Giấc mộng vụn vỡ và những ngày tháng ‘địa ngục’ của nạn nhân đa cấp bất chính
Sa chân vào cái bẫy đa cấp bất chính thì mỗi người một hoàn cảnh, thế nhưng có một công thức chung của những nạn nhân trẻ tuổi là: non nớt, thiếu kinh nghiệm, nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin để nhận diện.
* Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên 'mất tích': Các cơ sở 'team khởi nghiệp 360' đóng cửa, chuyển địa bàn?
* Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên 'mất tích': Có dấu hiệu phạm tội hình sự
* Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên 'mất tích': Phải triệt xóa đa cấp biến tướng
Những năm tháng địa ngục của nạn nhân đa cấp bất chính: Khi giấc mơ hóa ác mộng
|
Sau loạt bài Vén màn hàng loạt sinh viên 'mất tích' được đăng tải trên Báo Thanh Niên, có rất nhiều nạn nhân, người thân của các nạn nhân tiếp tục tìm đến Báo tố cáo hoạt động của các đường dây có dấu hiệu hoạt động kinh doanh ngụy trang dưới chiêu trò đa cấp bất chính.
Thực hiện nội dung về D.P, một nạn nhân của đa cấp bất chính, chúng tôi đã mất gần nửa buổi chiều để chuẩn bị set up cảnh quay, đèn chiếu, âm thanh trong phim trường của tòa soạn, vì D.P yêu cầu giấu danh tính, che mặt .
Thế rồi chiều tối, chúng tôi nhận được tin báo nhân vật từ chối đến tòa soạn và hẹn gặp ở một quán cà phê gần nhà trọ. Dù tiếc nuối công sức chuẩn bị và cũng lo lắng vì quay phim ở quán cà phê không hề dễ, nhưng chúng tôi đồng ý gặp ở quán cà phê, vì có lẽ D.P ngại và mặc cảm nếu phải đến những nơi mà người ta biết cậu là nạn nhân của đa cấp bất chính.
Gặp tôi ở quán cà phê là một thanh niên trẻ tuổi và rất cao lớn. Khác với suy đoán trước đó, nhân vật của tôi không hề có nét của một người rụt rè hay mặc cảm. Ở D.P toát ra sự năng động, tự tin và đầy năng lượng. Sau một hồi nói chuyện, tôi mới biết hóa ra cậu không đồng ý lên tòa soạn phỏng vấn là vì không có xe máy để đi và có lẽ số tiền để đi xe ôm hay Grab gần 20 cây số cũng là khá cao so với tình hình tài chính hiện tại của cậu vào thời điểm này.
Hứa hẹn về một tương lai hào nhoáng
Cách đây 3 năm, ở tuổi 18 và đang là sinh viên năm nhất của một trường đại học ở TP.HCM, D.P lên Facebook tìm kiếm một công việc làm thêm phù hợp. Không giống như nhiều nạn nhân đa cấp bất chính khác do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nóng lòng muốn làm giàu nhanh, D.P có gia đình làm kinh doanh ở TP.HCM và cậu cũng không phải chịu áp lực kinh tế nào ở thời điểm đó.
Thế nhưng, vì muốn chứng minh bản thân và muốn có tiền để đáp ứng những nhu cầu chi tiêu cá nhân, cậu nóng lòng muốn có một công việc làm thêm. Bắt gặp thông tin tuyển dụng của Team khởi nghiệp 360 với lời giới thiệu về công việc chăm sóc khách hàng với mức lương hấp dẫn, vốn là người xởi lởi trong giao tiếp, D.P ngay lập tức hứng thú với lời chào mời này.
Sau những tin nhắn trao đổi qua lại với một số tài khoản Facebook từ Team khởi nghiệp 360, D.P chốt ngày hẹn phỏng vấn tại trụ sở công ty ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Và từ đây, cái bẫy đa cấp bất chính từ từ sập xuống.
Những tổ chức đa cấp bất chính nhắm vào các bạn sinh viên trẻ tuổi, non nớt và thiếu kinh nghiệm như những "con mồi" hấp dẫn. Ảnh: Quỳnh Phương
|
“Khi bước vào phỏng vấn thì mình ngay lập tức cảm nhận được sự thân thiết từ cả người hướng dẫn và người giao lưu chia sẻ. Họ định hướng cho mình những quan điểm, những tư tưởng mà một người sinh viên, một người trẻ cần phải có để tốt cho tương lai. Lúc đó mình nghe và cảm thấy rất hợp lý. Sau đó, họ lại đưa ra những quyền lợi hấp dẫn như những chính sách, dự án, những mức thu nhập cao rồi môi trường làm viêc teamwork (làm việc nhóm) năng động, kiếm được thu nhập lo được cho bản thân rồi sau này có thể quản lý đội nhóm 5 người, 10 người, 50 người, 100 người. Cao hơn nữa là mua được ô tô, mua được xe, mua được nhà. Đó thực sự là viễn cảnh thiên đường với một sinh viên 18 tuổi như mình”, D.P kể lại.
Những sinh viên non nớt như D.P được một tổ chức đa cấp bất chính tô vẽ những tương lai hào nhoáng. Từ viễn cảnh hào nhoáng đó mà những sinh viên như D.P dễ dàng bị dụ giao nộp tiền để giữ vị trí công việc hay để nhận đơn hàng về kinh doanh ngay từ lần gặp đầu tiên.
“Họ sẽ dùng mọi phương thức để làm sau đó bản thân mình có thể chốt tất cả tài sản mà chúng ta đang có. Ví dụ như ngày hôm đó bản thân mình mang theo tiền mặt thì họ sẽ chốt tiền mặt. Có tiền trong ATM thì họ sẽ chốt tiền trong ATM; có vàng, điện thoại, laptop hoặc tài sản nào giá trị thì họ sẽ chốt thẳng tại đó. Họ thậm chí còn giới thiệu cả những chỗ chuyên cho vay tiền để mình ra đó vay và đưa tiền về thanh toán đơn hàng”, D.P nhớ lại.
Sau bước giao tiền và chốt tài sản, những sinh viên như D.P được đưa đến các hội nghị ở nhà hàng sang trọng, gặp gỡ những người được giới thiệu là thành công, doanh nhân giỏi, những “tấm gương” thành đạt mà không cần học đại học.
Và chỉ vài tuần sau khi bước chân và Team khởi nghiệp 360, D.P đã bỏ ngang chương trình đại học. Thời điểm đó, cậu cũng chỉ mới học được ở đại học một số tiết và còn chưa kịp quen biết, làm bạn với nhiều bạn cùng lớp. Bỏ học cũng chỉ là một trong số rất nhiều những điều mà D.P và nhiều bạn trẻ khác phải làm để chứng minh khát khao được vào làm việc cho chính nơi sau này sẽ hủy hoại tương lai của họ.
“Để được bước vào "câu lạc bộ doanh nhân" và gặp những sếp cấp cao hơn thì bọn mình phải chứng minh được sự nỗ lực và khao khát. Họ làm khó thông qua việc ví dụ như bắt sinh viên hít đất 500 cái hoặc là đi ra ngoài kiếm được 500.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng gì đó hoặc là phải chùi toilet, nhà vệ sinh hoặc là thể hiện sự mong muốn lớn lao đến mức có thể cắt máu ăn thề chẳng hạn.” - D.P rùng mình nhớ lại.
Những năm tháng cơ cực không lối thoát
Sau khi bỏ học, làm vô số những việc gọi là “chứng minh sự khát khao” và đóng vào gần 400 triệu đồng thì D.P cũng chính thức được chứng nhận là “doanh nhân vàng”, được tung hô, được tặng thưởng và được tài trợ một chuyến du lịch trong nước ngắn ngày. Nhưng có lẽ thời điểm đó, cậu chưa tưởng tượng được rằng những hào quang phút ban đầu này chính là mở đầu cho những năm tháng cơ cực không lối thoát.
“Thời điểm mình bỏ học và bỏ nhà đi thì gia đình có đi tìm, có nhờ cả công an nữa. Thời điểm đó mình cũng vẫn ở TP.HCM nhưng được người quản lý giấu trong phòng trọ suốt một tháng trời. Cứ đến giờ cơm thì có người mang cơm vào còn không thì chỉ ở trong phòng trọ một mình. Sau một tháng đó, khi tình hình dịu lại thì mình bắt đầu quay lại làm việc. Và khi mà bước vào thì mới hiểu được cảm giác cực khổ là như thế nào. Từ việc không có tiền để ăn uống đến việc phải ăn mì gói hay ăn một hộp cơm chay 10.000 đồng thôi cũng phải chia nhau ra để ăn. Cảm giác như là những kiến thức từ bên ngoài, ở đại học dần xa vời, dần biến mất mà chỉ có những quan điểm và tư tưởng ở đó. Thời gian làm việc tại đó thì bản thân mình làm từ 6 rưỡi sáng và kết thúc tầm 11 đến 12 giờ đêm. Đến nỗi mà não chỉ có suy nghĩ trong đầu chỉ đinh ninh là làm việc và làm việc thôi. Không nghĩ đến thứ gì khác. Não không còn khả năng hoạt động và tư duy gì đó hay hơn, chỉ là làm, làm và làm thôi. Đôi khi lên nói chuyện với những người trên công ty thì chỉ là nói cái miệng, não đã hoạt động quá mệt và đã nghỉ luôn rồi.” - D.P kể lại.
Làm việc từ sáng sớm cho đến tối mịt với đồng lương ít ỏi không đủ ăn no ngày 3 bữa, những bạn trẻ như D.P dần xa rời với xã hội và thậm chí mất luôn cả những mối quan hệ thân thiết, mất luôn cả đời sống tinh thần của một người bình thường, không còn muốn gặp gỡ bạn bè, không còn muốn đi chơi hay thậm chí là không đủ sức để xem phim, nghe nhạc. Từ một sinh viên năng động và hoạt bát, D.P dần trở thành một con "rô bốt" chỉ biết đến công việc và công việc với hy vọng có thể vớt vát lại số tiền đã đóng vào.
