Thế giới trước bài toán khôi phục việc làm thời COVID-19
ILO cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch COVID-19 gây ra có thể đẩy thêm 25 triệu người vào đội quân thất nghiệp trên toàn cầu, cùng với con số 188 triệu người thất nghiệp năm 2019.
25 triệu người có khả năng mất việc do COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 576.000 người tính đến ngày 14/7, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 còn khiến nền kinh tế thế giới biến động và đẩy hàng trăm triệu người đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai.
Các chính phủ đang phải căng mình để cứu nền kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch COVID-19 gây ra có thể đẩy thêm 25 triệu người vào đội quân thất nghiệp trên toàn cầu, cùng với con số 188 triệu người thất nghiệp trong năm 2019.
ILO thừa nhận rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với thị trường việc làm nghiêm trọng hơn nhiều so với ước tính.
Tổng số giờ làm việc trên toàn cầu đã giảm 14% trong quý 2/2020, tương đương 400 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần).
Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) trước đó của ILO.
Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp hỗ trợ người lao động với quy mô và phạm vi chưa từng có tiền lệ, nhằm tăng khả năng hồi phục nền kinh tế.
Người dân xếp hàng bên ngoài trung tâm giới thiệu việc làm ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Mỹ mở rộng đáng kể chương trình trợ cấp thất nghiệp với giả định rằng lao động sẽ có việc nhanh chóng khi dịch bệnh qua đi.
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã tung ra gói cứu trợ với tổng giá trị 2.200 tỷ USD vào cuối tháng 3. Gói cứu trợ bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp, khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn như hàng không.
Chính phủ các nước châu Âu cũng chi khoản tiền lớn để hỗ trợ người lao động và giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên trong thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Các doanh nghiệp Pháp được chính phủ hỗ trợ trả 84% tiền lương cho người lao động. Chính phủ Anh cũng quyết định chi trả 80% tiền lương cho người lao động với mức trần 2.500 bảng Anh (2.900 USD)/tháng trong ít nhất 3 tháng.
Chính phủ Đức đã ra mắt một nền tảng trực tuyến giải ngân khoản tiền cứu trợ lên tới 25 tỷ euro (28 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, nước này cũng đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng, đồng thời triển khai các biện pháp khẩn cấp giúp các công ty tránh bị phá sản cũng như công nhân không bị mất việc làm, như giảm thời gian làm việc bắt buộc nếu có 10% số lao động trong công ty có nguy cơ mất việc (quy định trước đây là 1/3); chính phủ sẽ hỗ trợ trả 60% lương ròng cho người lao động cho khoảng thời gian bị giảm công việc, cũng như hỗ trợ các khoản đóng góp xã hội cho số giờ bị giảm.
Một xưởng may các sản phẩm bảo hộ cá nhân ( PPE) tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Tại châu Á, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố các gói kích thích tài chính bổ sung lớn, tập trung vào việc duy trì việc làm. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố một công cụ đặc biệt để cung cấp vốn không tính lãi cho các ngân hàng nhỏ hơn nhằm hỗ trợ các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ.
Singapore công bố gói hỗ trợ 4 tỷ USD cho người lao động và các doanh nghiệp. Cụ thể, chương trình hỗ trợ việc làm sẽ giúp các doanh nghiệp có tiền để giữ người lao động; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và một loạt các biện pháp về thuế doanh nghiệp khác trong thời gian một năm.
Đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 cũng là chủ trương được Chính phủ Việt Nam triển khai từ sớm, thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, các chính sách tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải.
Với những thành công đáng kể trong kiểm soát dịch COVID-19, Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee đánh giá rằng Việt Nam ở vị thế tốt hơn hầu hết các nước khác để vượt qua những thách thức về kinh tế và thị trường lao động.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, một giải pháp được nhiều quốc gia hướng tới là mở cửa nền kinh tế nhằm khôi phục việc làm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tính tới ngày 14/7 đã là hơn 13 triệu người, chính phủ nhiều quốc gia đang đứng trước bài toán khó: tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm bảo vệ mạng sống cho người dân, bất chấp thiệt hại về kinh tế, hay tập trung vào việc mở cửa trở lại nền kinh tế nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới, dù chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Trên thực tế thì hơn 1 tháng qua, nhiều quốc gia đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế, và thị trường việc làm cũng có những dấu hiệu cải thiện. Như ở Canada, thị trường việc làm đã tăng kỷ lục trong tháng 6 với việc bổ sung thêm 953.000 việc làm, khi các hạn chế nhằm kiểm soát COVID-19 được nới lỏng trên cả nước.
Cộng thêm 290.000 việc làm tăng trong tháng 5, thị trường việc làm của Canada đã phục hồi được 40% trong số 3 triệu việc làm đã bị mất vì đại dịch COVID-19, kéo tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm từ mức kỷ lục 13,7% trong tháng 5 xuống còn 12,3% trong tháng 6.
Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6 khi nhiều doanh nghiệp trên cả nước bắt đầu mở cửa trở lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn hai điểm phần trăm xuống còn 11,1%.
Song song với dấu hiệu tích cực đó, thế giới cũng chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến. Khoảng thời gian để số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng thêm 1 triệu ngày càng ngắn lại, từ 1 tháng xuống 1 tuần, và hiện chỉ chưa đầy 5 ngày số ca nhiễm đã tăng từ 12 triệu lên 13 triệu người.
Vấn đề mở cửa trở lại nền kinh tế đang gây tranh cãi tại Mỹ. Chính quyền hơn 10 bang, hầu hết là ở miền Nam và miền Tây phải đảo ngược hoặc dừng kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump không ít lần gây sức ép hối thúc chính quyền các bang sớm mở cửa nền kinh tế bởi theo ông, việc các doanh nghiệp hoạt động trở lại là yếu tố quyết định giúp số lao động được tuyển dụng tại Mỹ trong tháng 5 tăng lên mức kỷ lục (6,5 triệu người) và tình trạng sa thải nhân viên dịu bớt.
Người dân xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc tại thành phố Arlington, bang Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trong khi đó, Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, lại cảnh báo các nước, đặc biệt là Mỹ - quốc gia đang chịu tác động của dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất, không nên mở cửa nền kinh tế quá sớm, bởi "đây sẽ là một mối nguy thực sự, về một đợt bùng phát mới của dịch bệnh mà bạn không thể kiểm soát, và khi đó điều này không những làm gia tăng các ca bệnh, các ca tử vong, mà thậm chí còn kéo bạn thụt lùi trên con đường phục hồi kinh tế."
Theo kết quả khảo sát mới của Công ty tư vấn marketing và quan hệ cộng đồng Edelman (Mỹ) về quan điểm của người dân trước câu hỏi các chính phủ nên ưu tiên điều gì: sức khỏe cộng đồng hay việc làm cho người lao động, 67% trong số 13.200 người được hỏi tại 11 quốc gia nhất trí rằng chính phủ nên cứu sống càng nhiều mạng người càng tốt, ngay cả khi điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng hơn và phục hồi chậm hơn, trong khi số còn lại cho rằng việc chính phủ khôi phục việc làm và khởi động lại nền kinh tế quan trọng hơn là thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để có giữ an toàn cho người dân.
Xét trên cơ sở từng quốc gia, Nhật Bản là nước có tỷ lệ người dân chọn ưu tiên mạng sống con người cao nhất (76%), tiếp đó là Anh (73%), Pháp (70%), Mỹ và Đức cùng là 66%.
Tại Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch COVID-19 tháng 12/2019, 44% số người được hỏi cho biết họ muốn chính phủ mở cửa trở lại nền kinh tế bất chấp có ảnh hưởng đến sinh mạng của công dân hay không.
Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Laurence Boone, cho rằng điều lo ngại hơn cả, là các biện pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ, kinh tế được mở cửa trở lại, nhưng thế giới vẫn chưa có vắcxin, chưa có thuốc trị virus. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực kinh tế chưa hoặc không thể nào hoạt động bình thường trở lại như trước mùa dịch.
Cũng theo ông Laurence Boone, tác động kèm theo là sẽ có nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhiều người bị thất nghiệp. Đây chính là những lĩnh vực cần được chính phủ hỗ trợ. Sự giúp đỡ đó phải đi theo hai hướng.
Một là giúp các công ty bị ảnh hưởng tái cơ cấu và có thể là chuyển hướng hoạt động.
Hai là tạo điều kiện cho người thất nghiệp dễ hội nhập trở lại vào thị trường lao động. Tuy nhiên, cả hai hướng đi này đều đòi hỏi thời gian và chắc chắn là giai đoạn chuyển tiếp đó sẽ rất đau đớn.
Bởi vậy, OECD đã khuyến nghị chính phủ các nước "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để bảo vệ các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng.
ILO khuyến cáo khả năng phục hồi thị trường lao động thế giới trong 6 tháng cuối năm nay hầu như không chắc chắn. Ngay cả với kịch bản tích cực nhất, thế giới vẫn phải đối mặt nguy cơ tiếp tục chứng kiến tổn thất việc làm trên quy mô lớn.
ILO khuyến cáo rằng người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi đảm bảo được các điều kiện cần thiết để có thể ngăn chặn dịch bệnh tái diễn.
Bảo vệ sinh kế của người dân trong giai đoạn khó khăn này chính là bảo vệ nền tảng của xã hội, đây cũng là cơ sở mở đường cho giai đoạn hồi phục và chiến thắng trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
Cùng với đó, các quốc gia cần tiếp tục các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, đảm bảo số ca mắc mới giảm xuống và một đợt bùng phát dịch thứ hai sẽ không diễn ra ngay khi đợt dịch đầu tiên vừa mới tàn phá thế giới.
Điều đó buộc các nước phải tìm được một lộ trình mở cửa thận trọng, từng bước, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, còn gọi là lộ trình mở cửa an toàn, đồng thời khôi phục việc làm một cách hiệu quả.
Đó là vấn đề cấp thiết, dù không dễ giải quyết, bởi như Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định : “Những quyết định mà chúng ta lựa chọn lúc này sẽ có tác động trong nhiều năm tới, cho đến cả năm 2030 và xa hơn nữa. Mặc dù các quốc gia đang trải qua những giai đoạn khác nhau của đại dịch và còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta cần nỗ lực gấp đôi nếu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này và để thế giới trở nên tốt đẹp hơn giai đoạn trước khi dịch bệnh xảy ra”./.
Thanh Phương
Vietnam+
|