Dịch COVID-19 sáng 14-7: Tổng giám đốc WHO cảnh báo 'quá nhiều nước đi sai hướng'
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo cuộc khủng hoảng do COVID-19 có thể 'tồi tệ hơn' nếu các nước không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa y tế nghiêm ngặt. Chỉ trong 5 ngày, số ca nhiễm mới trên toàn cầu tăng thêm tới 1 triệu.
Một du khách đeo khẩu trang khi xem ảnh tại một triển lãm ở trung tâm nghệ thuật Barbican vào ngày đầu tiên mở cửa trở lại của trung tâm này theo sau việc nới lỏng các biện pháp hạn chế ở London hôm 13-7. Ảnh: REUTERS
|
Số ca nhiễm mới toàn cầu tăng 1 triệu chỉ trong 5 ngày
Theo cập nhật của trang Worldometers lúc 6h sáng 14-7, trên toàn cầu đã ghi nhận tổng cộng hơn 13,2 triệu ca nhiễm, hơn 7,6 triệu ca hồi phục và hơn 574.700 ca tử vong do COVID-19.
Hãng tin Reuters cho biết sau khi các ca bệnh COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, mất 3 tháng để số ca nhiễm trên toàn cầu lên tới 1 triệu. Tuy nhiên, những ngày qua, chỉ mất 5 ngày để số ca nhiễm toàn cầu tăng từ 12 triệu lên 13 triệu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra trong số 230.000 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 12-7, có 80% số ca nhiễm đến từ 10 quốc gia. Nghiêm trọng hơn, 50% số ca nhiễm đến từ chỉ hai quốc gia. Hiện tại Mỹ và Brazil là hai nước có số ca nhiễm cao nhất nhì thế giới.
WHO cảnh báo nhiều nước đi sai hướng
Với việc số ca nhiễm mới lan rộng như cháy rừng, nhiều quốc gia đầu tuần này đang tái áp đặt các biện pháp hạn chế, phong tỏa các thị trấn và thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Tuy nhiên, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 13-7 cảnh báo quá nhiều nước đang "đi sai hướng" trong cuộc chiến với "kẻ thù chung số 1" này, với việc nhiều chính phủ truyền đi các thông điệp mâu thuẫn dẫn tới phá hoại niềm tin. Tuy nhiên, ông Tedros không chỉ rõ nước nào.
"Sẽ không có chuyện quay lại trạng thái 'bình thường cũ' trong tương lai gần" - ông nói. Tổng giám đốc WHO cảnh báo nếu các chính phủ không áp dụng một chiến lược toàn diện và các nước không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa y tế nghiêm ngặt, tình hình sẽ trở nên "tồi tệ, tồi tệ và tồi tệ hơn".
Bang California lại đóng cửa nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim
Ngày 13-7, thống đốc bang California (bang đông dân nhất nước Mỹ), ông Gavin Newsom đã công bố kế hoạch ngừng mở cửa trở lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ở bang miền tây nước Mỹ này đang gia tăng mạnh.
Thống đốc Newsom, một thành viên đảng Dân chủ, đã ra lệnh các quán bar đóng cửa mọi hoạt động, còn các nhà hàng, rạp chiếu phim, sở thú và bảo tàng trên khắp bang này phải ngừng các hoạt động trong nhà. Ông nói rằng các nhà thờ, phòng gym, tiệm làm tóc cũng phải đóng cửa tại 30 hạt bị ảnh hưởng nặng nhất.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng gây áp lực cho các bệnh viện tại một số hạt, và dịch mạnh lên ở Los Angeles cùng các phần khác của khu vực vịnh San Francisco. Trong khi đó, hai học khu lớn nhất của bang California - Los Angeles và San Diego - đã thông báo sẽ chỉ học qua mạng (online) vào mùa thu.
Hồi tháng 3, California là bang đầu tiên ở Mỹ phát lệnh bắt người dân ở lại trong nhà trên khắp bang để chống dịch. Hành động này đã gây thiệt hại lớn cho kinh tế bang. Đến tháng 5, ông Newsom đã nhanh chóng cho hầu hết cơ sở kinh doanh mở lại.
LHQ dự đoán nạn đói toàn cầu trầm trọng hơn do COVID-19
Trong một báo cáo mới công bố ngày 13-7, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến thêm 132 triệu người đối mặt với nạn đói vào cuối năm nay. LHQ kêu gọi chính phủ các nước áp dụng một bộ công cụ chính sách để giúp người dân tiếp cận được thức ăn chất lượng.
Năm ngoái, hai tỉ người đã đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực, với khoảng 746 triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Với con số đang tăng nhanh, LHQ cảnh báo việc đạt được mục tiêu xóa đói toàn cầu vào năm 2030 đang gặp thách thức nghiêm trọng.
BẢO ANH
Tuổi trẻ
|