"Nếu năm 18 tuổi em tỉnh táo hơn thì có lẽ giờ em đã là tiếp viên hàng không"
Sau 3 năm làm việc tại Team khởi nghiệp 360 và trải qua đủ những gian khổ cùng số tiền khổng lồ đóng vào, D.P cuối cùng cũng tự giải thoát cho mình bằng cách bỏ trốn. Trong một lần cả công ty cùng đi Bình Dương, cậu quay xe giữa đường, chạy về phòng trọ chung và thu dọn đồ đạc bỏ đi. Sau loạt bài Vén màn hàng loạt sinh viên 'mất tích' được đăng tải, D.P về nhà và thú thật với ba mẹ về cuộc sống của cậu trong suốt 3 năm qua. Nhận được sự cảm thông từ gia đình nhưng chính bản thân cậu vẫn chưa thể tha thứ cho chính mình. Dù có nhà ở TP.HCM nhưng vì sợ hàng xóm hay họ hàng dị nghị ảnh hưởng đến ba mẹ nên hiện tại D.P chuyển qua một khu trọ khác và kiếm thêm việc làm tay chân để trang trải cuộc sống.
"Ba năm, ba năm trải nghiệm tại đó, ba năm học tập tại nó thì thực chất là từ những cậu sinh viên trẻ vui vẻ, thoải mái, vô tư, hồn nhiên trở thành những con người khó tính hơn, biết lươn lẹo hơn, lấp liếm nhiều hơn, nói dối, nói xạo để lừa lọc, lừa gạt người khác nhiều hơn. Không chỉ đánh mất sức khỏe, tương lai con đường học vấn mà cả những mối quan hệ của mình cũng đã bị hủy hoại.
Nếu như năm 18 tuổi mình không bước vào đó thì đúng theo những kỳ hoạch, những định hướng từ gia đình và kế hoạch của bản thân thì mình đã làm một công việc nào đó ổn định hơn chẳng hạn, hoặc là định hướng của mình thời điểm lúc đó đang trên quá trình học để lấy bằng tiếng Anh để trở thành tiếp viên hàng không như định hướng của ba mẹ", D.P chia sẻ.
Nhận diện đa cấp bất chính - giáo dục cho con trẻ từ trong gia đình và nhà trường
Là một nhà giáo dục, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông (Khoa Báo chí và Truyền thông Đại học KHXH&NV TP.HCM) tỏ ra đầy bức xúc trước những cái bẫy đa cấp bất chính. Ông từng có những bài báo bày tỏ quan điểm về đa cấp bất chính đăng tải trên Báo Thanh Niên, trong đó nhấn mạnh về vai trò của gia đình và nhà trường trong việc cung cấp những kỹ năng nhận diện đa cấp bất chính.
"Các đối tượng lừa đảo trong trường hợp này đã nhắm vào đúng thành phần sinh viên yếu nhất ở trong trường đại học, đó là các em mới chân ướt chân ráo bước vào trường. Trong đó có nhiều bạn nhận thức về xã hội, về cuộc sống, về giá trị cuộc sống, về tâm lý mọi thứ còn chưa vững vàng. Những đối tượng này họ tấn công ngay vào các bạn sinh viên năm thứ nhất. Cái việc này chúng ta cần phải đặt vào một trong những trọng tâm của chương trình giáo dục định hướng đầu khoa. Ở nhiều trường đại học trên thế giới, người ta coi trọng các nội dung định hướng đó.
Có một vài việc tôi cho là rất căn bản trong giáo dục con trẻ. Ví dụ nguyên lý vì phát sinh giá trị trong đời sống kinh tế của cá nhân. Đó là một cái giá trị đồng tiền mà bạn có được thì trừ những trường hợp rất hi hữu, rất đặc biệt kiểu như trúng số độc đắc thì còn lại cơ bản là nó phải đều được tích lũy và gặt hái được từ sức lao động và từ những cái giá trị vì sự thông minh hoặc là vì sự đầu tư đúng hướng chứ không đơn giản là bạn chỉ cần có một ít tiền và làm vài việc nho nhỏ là bạn sẽ giàu lên. Ngay cả khi bạn nghe một khẩu hiệu như là “làm giàu không khó” thì bạn cũng phải hiểu là phải học, phải làm việc rất cật lực, rất nghiêm túc thì mới giàu chứ không phải là làm giàu không khó là đồng tiền rơi trên trời rơi xuống. Ở đây ta có thể nhìn ra là nếu như lừa đảo về đa cấp là một thực tế xã hội thì chúng ta phải đặt cái hiểu biết này vào ngay trong môi trường giáo dục gia đình. Chỉ lo sợ là có một số trường hợp ở gia đình thì chính phụ huynh, người lớn cũng chưa học được bài học này", tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nhận định.
|
Quỳnh Phương
Thanh niên
|