Thứ Sáu, 07/08/2020 14:26

Sau trận mưa lịch sử, có bao nhiêu tuyến đường tại TP.HCM chìm trong biển nước?

TP.HCM vừa trải qua trận mưa to kỉ lục với vũ lượng mưa đo được tại khu vực trung tâm có thời điểm lên tới 212 mm

Sau trận mưa lịch sử, có bao nhiêu tuyến đường tại TP.HCM chìm trong biển nước?
Cả thành phố chìm trong biển nước sau cơn mưa lịch sử chiều qua (6.8). Ảnh: Vũ Vũ

Mưa, ngập nước từ lâu đã không còn là điều xa lạ đối với người dân TP.HCM. Thế nhưng hình ảnh tất cả các tuyến đường từ trung tâm tới cửa ngõ đều chìm trong "biển nước", có nơi ngập tới hơn 6 giờ đồng hồ như trong trận mưa kéo dài từ cuối giờ chiều qua (6.8) khiến không ít người ám ảnh.

Trên khắp các trang mạng xã hội, hình ảnh người Sài Gòn bì bõm lội nước, hàng trăm xe máy, ô tô chết máy giữa dòng nước lênh láng ở nhiều khu vực nhanh chóng được chia sẻ.

Khu vực trung tâm TP cũng chìm trong biển nước. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Theo báo cáo của trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, hầu hết các tuyến đường đều hứng chịu cơn mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước với vũ lượng mưa đo được cao nhất ở trạm Mạc Đĩnh Chi (Q.1) là 212 mm; Tiếp đến là trạm Thanh Đa 199,5 mm và trạm "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh xấp xỉ 195 mm. Vũ lượng mưa ghi nhận được tại khu vực trung tâm được nhận định là lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM.

Cơn mưa lớn kéo dài từ 18 giờ đến 23 giờ 30 phút cùng với triều cường (mức triều dâng cao nhất đo được tại trạm KST Bình Triệu lúc 17 giờ 30 phút là 1,12m) đã gây ngập 38 tuyến đường (ngập từ 0,1 m đến 0,3 m). Trong đó, đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) là khu vực có thời gian ngập lâu nhất với đoạn bị ngập dài 250 m, ngập sâu 0,2 m trong khoảng thời gian 390 phút (tương đương 6,5 giờ). Thời điểm bắt đầu ngập được ghi nhận là gần 20 giờ tối 6.8, thời điểm nước rút là 7 giờ sáng nay 7.8.

Nguyên nhân tuyến này ngập lâu được ghi nhận là do mưa vượt tần suất thiết kế 189,7 mm, mặt đường trũng cục bộ, hệ thống cống hiện hữu có tiết diện nhỏ (D400 – D600) đầu tư đã lâu. Trong khi đó, tuyến đường Lê Văn Thọ là trục thoát nước chính cho hạ lưu tuyến đường Cây Trâm, hiện không đảm bảo thoát nước cho khu vực.

"Rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) được ghi nhận ngập trong 2 tiếng. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP lý giải do mặt đường khu vực ngập thấp trũng cục bộ, cống thoát nước D1000 hiện hữu bị lún, võng. Dự án Cầu Thủ Thiêm đã thi công xong tuyến cống hộp (BxH = 1,6x1,6m) là phần hạ lưu của tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, tuy nhiên cao độ đáy cống phần hạ lưu cao hơn thượng lưu 0,6m. Cao độ mặt đường thấp hơn mực nước triều +1,0m và một phần do ảnh hưởng dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang thi công chưa hoàn thiện. 

Nước ngập cao trong cơn mưa tầm tã khiến nhiều xe chết máy trên đường 3 tháng 2 Q.10 (Ảnh chụp lúc 21 giờ 30) Ảnh: Đậu Tiến Đạt

 

Danh sách 38 tuyến ngập do mưa chiều 6.8 gồm:

Nguyễn Văn Khối, Phan Huy Ích, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Bình Lợi, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Quốc Lộ 13 (quận Bình Thạnh).

Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Duy Trinh, Thảo Điền (quận 2); Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân); Lê Văn Việt (quận 9)

Hồ Văn Tư, Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)

An Dương Vương, Phan Anh (quận 6), Tô Hiến Thành, 3-2 (quận 10); Kỳ Đồng, Võ Văn Tần, Cao Thắng (quận 3); Pasteur, Nguyễn Trung Trực, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Mai Thị Lựu (quận 1); Phan Văn Hớn (quận 12- Hóc Môn), Bà Triệu, Song Hành Quốc lộ 22 (Hóc Môn).

Đại diện trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP lý giải có nhiều nguyên nhân gây ngập cho TP.HCM. Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa TP diễn ra quá nhanh, hệ thống hạ tầng thoát nước không thể theo kịp. Thứ hai, hiện tượng thời tiết cực đoan như những trận mưa lớn vũ lượng cao, thời gian mưa ngắn diễn ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung cũng như công tác thoát nước nói riêng đã được đầu tư quá lâu, duy trì cho tới bây giờ nên thiết kế không đủ đáp ứng được năng lực tiêu thoát hiện nay. Các trận mưa vũ lượng lớn vượt quá thiết kế gây quá tải hệ thống thoát nước.

Ngoài ra, người dân ý thức kém thường xuyên vứt rác bừa bãi, trôi xuống gây tắc hố ga thoát nước, nghẽn dòng kênh, rạch. “Đặc biệt, hệ thống kênh rạch có vị trí xung yếu thoát nước cho cả khu vực nhưng bị lấn chiếm nhiều, dòng chảy thu hẹp nghiêm trọng. Nhiều vị trí đã được hợp pháp hóa giấy tờ, trách nhiệm giải tỏa thuộc UBND các quận, huyện nhưng tiến độ rất chậm”, vị này cho hay.

Cũng theo thông tin từ đơn vị này, giai đoạn 5 năm qua, số kinh phí ngân sách TP đầu tư cho hoạt động chống ngập thấp nhất là 796 tỉ đồng năm 2016, cao nhất là khoảng 2.222 tỉ đồng vào năm nay. Các dự án giải quyết ngập theo hình thức PPP là 9.927 tỉ đồng, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỉ đồng. Tổng cộng, toàn bộ kinh phí đã “đổ” vào công tác chống ngập từ 2016 - 2020 là 25.998 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD nhưng ngập vẫn hoàn ngập, cứ mưa là ngập khiến người dân ngày càng bức xúc.

 

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (07/08/2020)

>   Chuẩn bị nguồn lực cho khu đô thị sáng tạo phía Đông (06/08/2020)

>   Cao tốc Bắc - Nam bao giờ về đích? (05/08/2020)

>   Lời giải nào cho khu công nghiệp: Vẽ cho nhiều... để bỏ hoang (04/08/2020)

>   24.400 tỷ đồng mở rộng cửa ngõ Sài Gòn (04/08/2020)

>   Cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp được 'giải cứu' (03/08/2020)

>   14 nhà đầu tư tham gia đấu thầu cao tốc Bắc Nam (03/08/2020)

>   Trình Chính phủ thành lập thành phố Phú Quốc (01/08/2020)

>   'Chấm điểm' chọn dự án ưu tiên đầu tư (01/08/2020)

>   Tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương: Đền bù 150 triệu/m2, nhiều hộ dân chê thấp (31/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật