Thứ Năm, 24/09/2020 09:00

Myanmar sẽ tập trung tăng tốc kinh tế hậu Covid-19

Myanmar sẽ tập trung xúc tiến 4 lĩnh vực để khắc phục những tác động đến nền kinh tế do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Đầu tư và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại (MIFER) kiêm Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC) U Thaung Tun cho biết, The Myanmar Times đưa tin.

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Xúc tiến Đầu tư (IPC) gần đây, ông U Thaung Tun cho rằng Myanmar có thể ứng phó hiệu quả với những tổn thất do đại dịch gây ra. Để đạt được điều này, Chính phủ sẽ xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp mới, các ngành dựa vào nông nghiệp đóng vai trò hỗ trợ cho toàn chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm y tế và lĩnh vực số hóa của nền kinh tế.

Theo ông U Thaung Tun, Myanmar cần xem xét lại Kế hoạch Xúc tiến Đầu tư Myanmar (MIPP) - kế hoạch dài hạn nhằm thu hút đầu tư vào đất nước - trước những tác động tiêu cực của Covid-19 đến nền kinh tế.

Phiên họp gần đây của IPC được tổ chức sau khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Myanmar thời gian tới có thể giảm mạnh do kinh tế toàn cầu suy yếu sau đại dịch.

Theo báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Myanmar gần đây của ADB, tăng trưởng kinh tế nước này được dự đoán phục hồi trong năm tài chính 2020-2021 nhưng xu hướng tăng trưởng yếu hơn của nền kinh tế toàn cầu có thể tác động đến dòng vốn FDI rót vào Myanmar trong thời gian tới.

Myanmar đã phê duyệt 4.3 tỷ USD vốn FDI trong 3 quý đầu năm tài chính hiện tại (tính từ 01/10/2019-30/09/2020), tăng từ 3.2 tỷ USD của cùng kỳ năm tài chính liền trước. Đa số vốn FDI rót vào Myanmar tập trung vào các lĩnh vực sản xuất điện, bất động sản, sản xuất và xăng, dầu.

Tuy nhiên, theo ADB, do đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP khu vực châu Á trong năm 2020 hiện được dự đoán thu hẹp 0.7%, cuộc khủng hoảng đầu tiên của khu vực này trong gần 6 thập kỷ qua. Điều này sẽ hạn chế dòng vốn FDI rót vào Myanmar.

Tại Myanmar, lĩnh vực sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng may mặc, là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nhất do sự sụt giảm cung cầu trên toàn cầu. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất đã khôi phục hoạt động sau khi Myanmar nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 hồi tháng 5 và 6 nhưng do nhu cầu toàn cầu yếu hơn nên họ cũng không thể hoạt động hết công suất như trước đây.

Hiện nay, trước làn sóng Covid-19 thứ 2 đang diễn ra tại Myanmar, bắt đầu từ cuối tháng 8, Chính phủ có thể áp dụng lại các biện pháp hạn chế để khống chế dịch và điều này lại khiến hoạt động của các doanh nghiệp bị gián đoạn.

Do xu hướng giảm mạnh của ngành dệt may, sản xuất sản phẩm xuất khẩu trong 3 quý đầu năm tài chính 2019-2020 giảm 4.4% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ADB, tình hình tại Myanmar có thể phục hồi nếu nước này được hỗ trợ từ hoạt đông ổn định của ngành nông nghiệp, tăng thêm chi tiêu Chính phủ và sự mở rộng trong ngành viễn thông.

Ngành nông nghiệp Myanmar ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hơn các lĩnh vực khác và được hỗ trợ nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong và ngoài nước và thời tiết tương đối thuận lợi. Tăng trưởng xuất khẩu nông sản, chủ yếu gạo và các loại đậu, trong 3 quý đầu năm tài chính hiện tại tăng 19.5% so cùng kỳ.

Nếu mọi thứ đều diễn biến tốt, tăng trưởng kinh tế Myanmar được dự đoán sẽ phục hồi 6% trong năm tài chính 2020-2021.

Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)

(FILI)

Các tin tức khác

>   Campuchia: Tiến tới thống nhất các cơ quan quản lý tài chính phi ngân hàng (21/09/2020)

>   Campuchia sẽ đa dạng hóa kinh tế, giảm phụ thuộc ngành dệt may (15/09/2020)

>   Lào sẽ mất ưu đãi thương mại khi thoát tình trạng 'quốc gia kém phát triển' (07/09/2020)

>   FTA Campuchia - Hàn Quốc: Bước vào vòng đàm phán thứ 2 (03/09/2020)

>   Campuchia sẵn sàng ứng phó Covid-19 và rút ưu đãi EBA (01/09/2020)

>   Thâm hụt tài chính gây thêm áp lực cho Chính phủ Lào (31/08/2020)

>   Myanmar: Áp lực lạm phát dịu đi do nhu cầu tiêu dùng giảm (24/08/2020)

>   FTA Campuchia-Trung Quốc có thể được ký vào cuối tháng 8 (23/08/2020)

>   Lào: Nợ công tăng do ảnh hưởng của Covid-19 (19/08/2020)

>   OBG: Hậu Covid-19, kinh tế Myanmar sẽ phục hồi nhanh chóng (12/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật