Mỗi lượng vàng SJC tăng gần 10 triệu đồng chỉ trong tháng 7
Chỉ trong tháng 7, mỗi lượng vàng SJC đã tăng từ mức gần 50 triệu đồng lên xấp xỉ 58 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Ảnh: Lam Giang
|
Cuối tuần, ngày 1-8, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,63 triệu đồng/lượng, bán ra 57,96 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ khoảng 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Tại Hà Nội, giá vàng miếng SJC được giao dịch phổ biến quanh mức 56,4 triệu đồng/lượng mua vào, 57,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Chênh lệch giá mua - bán vẫn được các doanh nghiệp giữ ở mức cao, lên tới 1,3 triệu đồng/lượng khi biến động của thị trường vàng quốc tế chưa có dấu hiệu ổn định.
Như vậy, trong tuần cuối tháng 7, giá vàng SJC tăng thêm 3 triệu đồng/lượng và đã tăng tới gần 10 triệu đồng mỗi lượng so với đầu tháng, từ xấp xỉ 50 triệu đồng/lượng lên mức gần 58 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, vàng 24K các loại được giao dịch thấp hơn nhiều so với vàng miếng SJC, quanh mức 54,05 triệu đồng/lượng mua vào, 55,15 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tăng gần chục triệu đồng/lượng trong tháng 7
|
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.976 USD/ounce, tăng gần 20 USD mỗi ounce so với phiên trước. Giá vàng thế giới cũng đang ở mức cao nhất trong lịch sử, trong tuần có thời điểm giá vàng đã vượt 1.980 USD/ounce.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 55,4 triệu đồng/lượng, khá cân bằng so với giá vàng trang sức 24K các loại nhưng vẫn thấp hơn vàng SJC khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.
Trong báo cáo kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết giá vàng trong nước tăng theo giá thế giới do tình hình kinh tế thế giới dự báo tiêu cực, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, các nước đều đưa ra gói kích thích kinh tế. Trong nước, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao.
Chỉ số giá vàng tháng 7 tăng 3,49% so với tháng trước; tăng 28,57% so với cùng kỳ năm trước.
Về diễn biến tỉ giá, Tổng cục Thống kê nhận định lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá USD tháng 7 giảm 0,23% so với tháng trước; giảm 0,32% so với cùng kỳ năm trước.
T.Phương
Người lao động
|