Thứ Hai, 13/07/2020 16:38

Ai thắng ai thua khi Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc?

Sau cuộc đụng độ biên giới, quan hệ Ấn - Trung trở nên lạnh nhạt. Những nỗ lực cải thiện quan hệ kinh tế lâu nay bị đe dọa, có thể gây thiệt hại cho cả hai quốc gia.

* Khẩu trang đính kim cương, vàng 'nở rộ' ở Ấn Độ

* Ba lý do Ấn Độ chưa thể cắt đứt ngay được với Trung Quốc 

* Sức đáp trả kinh tế của Ấn Độ trước Trung Quốc

Theo South China Morning Post, chính phủ Ấn Độ đang tiến hành hàng loạt biện pháp nhắm vào các công ty Trung Quốc.

Động thái này diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng leo thang tại biên giới tranh chấp giữa hai nước. Trước đó, 20 binh sĩ Ấn Độ đã tử vong trong cuộc đụng độ hôm 15/6 với phía Trung Quốc ở khu vực dãy Hymalaya.

59 ứng dụng khác nhau của Trung Quốc đã bị cấm tại Ấn Độ, bao gồm cả WeChat và Tiktok. Chính phủ Ấn Độ cho biết hành động này nhằm "bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia". Trong khi đó, Liên minh Thương nhân Ấn Độ đang đại diện cho 70 triệu thương nhân và 40.000 hiệp hội thương mại tại quốc gia này để lãnh đạo chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc hiện chưa có động thái kinh tế đáp trả. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho rằng Ấn Độ đang vi phạm các nguyên tắc WTO và cần phải suy nghĩ lại về quyết định của mình.

Tờ South China Morning Post nhận định rằng nếu căng thẳng không được giải quyết, sẽ có rất nhiều mối đe dọa cho nền kinh tế của cả hai bên.

Khó xác định thắng - thua

Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu Counterpoint, các công ty công nghệ Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào thị trường Ấn Độ. 80% doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh ở Ấn Độ thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc

Du Youkhang, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Fudan, Thượng Hải, nhận định rằng tác động đến quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia sẽ không kéo dài vì Trung Quốc là nguồn cung hàng hóa quan trọng cho Ấn Độ.

"Họ (Ấn Độ) luôn có thể tìm thấy những lựa chọn thay thế, nhưng điều này sẽ khiến tốn thêm tiền bạc. Trước đây đã có những lời kêu gọi từ Ấn Độ về việc tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc, nhưng chúng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn", ông Du phân tích.

Tranh chấp Ấn - Trung có thể khiến cả 2 bên trả giá đắt ảnh 1
Người biểu tình ở Ahmedabad, Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Thực tế trong những năm gần đây, chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của quốc gia này.

Theo dữ liệu từ chính phủ Ấn Độ, thâm hụt thương mại (chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu) với Trung Quốc giảm từ 53,5 tỷ USD vào năm 2018 xuống còn 48,7 USD vào năm 2019.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông Du nhận định: "Rất khó để xác định ai thắng ai thua trong mối quan hệ kinh tế căng thẳng như vậy. Ấn Độ là một thị trường rộng lớn và Trung Quốc cũng tạo ra những cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp Ấn Độ".

"Đó là lý do Trung Quốc và Ấn Độ đã xác định rõ ràng ý định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bây giờ mọi thứ có thể bị trì hoãn vì tình hình chính trị, nhưng điều này sẽ không thay đổi hướng đi chung của mối quan hệ kinh tế đó", ông Du cho biết thêm.

Niềm tin thiếu hụt ở mức kỷ lục

Amitendu Palit, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định các chính sách chính phủ Ấn Độ thực thi gần đây sẽ gây ra tác động lâu dài.

"Quyết định của Ấn Độ cấm các ứng dụng khiến những công ty phần mềm Trung Quốc gặp vấn đề trong việc tiếp cận thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng. Đồng thời, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng sẽ phải chịu cảnh thiếu nền tảng và cơ hội lợi nhuận", ông Palit nhấn mạnh.

Hãng tư vấn chính sách Ấn Độ Gateway House ước tính các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ kể từ năm 2015.

Trước khi xảy ra xung đột biên giới, chính phủ Ấn Độ đã tiến hành thắt chặt kiểm soát đầu tư với Trung Quốc và kêu gọi các công ty trong nước nên "tự lực cánh sinh".

Tháng 4, chính phủ Ấn Độ công bố các quy định mới để thắt chặt kiểm soát đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Chính sách này được áp dụng cho các quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ, nhưng được xem là nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc.

Theo báo cáo hồi tháng 3 của nhóm nghiên cứu Brookings, tổng đầu tư hiện tại và dự kiến từ Trung Quốc vào Ấn Độ ở mức 26 tỷ USD, cao hơn nhiều so với các nước láng giềng khác của Ấn Độ như Pakistan hay Bangladesh.

Tranh chấp Ấn - Trung có thể khiến cả 2 bên trả giá đắt ảnh 2
Tổng đầu tư hiện tại và dự kiến từ Trung Quốc vào Ấn Độ ở mức 26 tỷ USD. Ảnh: SCMP.

Các công ty Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục khách hàng Ấn Độ rằng sản phẩm của mình được sản xuất tại chính Ấn Độ

Xiaomi là một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc. Tại buổi ra mắt sản phẩm vào tháng 6, đại diện Xiaomi nhấn mạnh rằng 99% điện thoại và hầu hết TV thông minh của công ty được sản xuất tại Ấn Độ.

Ông Palit cho biết: "Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ luôn thiếu hụt niềm tin. Hiện tại, niềm tin đang bị thiết hụt ở mức kỷ lục. Mối quan hệ kinh tế vẫn sẽ duy trì, mặc dù có thể gặp khó khăn khi mở rộng sang các lĩnh vực khác, như đầu tư, du lịch, giáo dục".

"Điều quan trọng đối với cả hai nước là phát triển một cơ chế song phương để đảm bảo rằng có thể hợp tác dựa trên sự tin tưởng. Điều quan trọng hơn đối với Trung Quốc là thuyết phục Ấn Độ về vấn đề này", ông Palit nhấn mạnh.

Thanh Hoa

ZING

Các tin tức khác

>   Anh hối thúc doanh nghiệp, người dân chuẩn bị cho giai đoạn hậu Brexit (13/07/2020)

>   OPEC+ xem xét tăng sản lượng khai thác dầu từ tháng 8 (13/07/2020)

>   Kinh tế Mỹ lại 'hụt hơi' khi ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại (13/07/2020)

>   KERI: Kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm 2,3% trong năm nay do dịch COVID-19 (12/07/2020)

>   Biden đối phó Trump bằng kinh tế (12/07/2020)

>   Hơn 71,000 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận tại Mỹ (12/07/2020)

>   Doanh số máy tính cá nhân gia tăng trong giai đoạn dịch COVID-19 (12/07/2020)

>   Nhà hàng cung cấp dịch vụ độc quyền cho khách 'tụ tập online' (11/07/2020)

>   Mỹ áp thuế 25% với Pháp (11/07/2020)

>   Kinh tế Nhật Bản sẽ giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên (11/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật