Mở đường tới thành phố sáng tạo phía Đông
Hạ tầng giao thông là một trong những vấn đề đầu tiên được đặt ra trong kế hoạch xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của TP.HCM.
Thành phố phía Đông được kỳ vọng sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế TP.HCM theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ...NGỌC DƯƠNG
|
Tái nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 1
Theo kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM, khu vực phía Đông TP (Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức) sẽ được xây dựng và phát triển thành khu vực dẫn dắt kinh tế TP trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao. Tin từ Văn phòng UBND TP cho biết về quy hoạch phát triển đô thị, TP sẽ hoàn thành công tác lập các đồ án quy hoạch và hoàn thành phê duyệt bộ tiêu chuẩn đánh giá vào tháng 12.2021. Sau đó, lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại khu vực. Đồng thời, UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan lập danh mục, kế hoạch và khái toán đầu tư các công trình hạ tầng giao thông cho khu vực hướng Đông. Đáng chú ý, đặt mục tiêu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân Khu đô thị sáng tạo phía Đông đến năm 2040, lãnh đạo TP yêu cầu mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Đây không phải lần đầu tiên ý tưởng kéo dài tuyến metro số 1 được đặt ra. Từ năm 2016, cả 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị kéo dài tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP tới 2 địa phương này. Khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai “xin” kéo dài tuyến metro số 1 đến ngã ba Vũng Tàu với chiều dài 4,7 km. Tương tự, UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị cần kéo dài tuyến metro số 1 thêm 1,8 km đến điểm cuối gần đường Mỹ Phước - Tân Vạn (TP.Dĩ An). Kiến nghị của 2 địa phương nhận được sự đồng thuận của TP.HCM và các bên đã cùng nhóm nghiên cứu của Nhật Bản (Công ty Nippon Koei) thực hiện nghiên cứu tiền khả thi cho dự án. Tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan, dự án phải tạm dừng và cho đến cuối năm 2019, khi tuyến metro số 1 đang dần tăng tốc về đích, các đơn vị đã rục rịch tái khởi động dự án này.
Trong cuộc họp gần nhất với UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty Nippon Koei cho biết đã làm việc với cả 3 địa phương để thống nhất về chủ trương đầu tư, nhằm tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Nippon Koei đề xuất, đoạn metro kéo dài sẽ là một dự án độc lập với tuyến metro số 1 hiện hữu, như vậy các thủ tục đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án tuyến metro kéo dài có hướng tuyến cụ thể: từ Ga Suối Tiên hiện nay kéo dài thêm 2 km đến khu vực Bình Thắng (TP.Dĩ An, Bình Dương), xây dựng 1 nhà ga tại đây, sau đó tuyến metro sẽ tách ra đi theo 2 hướng về TP.Biên Hòa (Đồng Nai) và đi trung tâm TP.Dĩ An (Bình Dương). Hướng tuyến đi về TP.Biên Hòa hiện chưa có các điểm ga cố định mà chỉ là các nhà ga giả định nên cần phải tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu. Đồng thời, mới đây nhóm nghiên cứu có thông tin về Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 sẽ chuyển đổi công năng thành khu dân cư, do đó đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán để xác định hướng tuyến và điểm xây dựng nhà ga ở khu vực này.
Giảm ùn tắc, thúc đẩy kinh tế toàn vùng
Đồng Nai là địa phương sớm nhất có đề xuất kéo dài tuyến metro số 1, ngay từ khi mới quy hoạch. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh này nằm giáp với cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, nơi có lưu lượng người dân và xe cộ đi lại rất lớn. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh có gần 30 KCN, kéo theo lượng người đi lại giữa Đồng Nai và TP.HCM đông đúc. Theo quy hoạch, 8 tuyến metro của TP.HCM sẽ kết nối với các đô thị vệ tinh trong vùng như Thủ Dầu Một (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai)... Mặt khác, Đồng Nai đã có sẵn quỹ đất để xây tuyến đường sắt đô thị và nhà ga qua KCN Biên Hòa 2, vì thế khối lượng giải phóng mặt bằng không lớn. Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, khi đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ giúp giảm bớt khoảng 30% thời gian lưu thông hàng hóa, rút ngắn khoảng cách từ các nhà máy tới các cảng nước sâu tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong tương lai sẽ rút ngắn thời gian đi lại của người dân đến sân bay Long Thành (Đồng Nai). Ngoài ra, khi kéo dài tuyến metro đến Mỹ Phước - Tân Vạn, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, giảm thiểu việc di dời các công trình hạ tầng do nằm ở ngoại thành. Đồng thời, tăng tính kết nối khu vực giữa 3 đô thị TP.HCM, TP.Biên Hòa và TP mới Bình Dương.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, đánh giá dự án kéo dài tuyến metro số 1 về Đồng Nai và Bình Dương có tác động rất tích cực đến giao thông và kinh tế không chỉ của Khu đô thị sáng tạo phía Đông, của TP.HCM mà của cả toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cụ thể, là đầu mối trung chuyển hàng hóa của toàn vùng Đông Nam bộ nhưng hệ thống giao thông kết nối giữa TP.HCM đi các tỉnh quá yếu. Vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương về TP.HCM chủ yếu theo QL13. Với hơn 13 KCN, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc hàng “khủng” khiến tình trạng ách tắc diễn ra kinh hoàng cả ngày lẫn đêm. Đường di chuyển từ Biên Hòa về tới tận TP.HCM đoạn cầu Sài Gòn cũng không mấy khi thông thoáng. Hầu hết các tuyến đường quốc lộ, khu vực cửa ngõ, thậm chí là đường cao tốc cũng thường xuyên ùn tắc, khiến chi phí vận chuyển hàng hóa đội lên rất nhiều, xuất khẩu không cạnh tranh được, ảnh hưởng lớn đến kinh tế TP cũng như phát triển kinh tế toàn vùng.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng cũng ủng hộ phương án tách riêng dự án kéo dài tuyến metro số 1 của đơn vị tư vấn, đồng thời khuyến nghị có thể lựa chọn làm đường sắt nhẹ vì đầu tư đơn giản, dễ làm và tốn ít chi phí hơn đường sắt nặng.
Đồng bộ hạ tầng nội thị và liên vùng
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban QLDA), cho biết đối với việc xây dựng hạ tầng giao thông kết nối cho TP sáng tạo phía Đông, Ban QLDA chủ trương quy hoạch thành 2 khung chính, bao gồm hoàn chỉnh giao thông nội thị phục vụ đi lại cho người dân và kết nối liên vùng, liên khu vực. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn, xây dựng các tuyến buýt nhanh (BRT) và kết nối giao thông đường bộ, đường thủy.
Để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng nội thị, đơn vị này đang gấp rút thúc các quận, huyện nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thiện các dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 và hầm chui, cầu vượt trước khu vực Bến xe Miền Đông. Tiếp đến, loạt công trình như mở rộng đường Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, cầu Thăng Long, cầu Công Lý… sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2022. Giai đoạn 2023 - 2025, nhiều dự án trọng điểm như khép kín đường Vành đai 2, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 2 - 3 - 4, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, nút giao An Phú… cũng sẽ hoàn thành, kết nối tất cả các hướng Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức về trung tâm TP.
Song song, các dự án kết nối liên vùng, liên khu vực gồm đường Vành đai 3, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành… sẽ được triển khai, thi công nhanh chóng để đảm bảo giao thông, giao thương từ TP sáng tạo phía Đông đến các tỉnh, thành lân cận.
“Đây đều là các dự án đã có trong quy hoạch hiện hữu. Trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch cụ thể cho TP sáng tạo phía Đông, từ nay đến cuối năm, TP cùng các sở, ngành sẽ có thảo luận, định hướng sát hơn, xây dựng thêm kế hoạch chi tiết nhiều cấu phần trong quy hoạch giao thông, hạ tầng cấp thoát nước… cho khu vực này”, ông Lương Minh Phúc thông tin.
“Nếu kết nối được giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn như metro, các tuyến đường trên sẽ được giải tỏa áp lực kẹt xe rất nhiều. Giao thông thông thoáng đồng nghĩa thúc đẩy giao thương, kinh tế toàn vùng phát triển. Đặc biệt, giá bất động sản dọc tuyến cùng những khu vực gần nhà ga tăng lên, nếu được tận dụng quy hoạch bài bản sẽ mang lại giá trị rất lớn cho cả 3 địa phương”.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng
|
Hà Mai
Thanh niên
|