Tín hiệu vui cho ngành da giày
Cũng như những ngành hàng khác, ngành da giày phải đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song, theo nhiều chuyên gia, với tình hình dịch đang được nước ta kiểm soát và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8, sẽ giúp ngành da giày sớm tăng trưởng trở lại.
Thương thảo nhiều hợp đồng mới
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tính chung 7 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỷ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất gặp khó khăn kép từ cả hai phía: thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu. Dẫn đến kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ.
Sản xuất túi xách da tại Công ty TNHH Bình Tiên, Đồng Nai. Ảnh: H.L
|
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, trước những thành công đạt được từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, cộng thêm các cam kết cắt giảm thuế quan ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sẽ là đòn bẩy quan trọng để thu hút đơn hàng xuất khẩu giày dép từ thị trường châu Âu.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân tự tin, EVFTA được thực thi sẽ giúp DN da giày đẩy nhanh xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch, bù lại sự giảm tốc từ đầu năm đến nay. Bởi, EU là thị trường có tiềm năng lớn, chiếm gần 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành, với trị giá khoảng 6 tỷ USD mỗi năm. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại, duy trì mức tăng trưởng 10% cho những tháng cuối năm 2020.
Đại diện Lefaso dẫn chứng, đến thời điểm này, nhiều hợp đồng mới đã được DN da giày thương thảo. Một số DN có quy mô lớn như: Công ty CP Tập đoàn Gia Định, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và giày da An Thịnh… đã tiến hành thương thảo với một số đối tác về các đơn hàng, đặc biệt từ thị trường EU, dự kiến sẽ được ký vào những tháng cuối năm. Hiện nay, những DN này đang chuẩn bị cho các kế hoạch đẩy mạnh sản xuất trở lại.
Theo Lefaso, ngoài việc được giảm thuế suất về 0%, EVFTA được đánh giá có quy định khá mở cho các DN Việt Nam, khi cho phép DN sử dụng nguyên liệu từ những nước thành viên EU và những nước mà EU có ký kết FTA (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản); hay quy định về xuất xứ hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value content - RVC), quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ EU. Đặc biệt, đến nay các DN ngành da giày Việt Nam đã đáp ứng trên 98% điều kiện xuất xứ khi thực hiện GSP, nên có thể đáp ứng tốt điều kiện của EVFTA.
Lợi thế để đón dòng đầu tư mới
Trên thực tế, hiện nay trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành da giày, túi xách, Trung Quốc đang chiếm 60%-70%; Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar, Bangladesh, Cambodia khoảng 30%-35%; còn lại các nước châu Phi, Nam Mỹ chiếm 5%. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện các DN trên toàn cầu của lĩnh vực này đang định vị lại chuỗi cung ứng để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
Cụ thể, các DN dự tính phân công lại chuỗi cung ứng theo cách giảm chuỗi cung ứng của Trung Quốc xuống còn 45%-50% và sẽ dời 15%-20% chuỗi cung ứng về Việt Nam và các nước còn lại. Do đó, đây cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu da giày và sản xuất giày dép, túi xách. Đáng chú ý, trong cuộc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành da giày, túi xách, Việt Nam là quốc gia được nhiều tập đoàn quan tâm nhất vì hệ thống chính trị ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện.
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm da giày, túi xách đạt chất lượng tầm trung và cao cấp trên thế giới. “Khi chuỗi cung ứng da giày, túi xách trên toàn cầu dịch chuyển sẽ ưu tiên chọn Việt Nam nhiều hơn. Và Việt Nam còn có thêm lợi thế là nước ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nên hàng hóa sản xuất, xuất khẩu từ Việt Nam vào nhiều thị trường lớn sẽ được ưu đãi về thuế”, Trưởng phòng Cấp cao Tập đoàn Walmart tại Việt Nam, Vince Tran nhận định.
Tuy ngành da giày đang có những tín hiệu vui, nhưng để ứng phó và vượt qua dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có thêm biện pháp hỗ trợ DN, như: Giảm tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập DN, cũng như giúp DN tiếp cận gói hỗ trợ chi trả lương cho lao động. Lý do, mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều gói hỗ trợ cho DN, nhưng tới nay việc tiếp cận các gói hỗ trợ được DN đánh giá vẫn gian nan.
Đơn cử, vừa qua Chính phủ đã có hai gói hỗ trợ lớn: một là gói 280.000 tỷ đồng, chủ yếu cho vay vốn với lãi suất giảm và gói thứ hai 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động theo quyết định 15/2020 của Thủ tướng. Thế nhưng, đến thời điểm này, hầu như chưa DN da giày túi xách nào nhận được sự hỗ trợ từ cả 2 gói này.
Do vậy, song song với giải pháp nâng cao năng lực quản trị của các DN trong nước, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, cơ chế quản lý từ các cơ quan chức năng. Một ví dụ, như việc ban hành quy định về kiểm soát mã số, mã vạch đã có nhiều điều khoản chưa phù hợp, làm cho hoạt động xuất khẩu của không ít DN gặp khó. “Vì vậy, để tận dụng các cơ hội lớn, không chỉ có DN, mà cả quy định cũng phải thay đổi cho phù hợp”, Phó Chủ tịch Lefaco, Diệp Thành Kiệt đề nghị.
Lạc Phong
Sài Gòn Giải Phóng
|