Thứ Tư, 22/07/2020 10:21

'Rào ngoại' chưa xong, 'rào nội' dựng lên

Sau hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được kỳ vọng có cơ hội tăng tốc với thị trường rộng lớn hơn. Song thực tế con đường xuất ngoại của thủy sản gập ghềnh bởi nhiều rào cản.

Thẻ vàng IUU

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 8,6 tỷ USD, giảm 2,3% so với 2018, là kết quả không như mong đợi của ngành được xem là một trong các mũi nhọn về xuất khẩu. Bên cạnh những biến động về thị trường, sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ tiềm năng, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2019 suy giảm do bị dính thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Ủy ban châu Âu-EC). 

Nhiều quy định bất hợp lý đối với xuất khẩu thủy sản đang tạo rào cản, gây bất lợi cho doanh nghiệp  trong nước khi cạnh tranh với các đối thủ.

Ông Nguyễn Hoài Nam,  Phó Tổng thư ký Vasep

Thẻ vàng IUU đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đánh bắt, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm hơn 17% tổng kim ngạch xuất khẩu). Quyết định cảnh báo thẻ vàng của EC được công khai trên các website, đã làm mất uy tín nghiêm trọng với hải sản Việt Nam, hệ quả thị trường Mỹ và những thị trường tiềm năng khác cũng tỏ ra dè dặt và hành động tương tự.

Ngay sau khi IUU được công bố, 100% các lô hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam xuất sang EU đều bị giữ lại kiểm tra với thời gian 3-4 tuần mỗi container. Ngoài chi phí kiểm tra nguồn gốc xuất xứ khoảng 500 bảng Anh/container, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều lệ phí, cũng như mất uy tín với khách hàng do chậm giao sản phẩm. Thực tế, sau 2 năm bị EC cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm 6,5% và tiếp tục chững lại trong năm 2019. Từ vị trí thứ 2 thị trường EU đã tụt xuống đứng thứ 5, và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13% trong bản đồ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 13.150 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó 2.372 tàu có chiều dài trên 24m và 10.778 tàu từ 15m đến dưới 24m. Trong khi đó, công tác kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm thủy sản của cơ quan chức năng trong việc xác định tàu cá có được khai thác tại vùng biển cho phép hay không còn hạn chế. Hiện tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm, tiếp tục diễn biến phức tạp. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi, tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu…

DN xuất khẩu thủy sản phải chịu một lúc 2 áp lực: Thẻ vàng IUU và rào cản do các quy định trong nước dựng lên.

Thực tế trên cho thấy, việc gỡ thẻ vàng IUU không phải một sớm một chiều. Đây vẫn là câu chuyện khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong những năm tới, nhất là khi FTA EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, EU sẽ tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại phi thuế quan.

Rào cản quy định

Trong khi thị trường xuất khẩu bên ngoài không mấy suôn sẻ, con đường xuất ngoại của thủy sản Việt Nam từ nhiều năm nay phải đối mặt với hàng loạt rào cản từ chính những quy định trong nước. Một trong những rào cản doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho là bất hợp lý, là quy định về tiêu chuẩn hàm lượng phốt pho trong sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Bộ TN-MT quy định chỉ tiêu phốt pho trong nước thải theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) phải dưới 6mg/lít, sau nhiều năm kiến nghị chỉ tiêu này được nâng lên 20mg/lít. Xét theo tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, ngay cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU cũng không quy định như vậy. Thậm chí, ở EU chỉ tiêu này được phép cao hơn, mức 50mg/lít.

Trong khi đó, muốn đạt quy định thì công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá. Song do sử dụng nhiều trong quá trình chế biến, nước thải của các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu sang Mỹ đều có chỉ tiêu phốt pho cao (từ 2-9 lần so với QCVN 11:2015). Và khi các cơ quan chức năng kiểm tra, hầu hết doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đều “dính án” nên không được phép xuất khẩu.

“Chúng tôi đã kiến nghị việc này nhiều năm nay, song không hiểu sao quy định bất hợp lý này vẫn không được gỡ bỏ” - ông Nam cho biết. Đại diện Vasep cũng cho rằng quy định của Việt Nam vô hình chung đã tự gây bất lợi cho doanh ngghiệp trong nước khi cạnh tranh với các đối thủ. Bởi ngay trong khu vực ASEAN, nhiều nước đều có quy định về tiêu chuẩn nước thải thủy sản ở mức cao, như chỉ tiêu phốt pho 30-100mg/lít, thậm chí có nước không quy định, bởi phốt pho trong nước thải rửa tôm cá chủ yếu là phốt pho hữu cơ, dễ phân hủy. Do đó, Vasep kiến nghị bỏ tiêu chí phốt pho ra khỏi dự thảo QCVN 11:2017, giữ ngyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ theo QCVN 11:2015. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất áp dụng quy chuẩn QCVN 02-20:2014/BNNPTNT cho nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường.

Theo TS. Trần Ngọc Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Khoa học và Quan hệ quốc tế (Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT I), thực tế sản phẩm thủy sản đã bị loại trừ khỏi khái niệm nông sản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nằm trong danh mục “hàng hóa khác”, hoặc “hàng hóa phi nông sản”. Trong khi đó ở Việt Nam, sản phẩm thủy sản được dùng chung chính sách nông nghiệp. “Rõ ràng, hệ thống chính sách không phát triển kịp tiến trình hội nhập chung, cộng với thủy sản nước ta có lợi thế cạnh tranh, nên khi xuất khẩu hay bị kiện chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật khác” - ông Hùng nhận xét. 

Lưu Thủy

Sài Gòn Giải Phóng

Các tin tức khác

>   Chiến lược và quản trị hiệu quả giúp Vinamilk nhiều năm liền là công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (22/07/2020)

>   Thất thu hàng ngàn tỉ vì chậm đấu giá biển số đẹp (22/07/2020)

>   Kẹt từ 'trên trời' xuống các điểm du lịch (22/07/2020)

>   Kinh doanh khách sạn vẫn chưa hết khó (22/07/2020)

>   Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá màng nhựa Trung Quốc, Thái, Malaysia (21/07/2020)

>   Hơn 500 doanh nhân Hàn Quốc sắp nhập cảnh Việt Nam (21/07/2020)

>   Tổng Giám đốc HSBC Tim Evans: 'Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn' (21/07/2020)

>   Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 8/8 (21/07/2020)

>   Sẽ thay đổi công thức tính giá xăng dầu (21/07/2020)

>   Cựu cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy tại Việt Nam (21/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật