. Cụ thể, đến ngày 14-9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỉ đồng.
Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16-9, tín dụng đã tăng 4,81%. |
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi, thấp hơn phổ biến 0,5%-2,5% so với trước dịch. Đến nay, doanh số lũy kế đạt 1,6 triệu tỉ đồng với 310.000 khách hàng.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Phạm Chí Quang nhìn nhận kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường thế giới biến động mạnh do dịch COVID-19. Điều này buộc Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có, thực thi các giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa quy mô lớn để phục hồi kinh tế...
Trong bối cảnh đó, những tháng đầu năm NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm hai lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1%-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.
Bên cạnh đó, NHNN giảm 0,6%-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới sáu tháng. Đồng thời giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của DN và người dân.
“Đây là mức lãi suất thấp trong các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam” - ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Qua đó nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
“NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng” - bà Hồng nói.
CHÂN LUẬN
|
CHÂN LUẬN
Pháp luật TPHCM
|