Bỗng dưng thành giám đốc công ty 'ma': Cơ quan công quyền đùn đẩy cho nhau
Việc 'mở cửa' đăng ký kinh doanh, thủ tục thành lập công ty đã đơn giản hơn. Tuy nhiên, quá trình hậu kiểm lơ là, thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm đã đặt ra thách thức lớn với nạn buôn bán hàng lậu, hàng cấm.
* Bỗng dưng thành giám đốc công ty... 'ma'
Ông H. liên hệ nhiều cơ quan nhưng chưa được giải quyết. Ảnh: Trác Rin
|
Liên quan công ty 'ma' mà ông T.H.Q.H (32 tuổi, quê Long An, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) bỗng dưng trở thành giám đốc, Thanh Niên từng đăng loạt bài Lỗ hổng hình thành công ty “ma” phản ánh thực tế chỉ cần 1 CMND photocopy sao y bản chính, cùng một số giấy tờ khác là có thể đăng ký, thành lập công ty.
Công ty “ma” trong trạng thái lơ lửng!?
Các thông tin điền vào mục đăng ký doanh nghiệp trên website của Sở KH-ĐT TP.HCM không bị kiểm chứng, thậm chí đăng ký một địa chỉ không có thật, công ty vẫn được ra đời. Cán bộ Sở KH-ĐT cho rằng họ không kiểm tra, vì sau khi thành lập, đơn vị sẽ chuyển thông tin cho UBND quận, huyện đảm nhận công tác hậu kiểm. Tuy nhiên, thực tế thì thế nào?
Quá bức xúc, ngày 15.9, ông H. tiếp tục quay lại Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn (trước đó là Chi cục Thuế Q.12) nộp đơn tố cáo, một nữ cán bộ cho biết: “Công ty này mới làm đơn chuyển đi và đã có thông báo chuyển đi (địa chỉ mới ở Q.2 và Q.Bình Tân). Nhưng công ty này “có vấn đề”, vì người đại diện pháp luật, hay người được ủy quyền chưa lên Sở KH-ĐT để làm hồ sơ cấp giấy phép mới. Cả 2 công ty này giờ không hoạt động và đang trong “trạng thái lơ lửng, không ai quản lý”. Hiện Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn không còn quản lý 2 công ty này nữa. Giờ anh vẫn phải liên hệ với... công an, Sở KH-ĐT TP”.
Có biết sai cũng không thể “xử”?
Trong khi đó, cán bộ của Sở KH-ĐT TP từng thừa nhận với chúng tôi về thực tế nhiều đối tượng làm ăn phi pháp, sử dụng địa chỉ “ma”, hoặc mượn CMND của ông xe ôm chẳng hạn, để lập công ty.
“Chuyện công ty lấy địa chỉ “ma” thực ra là có. Nhưng cơ chế xử phạt của Sở không có. Bây giờ giả sử Sở có phát hiện sai phạm cũng không xử phạt được. Muốn thu hồi cũng không được vì sai phạm này phải được UBND quận, huyện gửi lên. Sau đó Sở ra văn bản thông báo, sau 6 tháng nếu không nhận được phản hồi của công ty thì mới rút giấy phép kinh doanh”, vị này nhìn nhận và cho biết để xác định công ty “ma”, toàn từ các đơn vị chuyên môn xác minh.
“Ví dụ UBND quận, huyện đi xác minh rồi đưa lên cho Sở; hoặc công an họ xác minh và phát hiện công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, rồi họ chủ trì làm luôn, chỉ yêu cầu Sở hỗ trợ, cung cấp thông tin”, vị cán bộ này nói thêm. Như cách trả lời của cán bộ Sở KH-ĐT TP, nếu doanh nghiệp vi phạm được UBND quận, huyện gửi lên Sở và sau 6 tháng không nhận phản hồi từ doanh nghiệp, đơn vị mới rút giấy phép kinh doanh (!?).
“Vậy thử hỏi, trong thời gian 6 tháng, doanh nghiệp đủ thời gian để thực hiện các phi vụ làm ăn phạm pháp và cao bay xa chạy thì ai chịu trách nhiệm?”, ông H., là người trong cuộc, đặt vấn đề.
Trách nhiệm, thẩm quyền thuộc về ai?
Đáng nói, trong lúc người dân lo sợ không ngăn chặn kịp thời, kẻ xấu sẽ lợi dụng tên tuổi của họ đi làm việc phi pháp gây mất an ninh trật tự xã hội thì cơ quan chức năng đảm nhận công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội tỏ ra thản nhiên, đủng đỉnh, đùn đẩy cho nhau.
Ngày 15.9, liên hệ với UBND Q.12, ông H. được cán bộ phòng tiếp công dân hướng dẫn làm đơn tố giác về việc bị “đánh cắp thông tin cá nhân” để gửi Công an Q.12 giải quyết; đồng thời gửi qua đường bưu điện cho UBND Q.12, để đơn vị làm phiếu chuyển cho Công an Q.12, thì bắt buộc công an phải có công văn trả lời, phản hồi vụ việc. “Cái này Sở KH-ĐT cấp giấy phép nên phải liên hệ với họ. Còn việc anh bị “đánh cắp thông tin cá nhân” thì Công an Q.12, hoặc Công an TP.HCM sẽ giải quyết”, cán bộ UBND Q.12 nói.
Từ hướng dẫn của UBND Q.12, cùng ngày, ông H. một lần nữa đến Công an Q.12 gửi đơn tố cáo, hỏi kết quả xác minh, xử lý. “Đây là Cơ quan CSĐT nên chỉ tiếp nhận, giải quyết những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm. Vấn đề này là cái sai của cơ quan chức năng cấp giấy phép, là Sở KH-ĐT. Chỗ nào cấp mình khiếu nại chỗ đó, nếu không giải quyết thỏa đáng thì khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu người tới đăng ký lừa dối Sở KH-ĐT, đơn vị này nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm, thì Sở phải trình báo với cơ quan chức năng. Chứ không phải là anh, vì anh chỉ là người bị người khác lấy CMND đi đăng ký. Xác minh xử lý là việc của Sở”, cán bộ Công an Q.12 phản hồi cho ông H.
Trả lời chúng tôi, một cán bộ Công an Q.12 cũng cho rằng: “Cơ quan có thẩm quyền giải quyết cái này là Sở KH-ĐT TP.HCM. Sở sai phải liên hệ họ, nếu không thỏa đáng thì kiện Sở ra tòa án, yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được”.
Tuy nhiên, làm theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng trên, ngày 17.9, ông H. lại đến Sở KH-ĐT TP liên hệ, thì được nữ cán bộ phòng đăng ký kinh doanh trả lời: “Bên đăng ký kinh doanh của Sở đã làm hết trách nhiệm rồi. Giờ là trách nhiệm của... công an. Bên Sở đã chuyển đơn và tất cả hồ sơ cho công an rồi. Bên Sở làm sao biết được có việc giả mạo hay không? Tố cáo thì phải gửi cho công an chứ, Sở đâu có làm được gì trong đó. Nhiệm vụ của phòng đăng ký kinh doanh là cấp, hoặc từ chối cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp, chứ không phải đi xử lý những vụ việc thế này. Còn điều tra là trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan công an”.
Sau những ngày tích cực liên hệ các cơ quan chức năng để tìm công lý, ông H. đều nhận được những câu trả lời “huề vốn”. Vậy cuối cùng, đơn vị, cơ quan nào là nơi giải quyết xử lý các công ty “ma”?
Yêu cầu tăng cường hậu kiểm xử lý công ty “ma”
Liên quan đến loạt bài Lỗ hổng hình thành công ty “ma” mà chúng tôi phản ánh từ ngày 14 - 17.7, Sở KH-ĐT TP.HCM ngày 31.8 đã báo cáo UBND TP.HCM các nội dung về trình tự, thủ tục cấp phép, công tác hậu kiểm doanh nghiệp (DN) và đưa ra một số giải pháp.
Trên cơ sở đề xuất của Sở KH-ĐT, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ngày 19.9 giao các sở ngành phối hợp với quận, huyện tăng cường công tác quản lý đăng ký DN và công tác hậu kiểm. Theo đó, UBND TP.HCM giao Công an TP.HCM và công an các quận, huyện tăng cường giám sát hoạt động của các DN, hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc mua bán, sử dụng CMND hoặc căn cước công dân của người khác để đăng ký DN hoặc sử dụng vào mục đích khác. UBND các quận, huyện sớm hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chỉ nhà đất trên địa bàn, trong đó có địa chỉ các cơ quan nhà nước, địa chỉ hạn chế hoặc cấm kinh doanh để Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở KH-ĐT TP.HCM) tra cứu khi giải quyết thủ tục đăng ký DN.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện tăng cường công tác cung cấp, trao đổi thông tin về DN, phối hợp trong công tác hậu kiểm theo Quyết định số 33 năm 2016 của UBND TP.HCM. UBND TP.HCM cũng giao Sở KH-ĐT nghiên cứu quy định của luật Doanh nghiệp năm 2020, chủ động kiến nghị Bộ KH-ĐT các nội dung cần đưa vào nghị định cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý DN.
Sỹ Đông
|
Trác Rin
Thanh niên
|