Ảnh hưởng giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước cũng tăng vọt trong những ngày qua, phá vỡ các kỷ lục cũ và chạm mốc cao nhất, từ 57,5-57,9 triệu đồng/lượng theo giá bán ra. Dù triển vọng dài hạn của giá vàng vẫn theo xu hướng đi lên, nhưng rủi ro đối với người mua vào hiện nay là không nhỏ.
“Kích” giá vàng từng ngày
Ngày 13-7, Chính quyền Mỹ tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về biển Đông, đánh dấu sự leo thang căng thẳng song phương. Một tuần sau, ngày 21-7, Mỹ đột ngột yêu cầu Trung Quốc trong vòng 72 giờ phải đóng cửa tổng lãnh sự quán của nước này ở thành phố Houston - bang Texas, nhằm “bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”. Thị trường vàng quốc tế nhanh chóng nhảy vọt 28 đô la Mỹ, lên 1.845 đô la/ounce.
Ngày 22-7, nhằm đáp trả hành động của Washington, Bắc Kinh cho biết đang xem xét đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán trong số năm lãnh sự quán tại các thành phố Thành Đô, Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương và Vũ Hán. Trong cùng ngày giá vàng quốc tế tiếp tục tăng dựng đứng thêm 30 đô la, chạm mốc 1.872 đô la/ounce và chưa cho thấy dấu hiệu sẽ dừng lại.
Thị trường quốc tế có thể chịu áp lực chốt lời ngày càng mạnh khiến khả năng điều chỉnh giá vàng đang lớn dần, khi đã trải qua chuỗi tăng tốc liên tiếp từ tuần trước đến nay, đặc biệt khi tiệm cận mốc 2.000 đô la/ounce, ngưỡng kháng cự tâm lý cực kỳ quan trọng.
|
Thị trường vàng có thêm hai ngày cuối tuần bứt phá thêm 34 đô la/ounce, đóng cửa trên 1.900 đô la/ounce. Và chỉ trong ngày đầu tuần này, giá vàng đã chính thức phá vỡ kỷ lục cao nhất mọi thời đại ở 1.920 đô la/ounce thiết lập vào ngày 6-9-2011. Mốc 2.000 đô la/ounce đang gần hơn bao giờ hết trước những căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Từ những mâu thuẫn về thương mại ban đầu, xung đột giữa hai nền kinh tế lớn đã leo thang liên tiếp trong hai năm qua, trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ tiền tệ đến công nghệ, giờ đây là mặt trận ngoại giao và chưa ai biết sẽ còn đến đâu. Trước những rủi ro địa chính trị do hai cường quốc lớn nhất hiện nay gây ra, giới đầu tư có lý do để lựa chọn vàng làm nơi trú ẩn an toàn.
Dòng vốn rót ròng kỷ lục
Tuy nhiên, rõ ràng yếu tố địa chính trị không phải là chất xúc tác duy nhất thúc đẩy thị trường kim loại quý này trong thời gian qua. Trước đó một tuần, vào ngày 14-7 khi giá vàng bước vào giai đoạn bứt phá mạnh, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đã công bố bản báo cáo đánh giá triển vọng thị trường vàng giữa năm 2020, trong đó nhấn mạnh kim loại quý này vẫn là danh mục đầu tư chủ chốt trong chiến lược phòng ngừa rủi ro.
Với mức tăng trưởng lên đến 16,8% trong nửa đầu năm nay, thị trường vàng đã có màn trình diễn xuất sắc vượt qua các phân lớp tài sản khác, từ các chỉ số chứng khoán, trái phiếu kho bạc lẫn trái phiếu doanh nghiệp Mỹ, cho đến các loại hàng hóa như dầu. Với đại dịch Covid-19 kéo theo môi trường lãi suất thấp và các chính sách nới lỏng định lượng vô hạn độ, giá vàng đã được lợi từ nhu cầu giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất của các nhà đầu tư, đánh dấu bởi dòng vốn chảy vào các quỹ đầu tư vàng ở mức kỷ lục.
Thống kê cho thấy lượng nắm giữ của các quỹ ETF vàng đã tăng thêm 104 tấn, tương đương 5,6 tỉ đô la trong tháng 6 vừa qua, đánh dấu tháng thứ bảy liên tiếp dòng vốn rót ròng vào, đưa tổng lượng nắm giữ của các quỹ này lên mức cao nhất mọi thời đại ở 3.621 tấn. Tính chung sáu tháng đầu năm nay, dòng vốn rót ròng vào các quỹ ETF trên toàn cầu lên đến 734 tấn, tương đương 39,5 tỉ đô la, tăng thêm 25% tính theo số lượng, cao hơn rất nhiều so với các mức kỷ lục trước đây, như mức kỷ lục cũ là 646 tấn trong năm 2009 - giai đoạn cao điểm khủng hoảng cách đây hơn 10 năm.
Ngay cả các ngân hàng trung ương (NHTƯ) cũng cho thấy nhu cầu gia tăng mạnh, khi lực mua vào trong nửa đầu năm nay cao hơn đáng kể so với lượng mua ròng kỷ lục nhiều thập niên qua đã chứng kiến trong năm 2018 và năm 2019. Cụ thể nhóm này đã hấp thụ đến 45% tổng lượng vàng sản xuất trên toàn cầu trong sáu tháng đầu năm. Trong bối cảnh các chính phủ đều chủ động phá giá tiền tệ thông qua các gói nới lỏng tiền tệ và tài khóa, dễ hiểu vì sao các NHTƯ tăng lượng vàng nắm giữ trong kho dự trữ ngoại hối của mình.
Triển vọng kế tiếp
Với tác động mạnh mẽ đến tâm lý giới đầu tư ngay lập tức, rủi ro địa chính trị mà đại diện là xung đột Mỹ - Trung sẽ tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng lên giá vàng trong thời gian tới. Lo ngại thay, những căng thẳng có khả năng sẽ còn leo thang, khi hai ứng cử viên trong cuộc đua vào chức vị tổng thống Mỹ cuối năm nay là ông Trump và Biden đều xem chính sách chống Trung Quốc là lá bài quan trọng để thu hút cử tri hiện nay.
Song song đó, những diễn biến từ dịch bệnh, thực trạng nền kinh tế và các kênh đầu tư khác cũng sẽ ảnh hưởng lên thị trường kim loại quý này. Dịch Covid-19 đang tiếp tục gây ra những hiệu ứng tàn phá lên nền kinh tế toàn cầu. Khả năng phục hồi theo hình chữ V ngày càng rời xa, khi nhiều quốc gia vẫn đang phải chống chọi với các đợt bùng phát lây nhiễm mới và buộc tái giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh này, các chính phủ, NHTƯ khắp toàn cầu có thể phải tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất, nới lỏng chính sách, mở rộng các chương trình mua tài sản, để ngăn chặn làn sóng phá sản doanh nghiệp ồ ạt và nền kinh tế rớt vào suy thoái quá sâu. Những hành động này sẽ bơm phồng thêm bong bóng tài sản, trong đó các kênh đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu tăng vọt nhưng hoàn toàn không dựa trên các yếu tố cơ bản, do đó nguy cơ lao dốc mạnh trở lại bất cứ lúc nào là tất yếu.
Thêm vào đó, các chính sách tài khóa mở rộng, chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế, xã hội trước những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, sẽ càng làm tăng nguy cơ lạm phát cao quay trở lại, yếu tố luôn hỗ trợ giá vàng. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng trước nhu cầu sụt giảm mạnh hiện nay do xã hội thắt chặt chi tiêu để đối phó với những bất ổn trong tương lai, giảm phát có khả năng xảy ra nhiều hơn. Dù vậy, cần lưu ý một nghiên cứu của Oxford Economics cho thấy giá vàng cũng tăng tốt trong các giai đoạn giảm phát, theo báo cáo của WGC.
Ảnh hưởng từ giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước cũng tăng vọt trong những ngày qua, phá vỡ các kỷ lục cũ và chạm mốc cao nhất trên 56 triệu đồng/lượng theo giá bán ra tại thời điểm viết bài này. Dù triển vọng dài hạn của giá vàng vẫn theo xu hướng đi lên tích cực, nhưng rủi ro trước mắt đối với người mua vào hiện nay là không nhỏ.
Thứ nhất, thị trường quốc tế có thể chịu áp lực chốt lời ngày càng mạnh khiến khả năng điều chỉnh giá vàng đang lớn dần, khi đã trải qua chuỗi tăng tốc liên tiếp từ tuần trước đến nay, đặc biệt khi tiệm cận mốc 2.000 đô la/ounce, ngưỡng kháng cự tâm lý cực kỳ quan trọng. Quá khứ cho thấy giá vàng thế giới đã phải mất khoảng thời gian 21 tháng (từ tháng 1-2008 đến tháng 9-2009) mới có thể thoát khỏi vùng kháng cự quanh 1.000 đô la/ounce.
Thứ hai, rủi ro điều chỉnh thực chất cũng đã thể hiện qua chính sách niêm yết giá giao dịch của doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước. Cụ thể, mỗi khi giá vàng tăng vọt và đứng trước nguy cơ giảm mạnh trở lại, các tổ chức này thường niêm yết giá cao hơn đáng kể so với giá thế giới quy đổi, đồng thời mở rộng chênh lệch giá mua vào - bán ra, nhằm đẩy rủi ro về phía khách hàng. Điều này đã bắt đầu diễn ra lại kể từ tuần trước đến nay.
Thực tế với chính sách Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng hiện nay, nguồn cung trong nước có nhiều hạn chế, nên mỗi khi thị trường thế giới biến động mạnh, các tổ chức mua bán vàng trong nước buộc phải niêm yết giá bán ra cao hơn đáng kể so với giá quốc tế quy đổi lẫn giá mua vào, nhằm hạn chế bớt lực mua với mục đích đầu cơ lướt sóng.