Vay vàng thời loạn giá: Lo đứng, lo ngồi vì nợ tăng vài trăm triệu mỗi năm
Giá vàng biến động mạnh, có ngày tăng đến hàng triệu đồng/lượng khiến không ít người "mất ăn, mất ngủ", đặc biệt là những người vay vàng để mua đất, mua nhà hoặc kinh doanh.
Lo đứng, lo ngồi vì vàng tăng dựng đứng
Sau khi giá vàng SJC tăng mạnh, lên đỉnh 58 triệu đồng/lượng (chiều bán ra) ngày 28/7, giá vàng đã giảm nhẹ xuống trong các ngày 29-30/7. Đến sáng nay (31/7), giá vàng SJC neo ở mức 57,4 triệu đồng/lượng (bán ra) và 56,4 triệu đồng (mua vào).
Vàng tăng giá điên loạn khiến kẻ khóc, người cười
|
Cách đây 1 tháng, giá vàng ngày 30/6 ghi nhận mức 49 đến 49,5 triệu đồng/lượng. Và chỉ sau một tháng, giá vàng đã tăng từ 7,6 đến hơn 8 triệu đồng/lượng.
Mức giá tăng cao và tăng sốc chỉ trong một tháng khiến nhiều người lo lắng. Người có tiền để trong ngân hàng tiếc nuối, người mua bán đất gặp khó khăn do giá vàng lên chóng mặt, tiền quy đổi từ vàng mất giá.
Đáng ngại nhất là người mua đất, kinh doanh phải vay mượn vàng của người thân quen để làm vốn. Chị Nguyễn Thị Minh Hòa, Đan Phượng, Hà Nội cho biết: "Tôi vay hơn hai cây vàng của họ hàng từ năm ngoái, khi giá vàng mới ở ngưỡng 39 triệu đồng/lượng. Cứ nghĩ giá vàng sẽ chỉ biến động nhẹ từ vài chục, đến vài trăm nghìn như 2 đến 3 năm trước nhưng đến thời điểm hiện tại thì rất sốc. Giờ chỉ mong giá vàng hạ nhiệt để lo trả nợ".
Theo chị Hòa, khoản nợ vay 2 cây vàng từ năm ngoái đến nay đã tăng thêm 36 triệu đồng, tiền nợ tăng gấp nhiều so với vay ngân hàng hoặc quỹ tín dụng nhân dân.
Theo chị Hòa, nhiều người ở quê rất khó tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, bởi người dân chỉ có nhà và đất, không chứng minh được nguồn thu nhập ổn định trả nợ.
Giá vàng dù không tăng sốc so với các ngày 23 đến 28/7, song vẫn neo ở ngưỡng rất cao, rất khó lòng để hạ
|
Với những trường hợp người dân bỏ vốn kinh doanh, nuôi gia súc, gia cầm hoặc mở rộng canh tác nhưng không có tài sản đảm bảo lớn như ô tô, nhà cửa sẽ không thể vay được ngân hàng, thì kênh "cứu cánh" cho họ vẫn là vay của người thân, bạn bè, hội làng, hội xóm...
Bán tháo hàng, gán nhà trả nợ vì trót vay vàng
Chị Vũ Thị Xuân Tươi, tại Đông Anh, Hà Nội cho biết: "Một số địa phương có quỹ tín dụng nhân dân, vốn vay dao động từ 9-11%/năm, tuy nhiên tài sản thế chấp yêu cầu lớn và khó khăn. Trong khi, vay của người thân quen bằng vàng khá dễ dàng chỉ cần hai bên soạn 1 hợp đồng, có xác nhận của địa phương là vay được".
Theo chị Tươi, vay vàng đều trả bằng vàng hoặc giá trị quy đổi tiền VND tương đương tại thời điểm trả nợ. Chính vì vậy, khi giá vàng tăng mạnh, người vay mượn vàng rất khốn đốn, còn khi giá vàng bình lặng như các năm 2017 - 2018 không ít người vay vàng đã mừng thầm vì giá vàng cả năm dường như rất ít biến động.
"Do mở rộng kinh doanh năm 2018, tôi phải chấp nhận vay tiền từ hội nhóm và vay vàng. Hết năm 2019, số tiền vay hội nhóm đã trả xong, nhưng số vay vàng hơn 15 cây vẫn còn đó. Gánh nợ ngày càng lớn dần trong khi hàng hóa đang rất khó khăn, chật vật. Nếu giá vàng tiếp tục neo mốc cao, có thể phải bán tháo hàng trả nợ".
Theo chị Tươi, giá vàng từ đầu năm 2018 thời điểm chị này vay chỉ khoảng 37 đến 38 triệu đồng/lượng, khi giá vàng tăng lên 44 triệu đồng/lượng dịp đầu năm 2020, chị này đã trả được 5 cây vàng, còn 10 cây vàng đến nay vẫn chưa trả được hết.
Biểu đồ giá vàng đi ngang khiến nhiều người đỡ lo, tuy nhiên giá vàng sẽ tăng do dịch bệnh và việc các nền kinh tế đẩy cung tiền kích thích tăng trưởng
|
"10 cây vàng từ năm 2018 có số tiền gốc là 380 triệu đồng, tiền lãi vay vàng qua 2 năm đã lên đến gần 200 triệu đồng, tương ứng gần 3%/tháng, số lãi năm dao động từ 36%/năm, cao gấp gần 3 lần so với lãi vay ngân hàng. Tính đến nay, cả gốc và lãi đến hơn 580 triệu đồng", chị Tươi lo ngại chia sẻ.
Chị Tươi cho biết, không chỉ riêng mình chị vay vàng mà rất nhiều người kinh doanh, buôn bán đã chấp nhận vay vàng để ôm hàng khi thấy có cơ hội. Và cũng vì lý do này mà rất nhiều người khốn đốn vì giá vàng tăng.
Anh Phạm Đức Mạnh, mở cửa hàng chuỗi cửa hàng cafe trên phố cổ Hà Nội cũng gặp tình cảnh tương tự khi vay vàng kinh doanh. Vốn góp của các bạn không đủ, anh này phải thế chấp nhà cửa của bố mẹ để vay vàng. Dịch Covid-19 bùng phát, khách ít và tính đến thời điểm này đã cực kỳ khó khăn, phương án tính đến là sang nhượng cửa hàng, song bất thành.
"Kinh doanh thất bát, đổi từ bán cafe sang bán phở rồi bán đồ ăn giao ngay cũng không đủ trang trải chi phí, lỗ chồng lỗ. Chúng tôi chào sang nhượng cửa hàng từ đầu tháng 7 đến nay vẫn không có khách hỏi. Dịch bệnh đang khiến nợ càng thêm nợ, thậm chí tôi đã nghĩ đến chuyện thế chấp hoặc bán luôn căn hộ của mình để trả nợ", anh Mạnh buồn rầu nói.
An Linh
Dantri
|