Thứ Tư, 22/07/2020 08:18

Kẹt từ 'trên trời' xuống các điểm du lịch

Vé máy bay, giá dịch vụ giảm kịch sàn, các gia đình tranh thủ thời gian học sinh bắt đầu nghỉ hè để đi du lịch khiến tình trạng ách tắc xảy ra từ “trên trời” xuống tới các điểm đến.

Kẹt từ “trên trời” xuống các điểm du lịch
Hành khách chờ đợi làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Thắng

Đường nào cũng tắc

Đưa cả gia đình đi Vũng Tàu chơi 2 ngày cuối tuần (18 - 19.7), anh Chí Dũng (Q.2, TP.HCM) kể vừa trải qua một chuyến du lịch “hành xác” khi nhớ tới cảnh kẹt xe ùn tắc khắp các nẻo đường của thành phố biển. Thuê 1 căn villa sát biển, gia đình anh Dũng chủ yếu dành thời gian cả ngày thứ bảy để vui chơi, nghỉ dưỡng ngay trong khu biệt thự. Đến sáng chủ nhật, cả nhà mới lái xe vào khu vực trung tâm nhưng không thể chen nổi vì ùn tắc khắp các nẻo đường. “Chưa bao giờ tôi thấy Vũng Tàu kẹt như vậy. Mới 8 - 9 giờ sáng, hàng trăm xe nối nhau nhích từng chút cả 2 chiều trên đường Thùy Vân. Muốn lên ngọn Hải Đăng chắc xếp hàng tới trưa mới đi nổi. Các tuyến đường nằm trong khu trung tâm, xe cộ di chuyển cũng rất chậm. Bãi biển thì đông nghẹt. Chúng tôi tính ghé chợ hải sản nhưng đông quá nên đành quay về khách sạn ăn trưa. Chiều về TP.HCM mới là “bi kịch”. Quãng đường hơn 100 km mà đi ô tô hơn 4 giờ mới về tới nhà, xe cộ nối đuôi nhau chôn chân trên đường cao tốc giữa trời nắng nóng, đúng là kinh hoàng”, anh Dũng ngán ngẩm.

Cũng vì sợ mọi người đổ về TP biển đông đúc, gia đình anh chị Ngọc Thu (Đồng Nai) quyết định đưa 2 cậu con trai lên Đà Lạt tránh nóng. Chắc mẩm không phải dịp lễ nên không quá đông đúc, song cả nhà chị Thu đi xe giường nằm gần 8 tiếng đồng hồ lên tới TP sương mù, vừa tới cửa ngõ TP đã gặp phải tình trạng kẹt xe. Càng vào sâu trong trung tâm, càng kẹt xe nghiêm trọng khi lượng ô tô gia đình, xe du lịch lớn đổ về quá đông. Thời tiết Đà Lạt những ngày cuối tuần nắng đẹp, gia đình chị mua tour 1 ngày đi các điểm du lịch nổi tiếng nhưng cũng không kịp cảm nhận được gì vì điểm nào cũng đông nghẹt khách.

Đường bộ ùn tắc, hàng không mùa cao điểm năm nay càng thêm phần khốn khổ vì 2 sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều đóng 1 đường băng để sửa chữa. Hình ảnh “biển người” rồng rắn xếp hàng chờ làm thủ tục tại nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ trưa đến chiều 19.7 khiến không ít người lắc đầu ngao ngán. Do sân bay Nội Bài đang cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) nên ngoài đường băng, máy bay cũng phải xếp hàng chờ bay, kéo theo tình trạng trễ chuyến dây chuyền, hàng ngàn khách vạ vật chờ đợi nhiều giờ đồng hồ tại sân bay.

Không đến nỗi quá tải như sân bay Nội Bài, nhưng người dân TP.HCM đi du lịch cũng ám ảnh vì trễ chuyến, vật vờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Gần như chuyến bay nào cũng báo trễ (delay), nhanh thì 30 phút - 1 giờ, chậm thì cả gia đình phải chờ đến 2 giờ đồng hồ mới được lên máy bay, có khi vẫn phải ngồi chờ tiếp vì máy bay phải xếp hàng trên đường lăn.

Đà Lạt “thất thủ” ngay đầu mùa cao điểm du lịch 2020. Ảnh: Gia Bình

Lo giảm chất lượng dịch vụ

Sau thời gian “đóng băng” vì đại dịch Covid-19, ngành du lịch liên tiếp dồn sức thúc đẩy nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn nhằm vực dậy du lịch nội địa. Vé máy bay giảm giá kịch khung, công ty lữ hành chấp nhận bán tour giá net, cùng hàng trăm chương trình khuyến mãi “khủng” từ các khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao đã tạo nên cú hích lớn cho thị trường. Ngay khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát từ cuối tháng 4, các điểm du lịch đã nhộn nhịp du khách. Đặc biệt, do thời gian nghỉ hè của học sinh năm nay rút ngắn còn khoảng 1 tháng nên nhu cầu đi du lịch lập tức dồn lại ngay khi các em vừa kết thúc năm học. Áp lực mùa du lịch tăng cao trong khi hạ tầng hàng không đang vướng sửa chữa đường băng, hạ tầng dịch vụ tại các điểm đến cũng chưa hoàn toàn được khôi phục dẫn đến quá tải.

Đại diện Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết các đơn vị đang phối hợp thi công hết công suất việc cải tạo, sữa chữa 2 đường băng tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất. Song song đó, Cục Hàng không đã yêu cầu giảm số chuyến bay được cấp phép từ 40 - 50 chuyến/giờ xuống còn khoảng 30 chuyến/giờ để giảm áp lực khai thác tại các cảng. “Nhưng không thể tránh khỏi tình trạng ách tắc, chậm trễ khi 2 sân bay lớn nhất nước chỉ khai thác trên 1 đường băng. Chúng tôi cũng không còn cách nào khác ngoài cố gắng phối hợp hết sức để đảm bảo an ninh, an toàn, hạn chế tối đa sự cố ảnh hưởng đến hoạt động hàng không”, vị này nói.

Trước tình trạng các điểm du lịch “thất thủ” trong tuần đầu tiên mùa cao điểm, Tổng cục Du lịch đã có công văn khẩn đề nghị sở quản lý du lịch các địa phương rà soát hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng.

Tổng cục Du lịch cũng chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, đơn vị vận chuyển, nhà hàng và cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ trên địa bàn thực hiện tốt một số nội dung nhằm đảm bảo uy tín của ngành, quyền lợi của khách du lịch, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kích cầu du lịch nội địa. Đặc biệt là các hoạt động tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất; kịp thời thay thế, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc, thay mới các vật dụng đã cũ, không đảm bảo chất lượng. Lãnh đạo ngành du lịch yêu cầu các điểm du lịch nhanh chóng bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ở tất cả các bộ phận, các khâu phục vụ nhằm đáp ứng quy trình chuẩn trong phục vụ khách.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Kinh doanh khách sạn vẫn chưa hết khó (22/07/2020)

>   Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá màng nhựa Trung Quốc, Thái, Malaysia (21/07/2020)

>   Hơn 500 doanh nhân Hàn Quốc sắp nhập cảnh Việt Nam (21/07/2020)

>   Tổng Giám đốc HSBC Tim Evans: 'Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn' (21/07/2020)

>   Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 8/8 (21/07/2020)

>   Sẽ thay đổi công thức tính giá xăng dầu (21/07/2020)

>   Cựu cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy tại Việt Nam (21/07/2020)

>   Bất chấp Covid-19, người Việt chi 35 tỉ USD mua hàng từ Trung Quốc (20/07/2020)

>   Cảnh cáo Chủ tịch Tổng công ty VEC Mai Anh Tuấn, khai trừ Đảng phó tổng giám đốc (20/07/2020)

>   Đề nghị khai trừ Đảng nguyên Phó chủ tịch TP.HCM và Trưởng ban Nội chính Thái Bình (20/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật